Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Ê-phê-xô 3:2-3; 5-6
Từ nhà tù Rô-ma, thánh Phao-lô viết thư thăm giáo đoàn Ê-phê-xô mà ngài đã đưa họ trở lại với Chúa khoảng năm 53-56, nhắc nhở họ về “kế hoạch ân sủng Thiên Chúa đã ủy thác cho ngài”, tức là sứ vụ Tông đồ Dân ngoại. Làm Tông đồ Dân ngoại, Phao-lô phải “am hiểu mầu nhiệm Ðức Ki-tô” và có bổn phận đặc biệt rao giảng mầu nhiệm ấy cho những anh chị em không phải là Do-thái.
Trong thư Ê-phê-xô và thư Cô-lô-xê, mầu nhiệm Ðức Ki-tô, hoặc được gọi tắt là Mầu nhiệm, là chủ đề được Phao-lô trình bày cặn kẽ, đó chính là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ðức Ki-tô là Ðầu để mọi sự quy về một mối (recapitulation), là Nguyên lý để Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc chúng ta.
Xuất xứ của mầu nhiệm này dĩ nhiên là từ ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta và thánh Phao-lô còn mạnh dạn gọi ý định ấy là việc Thiên Chúa “tiền định” (xem 1:5.9.11). Vậy trong kế hoạch cứu độ này, có hai điều Thiên Chúa đã hoạch định từ trước muôn đời (= tiền định): “cho chúng ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giê-su Ki-tô” (1:5.11.13); và trao cho các Tông đồ sứ vụ rao giảng Tin Mừng ấy cho người Do-thái cũng như cho Dân ngoại.
Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh đến một chiều kích vô cùng quan trọng của Mầu nhiệm Ðức Ki-tô đã từng là nguyên nhân gây chia rẽ hoặc hiểu lầm giữa Ki-tô hữu gốc Do-thái và gốc Dân ngoại. Trước đây chưa hề thấy sự kiện Dân ngoại và dân Do-thái chung sống huynh đệ trong một cộng đoàn, làm thành một thân thể. Nhưng từ nay, Ðức Ki-tô sẽ là Ðấng để “trong Người, cả anh em nữa (= Dân ngoại) cũng được xây dựng cùng với những người khác (= Do-thái) làm thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (2:22). Mầu nhiệm này không một ai trước đây, kể cả các thiên thần (3:10), biết được ý định của Thiên Chúa muốn kêu gọi mọi người và hòa giải dân Do-thái với Dân ngoại. Giờ đây, mầu nhiệm đã được mặc khải cho các Tông đồ và ngôn sứ nhờ Thánh Thần, để các ngài là những “người phục vụ Tin Mừng” sẽ đem công bố cho mọi người. Như thế rõ ràng thánh Phao-lô muốn đề cập tới tính cách phổ quát của Mầu nhiệm Ðức Ki-tô. Mầu nhiệm Ðức Ki-tô, hay kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân Do-thái, mà là cho cả Dân ngoại nữa.
Chính vì ý nghĩa ấy nên đoạn thư Ê-phê-xô đã được đưa vào Phụng vụ Lời Chúa lễ Hiển Linh để nói lên việc Chúa tỏ ơn cứu độ của Người cho muôn dân. Trong Thánh lễ, chúng ta mừng sự kiện những người Dân ngoại đầu tiên (Ba Vua) đã đến bái phục dưới chân Ðức Ki-tô. Họ là những người đầu tiên của cả lớp người từ muôn dân nước qua các thế hệ đã, đang và sẽ đến tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Ki-tô là Giáo Hội. Chúng ta được làm những phần tử của đoàn người ấy, và cũng giống như các Ki-tô hữu giáo đoàn Ê-phê-xô, chúng ta nghe lời huấn dụ của thánh Phao-lô là hãy nhìn nhận và trân trọng hồng ân cao vời ấy. Vậy chúng ta cứ “mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa”, nhất là “đừng nản chí” (3:12-13).
Nếu ý tưởng của thánh Phao-lô là muốn trình bày phổ quát tính của ơn cứu độ, thì chắc chắn đoạn thư cũng gián tiếp mời gọi chúng ta hãy nhìn theo viễn tượng ấy mà cầu nguyện và tích cực hành động cho việc hiệp nhất Ki-tô hữu và truyền bá Tin Mừng cho những anh chị em chưa được hồng ân biết Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Suy niệm về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, tôi nhận ra được những khía cạnh quan trọng nào của kế hoạch ấy? Tình yêu cứu rỗi của Chúa? Tính cách phổ quát? Ðức Ki-tô vừa là môi trường, vừa là sự thể hiện ơn cứu chuộc? Vai trò của Giáo Hội?
Tôi đã làm gì để đóng góp vào việc rao giảng mầu nhiệm Ðức Ki-tô cho người khác?
Nói về căn tính đích thực của chúng ta, thánh Phao-lô viết: “Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Ðức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (2:10). Vậy tôi đã sống đúng như “tác phẩm của Thiên Chúa” hoặc như tạo vật “được dựng nên trong Ðức Ki-tô Giê-su” chưa? Nếu chưa thì còn thiếu sót ở những gì?
Cái nhìn của tôi về những người không Công giáo như thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm hát một bài thích hợp, hoặc cầu nguyện kinh sau đây:
Lạy Chúa Giê-su, Tình Yêu của con,
Nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Ðó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…
Lạy Chúa Giê-su,
Cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện. [dựa theo lời của thánh Tê-rê-xa]
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 62)
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi