Tìm Hiểu Công Đồng Vaticanô II – Bài 3

Tóm Lược Hiến Chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium

imagesCAEOPHJF

Mở Đầu

Hiến chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium là hiến chế được Công đồng Vaticanô II ban hành trước tiên vào ngày 4 tháng 2 năm 1963 sau khi được các Nghị Phụ thông qua vào ngày 14 tháng 11 năm1962 với 2,162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Hiến chế này gồm có 7 chương, nhưng bài này chỉ tóm tắt chi tiết 2 chương đầu vì 2 chương này rất quan trọng đối với đời sống của các tín hữu.

Có lẽ là văn kiện đầu tiên nên Lời Mở Đầu của Hiến Chế này thay vì nói về mục đích của Phụng Vụ thì cập đến bốn mục tiêu chính của Công Đồng và kết luận rằng bốn mục tiêu ấy chính là lý do phải canh tân và cổ võ Phụng Vụ.  Bốn mục tiêu ấy là:

  • Phát huy một sức mạnh ngày càng gia tăng cho đời sống Kitô giáo của các tín hữu,
  • thích ứng hơn nữa những định chế nào có thể thay đổi được cho phù hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta,
  • nuôi dưỡng những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Đức Kitô,
  • tăng cường những gì khả dĩ giúp mời gọi toàn thể nhân loại vào gia đình Hội Thánh.

Nhờ Phụng Vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, mà công trình cứu độ chúng ta của Thiên Chúa được thực hiện. Phụng Vụ là phương thế tuyệt vời nhờ đó các tín hữu có thể diễn tả trong cuộc sống của mình và tỏ bày cho những người khác mầu nhiệm Đức Kitô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính, một Hội Thánh có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách.

Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Hội Thánh thành đền thờ của Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, để đạt tới mức độ sung mãn của Đức Kitô. Nhờ đó, Phụng Vụ kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Đức Kitô; và như một dấu chỉ được nêu cao trước mặt muôn dân ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ lại cho đến khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên.

  1. 1.      Bản Tính và Tầm Quan Trọng của Phụng Vụ trong Ðời Sống Hội Thánh

Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa được tiên báo trong Cựu Ước nay được Đức Kitô hoàn tất, đặc biệt là qua mầu nhiệm Phục Sinh của Người.  Nhờ phép Rửa, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại với Người. Hội Thánh không bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm Phục Sinh: bằng việc đọc những lời nói về Người trong Thánh Kinh, bằng việc cử hành Thánh Lễ trong đó hiện tại hóa “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người” đồng thời cảm tạ Thiên Chúa về ân sủng khôn tả của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô.

Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh của Người, đặc biệt là trong việc cử hành Phụng Vụ. Người hiện diện trong Thánh Lễ không những chỉ trong con người của thừa viên của Người, nhưng nhất là hiện diện thực sự dưới hình Bánh Rượu. Người hiện diện thực trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người.  Người hiện diện thực trong lời Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh. Sau hết Người hiện diện trong cộng đoàn khi Hội Thánh khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: “Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).

Vì thế, Phụng Vụ đáng được coi là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng bằng những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Đức Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.

Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng việc nếm trước Phụng Vụ Thiên Quốc; là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh Thiên Quốc đồng thanh chúc tụng Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Đức Kitô, cho đến khi Người xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Phụng Vụ Thánh không hoàn thành mọi hoạt động của Hội Thánh. Vì con người cần được mời gọi để tin và hoán cải trước khi có thể đến tham gia Phụng Vụ.  Cho nên Hội Thánh loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những kẻ không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời cũng nhận biết Ðấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối, hoán cải cách sống của họ. Còn đối với các tín hữu, Hội Thánh phải luôn luôn rao giảng đức tin và lòng thống hối; giúp họ sẵn sàng đón nhận các Bí Tích, dạy họ giữ trọn những điều Đức Kitô đã truyền, thúc giục họ tham gia mọi công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ để làm chứng cho Chúa.

Phụng Vụ là tột đỉnh mà mọi hoạt động của Hội Thánh hướng về, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực của Hội Thánh. Thực vậy, mọi công lao của việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và Phép Rửa mà trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Hội Thánh, thông phần Hiến Tế và dự tiệc của Chúa. Vì thế, chính Phụng Vụ, nhất là Thánh Lễ, là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào lòng chúng ta và làm cho chúng ta được thánh hóa trong Đức Kitô một cách hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh. Nhưng muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn ấy, các tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích.  Vì thế cho nên, các mục tử phải làm mọi cách để giúp hô tham gia Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ bao gồm việc tham dự Phụng Vụ Thánh mà thôi. Bởi vì các Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, mà còn phải cầu nguyện riêng và cầu nguyện không ngừng như Thánh Phalô đã dạy.  Thánh nhân còn dạy chúng ta luôn mang trong thân xác mình cái chết của Chúa Giêsu, để sự sống của Người được biểu lộ nơi thân xác chúng ta. Vì vậy, trong Thánh Lễ, khi chúng ta xin Chúa khi chấp nhận của lễ linh thiêng được dâng lên, thì cũng xin Ngài biến đồi chính chúng ta thành “lễ vật vĩnh cửu” đẹp long Chúa.

  1. 2.      Huấn Luyện Phụng Vụ và Tham Dự Tích Cực

Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực. Nhờ bí tích Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của Kitô hữu. Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Để đạt được điều đó trong mọi hoạt động Phụng Vụ, các tín hữu phải được đào luyện chu đáo về Phụng Vụ.

Tuy nhiên, muốn đạt được kết quả ấy, chính các mục tử trước hết phải thấm nhuần sâu rộng tinh thần và quyền năng của Phụng Vụ, cũng như thành những bậc thầy Phụng Vụ. Vì vậy Sacrosanctum Concilium đã đề ra sáu điều quan trọng trong việc đào luyện về Phụng Vụ cho các linh mục, chủng sinh, tu sĩ trong các chủng viện và các học viện dòng tu, các phân khoa thần học, và cho các tín hữu cùng những nguyên tắc trong các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành Thánh Lễ.

  1. 3.      Việc Canh Tân Phụng Vụ Thánh

Phụng Vụ gồm phần bất biến, do Thiên Chúa thiết lập, và phần có thể thay đổi được.  Phần sau này có thể được sửa đổi cho thích hợp với thời đại. Trong việc canh tân này, phải tu chính các bản văn, và các nghi lễ ngõ hầu chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để dân Kitô có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy, cũng như có thể tham dự việc cử hành các nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, tích cực và cộng đồng.

Công Ðồng xác quyết rằng việc canh tân Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Hội Thánh và ấn định những qui tắc tổng quát cũng như những quy tắc riêng biệt trong Phụng Vụ và đặc biệt nhấn mạnh rằng “tuyệt đối không ai, dù là linh mục, được tự tiện thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ.” Dù là thừa tác viên hay tín hữu, trong việc cử hành Phụng Vụ, mỗi người chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực của mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc Phụng Vụ.

Ðể phát huy việc tham dự tích cực, cần phải cổ võ những lời tung hô và đối đáp của giáo dân, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần phải giữ việc thinh lặng linh thiêng đúng lúc.

Phụng Vụ còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng. Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; đồng thời Đức Kitô cũng rao giảng Tin Mừng. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh. Sacrosanctum Concilium cũng đưa ra những nguyên tắc để thích nghi với tâm tình và truyền thống của các dân tộc mà vẫn giữ được Công Giáo tính của Phụng Vụ.

  1. 4.      Cổ Võ Ðời Sống Phụng Vụ trong Giáo Phận và Trong Giáo Xứ

Vaticanô II cho thấy một sự phát triển trong kiến thức về Phụng Vụ.  Ngoài việc mời gọi các tín hữu tham gia tích cực trong Phụng Vụ, Sacrosanctum Concilium còn nhắc đến đời sống Phụng Vụ của giáo xứ và mối quan hệ của nó với giám mục, và nỗ lực khuyến khích một ý thức cộng đồng trong mỗi giáo xứ, nhất là trong việc cử hành chung của Thánh Lễ Chúa Nhật.

  1. 5.      Việc Phát Huy Hoạt Ðộng về Mục Vụ Phụng Vụ

Để cổ võ hoạt động về mục vụ Phụng Vụ trong Hội Thánh, Thánh Công Ðồng quyết định: (1) Hội Thánh địa phương nên thiết lập một ủy ban Phụng Vụ với sự trợ lực chuyên môn của các chuyên gia về khoa Phụng Vụ, Âm Nhạc, Nghệ Thuật Thánh, cũng như mục vụ. (2) Trong mỗi giáo phận phải có một Ủy Ban Phụng Vụ Thánh để phát huy hoạt động Phụng Vụ, dưới quyền điều khiển của Giám Mục. (3) Ngoài ra cũng phải thiết lập các Ủy Ban Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh.

  1. 6.      Mầu Nhiệm Thánh Lễ

Thánh Lễ là bí tích tình yêu, là dấu chỉ hiệp nhất, là mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua, trong đó khi lãnh nhận Đức Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai.  Vì thế, Hội Thánh hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng như những người thấu triệt mầu nhiệm ấy nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách có ý thức, thành kính và tích cực: họ được Lời Chúa đào luyện; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô, họ được hiệp thông chặt chẽ với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.

Vì thế Hội Thánh quyết định canh tân các phần của Thánh Lễ đặc biệt là nhấn mạnh đến phần Thánh Kinh kể cả Bài Giảng để bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra một cách phong phú hơn cho các tín hữu. Hội Thánh cổ võ việc cử hành Thánh Lễ bằng tiếng bản xứ để giúp các tín hữu hiểu rõ những lời của Kinh Nguyện Thánh Thể.  Thêm vào đó là những cải tổ khác như việc cho rước lễ dưới hai hình bánh và rượu, việc chủ tế quay xuống cùng việc đồng tế của các linh mục.

Tóm Lược

Những Điểm Chính của Scarosactum Concilium được tóm lược như sau:

  • Làm cho Thánh Lễ và các nghi lễ khác được thêm rõ ràng và dễ hiểu hơn theo nguyên tắc “đơn sơ cao quý”.
  • Soạn thảo Sách Bài Đọc cho Chúa Nhật và ngày trong tuần theo chu kỳ ba năm để chúng ta có thể nghe hầu như toàn thể Tân Ước và phần lớn Cựu Ước.
  • Phục hồi giai đoạn dự tòng và phát triển nghi thức Khai Tâm (Nhập Đạo) cho Người Trưởng Thành.
  • Canh tân Năm Phụng Vụ, đặt trọng tâm vào Mầu Nhiệm Phục Sinh.
  • Canh tân nghi thức An Táng đặt trọng tâm vào việc suy niệm về Mầu Nhiệm Phục Sinh, sự Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô.
  • Thánh Nhạc, nghệ thuật thánh và kiến trúc thánh phải phản ảnh cả truyền thống lẫn khuyến khích các nghệ sĩ đương thời.

Kết Luận

Mục đích chính của việc cải tổ Phụng Vụ là giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách có ý thức, tích cực và đầy đủ.  Muốn có ý thức thì cần phải học hỏi nhiều về Phụng Vụ, đặc biệt là về Thánh Lễ vì Thánh Thể là tột đỉnh và nguồn mạch của đời sống Hội Thánh nói chung và của đời sống từng tín hữu nói riêng.  Cử hành Phụng Vụ là cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.  Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được cùng chết với Đức Kitô và được sống lại với Người.  Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và với nhau.  Qua việc tham dự Phụng Vụ chúng ta diễn tả đức tin của mình và được kết hợp với nhau thành Nhiệm Thể Đức Kitô.  Việc tham dự cách đầy đủ, có ý thức và tích cực của các tín hữu là mục tiêu và nguyên tắc hướng dẫn việc canh tân Phụng Vụ. Công Đồng Vaticanô II muốn canh tân những gì có thể thay đổi được để đạt được muc tiêu này.  Vì Nghi Thức Phụng Vụ là nghi thức chung của toàn thể Hội Thánh, không ai, kể các các linh mục quyền thay đổi hay thêm bớt bất cứ điều gì trong nghi thức Phụng Vụ.

Như thế, muốn tham dự  Phụng Vụ một cách hữu hiệu, Hội Thánh mời gọi chúng ta ngoài việc học hỏi để hiểu biết về Phụng Vụ, chúng ta trước hết phải chuẩn bị tâm hồn cách kỹ càng, phải tham dự cách tích cực và trọn vẹn, phải lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống thường nhật của mình sau khi ra về, đặc biệt là giới luật yêu thương.  Có như thế Phụng Vụ mới không trở nên vô ích cho chúng ta, và Thánh Lễ mới thật sự trở nên tột đỉnh và nguồn mạch của đời sống chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

(Viết theo bản dịch của Giáo Hoàng Hoc Viện Piô X và bản Latinh của Tòa Thánh)