Thứ Tư Tuần 30 TN1.
Bài đọc: Romans 8:26-30; Luke 13:22-30.
Hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa là một tiến trình đòi cả đời người, chứ không phải chỉ một giai đoạn hay một giây phút cuối cùng trên giường chết như nhiều người lầm tưởng. Nhiều người lấy câu truyện của anh trộm lành để bắt chước; nhưng họ sẽ thấy để nói lên được những lời đó trên giường chết thật không dễ tí nào.
Các bài đọc hôm nay muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta phải biết chuẩn bị cả cuộc đời để hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thánh Phaolô liệt kê một tiến trình Thiên Chúa đã phác họa cho con người trước khi họ có thể hưởng phúc vinh quang với Ngài là: biết trước, tiền định, kêu gọi, cho nên công chính, cho hưởng phúc vinh quang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm chứng cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.
2.1/ Con người chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải: Nếu thật tâm nhận xét, tất cả chúng ta đều không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải. Có ít nhất là 3 lý do chứng minh con người không biết cách cầu nguyện.
(1) Con người không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Con người chỉ biết những gì xảy ra trong giây phút hiện tại; vì thế, một điều có thể tốt trong giây phút hiện tại, nhưng sẽ không tốt cho con người trong tương lai. Ví dụ, xin cho giàu có thể đưa con người đến chỗ bị thiệt hại mạng sống hay mất hạnh phúc.
(2) Con người không biết điều gì tốt cho mình: Có những điều con người xin tưởng là tốt, nhưng mang lại nhiều cay đắng cho con người. Ví dụ, xin cho có quyền cao, chức trọng; nhưng con người không biết những hậu quả cay đắng mà con người không thể chịu được..
(3) Con người không biết lời cầu xin của mình có hại cho người khác: Thiên Chúa có bổn phận bảo vệ mọi người, vì tất cả đều là con cái Ngài dựng nên dù họ có biết hay không. Ví dụ, xin Thiên Chúa trừng trị kẻ gian ác thích đáng và ngay lập tức.
2.2/ Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài. Thánh Phaolô nói rõ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.”
Động từ Hy-lạp dùng ở Romans 8:23 là stenázô, có nghĩa là rên xiết trong lòng. Danh từ dùng trong trình thuật ở đây là stenámois alalêtois, “những tiếng rên xiết không diễn tả được thành lời.” Danh từ này có nguồn gốc trong Sách Xuất Hành, khi Thiên Chúa nghe thấy những tiếng rên xiết của con cái Israel phải làm nô lệ bên Ai-cập. Họ bị đối xử bất công bởi các người đốc công và bị vất vả khổ cực tư bề; nhưng không biết kêu cầu đến ai, chỉ biết rên xiết trong lòng (Act 7:34; Exodus 3:7-10).
Tại sao Thiên Chúa ban Thần Khí của Ngài cho con người? Thánh Phaolô cắt nghĩa:
“Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Corinthians 2:11-13). “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”
1.3/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma quả quyết: “Mọi sự xảy ra trong cuộc đời là cho sự tốt lành của những người yêu mến Thiên Chúa, là những người đã được kêu gọi theo như ý định của Ngài.”
Biết mục đích của cuộc đời không chưa đủ, con người còn phải biết cách làm sao để đạt được mục đích ấy mới trọn vẹn. Thánh Phaolô phác họa tổng quát kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Những ai Thiên Chúa đã biết Ngài cũng định trước cho trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa; những ai Chúa định trước Ngài cũng kêu gọi; những ai Chúa đã kêu gọi Ngài cũng cho trở nên công chính; những ai Chúa đã cho trở nên công chính, Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”
Theo Phaolô, con người được trở nên công chính là niềm tin vào Đức Kitô; nhưng niềm tin này cần được thử thách bởi các gian nan và đau khổ Thiên Chúa gởi đến trong cuộc đời. Người tín hữu phải chứng minh niềm tin nơi Đức Kitô bằng cách vượt qua những thử thách này. Nếu người tín hữu trung thành với đức tin đến cùng, anh sẽ được Thiên Chúa cho hưởng phúc vinh quang với Ngài.
2/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Con người có khuynh hướng chọn giải pháp dễ nhất, đường nào ngắn nhất; nhưng kinh nghiệm dạy, nếu họ chọn như thế là chỉ đưa đến thất bại mà thôi. Nếu không có kỷ luật, một người không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể. Một số người rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa như sau: Vì tình thương bao la của Thiên Chúa, nên sau cùng Ngài sẽ cứu hết (Universalism). Sứ điệp của Chúa Giêsu hôm nay phải là lời cảnh tỉnh cho những người này.
2.2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi: Nhiều người nhấn mạnh đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm. Ngài cảnh cáo những người chỉ tin nơi môi miệng: “Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Chúa đề phòng trước cho chúng ta một thực tế phũ phàng: “Con cháu trong nhà và những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai… Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa… Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để được hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa là một tiến trình đòi cả đời người. Chúng ta phải luyện tập để có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa.
– Chúng ta phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
– Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP