Tóm Lược Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh Gaudium et Spes
Gaudium et spes là Hiến Chế mục vụ về Hội Thánh và dài nhất trong bốn Hiến Chế của Công Đồng Vaticanô II, gồm 93 câu. Hiến Chế này được chia thành hai phần. Phần thứ nhất trình bày những nguyên tắc giáo lý mà không đề nghị những áp dụng mục vụ. Phần thứ nhì là những áp dụng mục vụ dựa trên những nguyên tắc được trình bày trong phần thứ nhất. Trong khi tóm tắt Hiến chương này, chúng tôi dựa theo cách xắp đặt của giáo sư Gerald Darring trên website của Spring Hill College. Cách xắp đặt này đặt những nguyên tắc giáo lý và những áp dụng mục vụ cạnh nhau trong một đề mục cho dễ hiểu. Vì Lumen gentium là Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, nên Gaudium et spes phải được hiểu dưới ánh sáng của Lumen gentium, và những dấu chỉ của thời đại mà Gaudium et spes nói đến phải được giải thích dưới ánh sáng của Dei Verbum, chứ không phải cách chủ quan. Bài tóm tắt này chỉ rất sơ sài để cung cấp cho độc giả những ý chính của Gaudium et spes, nhưng không có tham vọng tóm tắt tất cả mọi giáo huấn trong văn kiện này vào 8 trang giấy. Vậy xin bạn đọc học hỏi chính bản văn Công Đồng cùng những chú thích để hiểu thêm về giáo huấn của Hiến Chế này.
Mở Đầu
Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô, là cộng đồng thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại (1). Vì vậy, Công Ðồng Vaticanô II ước ao trình bày cho mọi người quan niệm của mình về sự hiện diện và hành động của Hội Thánh trong thế giới ngày nay. Bất chấp những tiến bộ vượt bực của nhân loại, con người vẫn lo âu thắc mắc về tương lai thế giới, về chỗ đứng và phận vụ con người, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và về cùng đích của con người. Vì thế Thánh Công Ðồng bày tỏ ước muốn nhập cuộc đối thoại với toàn thể gia đình nhân loại (3) để có thể giúp làm sáng tỏ những bí ẩn về con người và hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề đương thời (10) trong ánh sáng Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Thân Phận Con Người trong Thế Giới Ngày Nay
Hội Thánh có nhiệm vụ tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng (4), đồng thời Công Đồng cũng trình bày quan điểm riêng của mình về xã hội đương thời. Có thể nói rằng chúng ta đang ở trong một thời đại mới của lịch sử nhân loại mà hoàn cảnh xã hội và văn hóa đã thay đổi rất nhiều (54). Con người đã đi từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ sang một quan niệm động và tiến hóa hơn, do đó phát sinh ra những vấn đề hết sức phức tạp và mới mẻ đòi hỏi phải có những phân tích và tổng hợp mới (5). Chúng ta đang trải qua một cuộc biến đổi về văn hóa (4), kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, truyền thông, và xã hội (6) cũng như thay đổi trong thái độ, giá trị và trong cả các tiêu chuẩn hành động (7).
Chúng ta đang chứng kiến một sự tiến bộ về hiệp nhất và một tiến trình xã hội hóa bổ ích (42). Gia tăng việc xã hội hóa có thể gây ra nhiều vấn đề, nhưng cũng cho con người những cơ hội phát triển tích cực (25). Tiến bộ kỹ thuật hiện đại đang đưa đến một tình trạng lệ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa con người (23), là điều đang lan tràn khắp thế giới (26).
Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và xác định quyền lợi của mình cách rõ rệt hơn (41). Họ mỗi ngày một ý thức hơn về nhân phẩm, về quyền lợi và nhiệm vụ thuộc về tất cả mọi người mà không ai có quyền tước đoạt (26). Mọi người đang đòi những quyền mà họ bị tước đoạt vì bất công hoặc vì phân chia không đồng đều (9), họ khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với nhân phẩm (9). Một cảm giác bén nhạy hơn về nhân phẩm dẫn đến một môi trường chính trị bảo vệ các quyền làm người nhiều hơn (73).
Trên thế giới, con người càng ngày càng gia tăng ý thức tự trị cũng như trách nhiệm. Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một nền nhân bản mới mà trong đó con người được định nghĩa theo trách nhiệm đối với xã hội và lịch sử (55).
Những dấu chỉ tích cực này cũng bị phản công bởi một số dấu chỉ tiêu cực. Đang có nhiều sự rạn nất giữa cá nhân, gia đình, chủng tộc, và các quốc gia (8). Nhiều người thấy khó mà xác định được những giá trị cố hữu và áp dụng chúng để thay đổi hoàn cảnh (4), và một trong những sai lầm nghiêm trọng hơn cả của thời đại chúng ta là người ta tách rời đức tin ra khòi đời sống hàng ngày của họ (43).
Những xáo trộn về xã hội xảy ra, một phần do những căng thẳng về kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng ở một mức độ sâu hơn, là do tính kiêu căng và ích kỷ của con người (25). Sự gia tăng khả năng của con người lại đe dọa hủy diệt chính con người (37). Các cuộc chiến tranh tiếp tục tàn phá, và đe dọa sẽ dẫn đến một tình trạng dã man khôn tả (79). Ngay cả trong thời bình, thế giới vẫn không ngừng bị xáo trộn bởi những tranh chấp và bạo động (83). Trong nhiều trường hợp, sự xử dụng những phương pháp khủng bố được coi như một hình thức mới của chiến tranh (78).
Công Đồng kết luận rằng thế giới hiện đại vừa tỏ ra mạnh mẽ vừa tỏ ra yếu đuối, có khả năng làm những hành động cao quý nhất hoặc xấu xa nhất. Trước mặt nó là con đường dẫn đến tự do hay đến nô lệ, đển tiến bộ hoặc thoái hóa, đến cộng đồng hoặc thù hận (9).
Hội Thánh và Thiên Chức Con Người
Công Đồng muốn thiết lập một mối liên hệ làm việc với thế giới, vì Hội Thánh cùng nhân loại tiến bước và chịu cùng một số phận với nhân loại (40). Các môn đệ của Đức Kitô chia sẻ những niềm vui và hy vọng, sầu khồ và lo âu của con người thời đại, đặc biệt là những người nghèo (1).
Dân Thiên Chúa và nhân loại cùng phục vụ nhau (11). Hội Thánh phục vụ như men và như linh hồn cho xã hội loài người (40). Hội Thánh có thể góp phần làm cho nhân loại và lịch sử thêm nhân bản (40), mở ra cho con người ý nghĩa của cuộc đời (41); có thể truyền thông cho xã hội nhân loại ngày nay đức tin và đức ái, được thể hiện trong cuộc sống, chứ không dựa vào những phương thế hoàn toàn nhân loại (42). Tính phổ quát của Hội Thánh cho phép Hội Thánh phục vụ như một mối dây liên kết giữa các cộng đồng đa dạng (42). Hội Thánh tôn trọng tất cả những gì chân thật, tốt lành và chính đáng trong các tổ chức loài người (42). Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu, là công dân của cả hai đô thị, nỗ lực chu toàn cách những bổn phận trần thế của họ dưới sự hướng dẫn của Tin Mừng, họ phải làm cho thế gian thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô (43). Hội Thánh có thể và đang được phong phú hóa nhờ sự phát triển của đời sống xã hội (44). Bất cứ ai làm việc để cho thế giới nên tốt đạp hơn thì cũng đóng góp cho Hội Thánh (44).
Sứ Vụ của Hội Thánh trong Thế Giới Hôm Nay
Trong khi xác định mối liên hệ của Hội Thánh với thế giới, Công Đồng cũng nhắc lại sứ vụ của mình. Hội Thánh có một mục đích cứu độ và một cánh chung chỉ có thể được hoàn thành trọn vẹn ở thế giới tương lai (40). Sứ vụ của Hội Thánh là sứ vụ tôn giáo chứ không phải chính trị, kinh tế hay xã hội, nhưng sứ vụ tôn giáo này có thể giúp giúp thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại theo Luật Lệ của Thiên Chúa (42).
Sứ vụ của Hội Thánh bao gồm các mục tiêu tôn giáo sau đây: biểu lộ mầu nhiệm của Thiên Chúa cho nhân loại (41); làm cho Thiên Chúa được hiện diện cách hữu hình giữa thế gian (21); truyền thông sự sống của Thiên Chúa cho mọi người và giãi ánh sáng phản chiếu của sự sống ấy khắp thế gian (40); tiếp tục công việc của Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (3); rao giảng Tin Mừng cho mọi người và ban phát các kho tàng ân sủng (89 ); bảo vệ di sản Lời Chúa và rút ra từ đó những nguyên tắc luân lý và tôn giáo (33); làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu độ (45); tìm hiểu những dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng trong ánh sáng Tin Mừng (4); lắng nghe, phân biệt và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng Lời Chúa để Chân Lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn. (44); cổ võ sự hiệp nhất (42); thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa (58); làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong và giữa các dân tộc; nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi; cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đồng nhân loại (76); chiếu soi trên toàn thế giới ánh quang của sứ điệp Tin Mừng, và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người thuộc mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa (92).
Phẩm Giá, Công Việc và Ý Nghĩa Cuộc Đời Con Người
Khi khẳng định rằng Hội Thánh có thể giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của chính cuộc đời họ (41), Công Đồng nói về con người cùng hoạt động và kinh nghiệm của họ. Người ta có giá trị vì con người của họ chứ không phải vì những gì họ có (35). Nhân phẩm cũng được áp dụng cho thân xác họ, là điều tốt lành mà Thiên Chúa đã dựng nên và sẽ sống lại trong ngày sau hết (14), trí tuệ con người được chia sẻ ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa (15 ); và lương tâm con người là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa. (16). Phẩm giá con người đòi buộc họ phải tự do để hướng về sự tốt lành (17).
Công việc của con người là tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phục vụ anh em, đóng góp vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử, và thành công của con người là dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa (34). Sự tiến bộ của con người là điều tốt, nhưng cám dỗ họ tìm kiếm lợi ích riêng mà không màng đến ích lợi của người khác (37). Chúng ta chỉ cảm thấy mình được đầy đủ khi chân thành hy sinh cho tha nhân (24).
Kinh nghiệm của con người bao gồm cả thiên chức cao cả lẫn nỗi thống khổ sau xa (3). Tất cả các hoạt động của con người bị đe dọa bởi tội kiêu ngạo và phải được thanh lọc bằng quyền năng của Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô (37). Mầu nhiệm về con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, mà Thánh Thần của Người ban cho mọi người khả năng liên kết với biến cố cứu độ của Chúa Giêsu (22). Bí ẩn vể đời sống con người lên đến cao độ khi đối diện với cái chết, nhưng mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta cho sự sống đời sau và Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết (18).
Quan Niệm về Tôn Giáo
Công Đồng nhìn nhận rằng con người muốn biết ý nghĩa cuộc đời cùng sự chết, nhưng họ lại không bao giờ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề của tôn giáo (41). Việc công nhận Thiên Chúa không chống lại phẩm giá con người (21), mà thực ra nguồn mạch cơ bản của nhân phẩm hệ tại lời mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa (19). Không có sự đối chọi lẫn nhau giữa đức tin và khoa học (36), và cũng không có sự đối lập giữa các hoạt động nghề nghiệp và xã hội với đời sống tôn giáo (43).
Công Đồng chống lại quan niệm về tôn giáo chỉ bao gồm việc thờ phượng và đời sống luân lý khi khẳng định rằng tôn giáo cũng bao gồm việc tham gia vào công việc trần thế (43). Công Đồng cũng chống lại thái độ kỳ thị liên quan đến tôn giáo. Mọi thái độ kỳ thị dựa trên tôn giáo đều trái với ý định của Thiên Chúa và cần phải được khắc phục và loại trừ (29). Chúng ta cũng phải tôn trọng và yêu thương những người suy nghĩ hay hành động khác chúng ta trong vấn đề tôn giáo (28). Cần lưu ý rằng Hội Thánh đang có một sự tôn trọng càng ngày càng gia tăng đối với những tôn giáo khác (73),
Về Người Vô Thần
Công Đồng cố gắng tiến hành một cuộc đối thoại tôn trọng với những người vô thần. Chủ nghĩa vô thần là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta. Chủ nghĩa vô thần phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và các tín hữu thường cũng có một phần trách nhiệm trong sự vô thần của những người khác, vì họ đã che đậy thay vì bày tỏ dung nhan thật sự của Thiên Chúa (19). Chủ nghĩa vô thần thường phản ánh một ước muốn được hoàn toàn độc lập với Thiên Chúa, để nhân loại có thể thành cứu cánh của chính mình (20). Chủ nghĩa này cũng có thể là hậu quả của việc mong đợi một cuộc giải phóng con người hoàn toàn bằng những nỗ lực kinh tế và xã hội, trong khi coi tôn giáo như một chướng ngại vật vì nó làm cho người ta hy vọng một cuộc sống tương lai hão huyền (20). Chủ nghĩa vô thần đặt ra những câu hỏi quan trọng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Biện pháp khắc phục chủ nghĩa vô thần là trình bày giáo lý một cách thích hợp và cách sống đức tin của chúng ta. Phải có đối thoại để những người tin và những người không tin có thể cùng nhau làm việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (21).
Một Số Vấn Đề Khẩn Thiết
Phù hợp với sứ mệnh bảo vệ di sản Lời Chúa và rút ra từ đó những nguyên tắc đạo đức và tôn giáo (33), Gaudium et spes bao gồm một số công bố chung về luân lý mà Công Đồng muốn chúng ta suy nghĩ trước khi tiếp tục đi vào những vấn đề cụ thể của thế giới hiện đại: Tất cả mọi hoạt động của con người phải phù hợp với lợi ích đích thực của nhân loại (35). Chúng ta không thể, vì lười biếng hoặc thiếu quan tâm, mà hài lòng với một nền luân lý chỉ đơn thuần cá nhân (30), vì Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để sống cô lập, nhưng để tạo thành xã hội đoàn kết (32). Phục vụ, sinh sống và làm việc với những người khác củng cố sự tự do của chúng ta (31). Chỉ trong tự do, chúng ta mới có thể hướng mình về sự tốt lành (17). Một người phải tuân theo lương tâm của mình, vì họ sẽ bị phán xét theo lương tâm, nhưng lương tâm phải được đào luyện để tránh sai lạc (16). Một nấc thang giá trị không đúng đưa đến việc đặt mình làm trung tâm (37). Việc nhìn nhận các quyền cá nhân không miễn trừ con người khỏi giữ luật Thiên Chúa (41). Chúng ta thường kinh nghiệm một sự mất cân bằng giữa một quan tâm đến những điều thiết thực và hiệu quả, và những đòi hỏi của lương tâm (8). Chúng ta có thể yêu thương và tôn trọng những người khác dù họ suy nghĩ hoặc hành động khác với chúng ta mà không trở nên thờ ơ với chân lý hoặc sự tốt lành (28). Chúng ta phải phân biệt giữa sự sai lầm và người sai lầm: luôn luôn phải bác bỏ sai lầm trong khi người sai lầm không bao giờ mất phẩm giá của một con người (28).
Công Bằng Xã Hội
Ngoài những công bố chung về luân lý, Công Đồng cũng đề ra một số hướng dẫn về công bằng xã hội nhằm giúp con người thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người cùng xác định và phát triển phẩm giá của họ (9).
Công Đồng cổ võ sự tôn trọng cả cá nhân lẫn cộng đồng. Gaudium et spes khẳng định rằng nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội (25). Tôn trọng nhân phẩm có nghĩa là tất cả mọi người phải có những gì họ cần để sống một cuộc sống thực sự nhân bản: như thực phẩm, quần áo, chỗ ở, tự do lựa chọn một tình trạng sống và tìm thấy một gia đình, quyền được giáo dục, việc làm, danh thơm tiếng tốt, thông tin thích hợp, hành động theo lương tâm tốt, bảo vệ đời sống riêng tư, và tự do tôn giáo (26). Thiên Chúa xắp đặt cho chúng ta thành một gia đình, và chúng ta nên đối xử với nhau trong tinh thần của cộng đồng (24). Mọi nhóm xã hội phải tôn trọng những nhu cầu và nguyện vọng của các nhóm khác cũng như phúc lợi chung của toàn thể gia đình nhân loại (26). Chúng ta biến mình thành người lân cận của mọi người mà không trừ ai, và mỗi người phải coi mọi người lân cận như chính mình (27).
Phẩm giá của cá nhân và cộng đồng đòi hỏi phải tôn trọng sự sống: bất cứ điều gì chống lại sự sống, như giết người, phá thai, trợ tử,… đều đầu độc xã hội con người, làm hại những ai thực hành nó, cùng làm ô danh Đấng Tạo Hóa (27). Cũng phải tôn trọng và yêu thương những người không cùng một cảm nghĩ hoặc hành động với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị hay cả tôn giáo nữa (28). Chúng ta phải nhận ra sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người: tất cả mọi sự kỳ thị là trái với ý định của Thiên Chúa và phải được khắc phục và loại trừ (29).
Cá nhân lẫn cộng đồng có nghĩa vụ hỗ tương: các cơ chế nhân loại phải làm việc để bảo vệ những quyền cơ bản của con người (29), đồng thời mỗi người phải góp phần vào công ích cùng hỗ trợ các tổ chức tư nhân và công cộng hoạt động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Một trong những nhiệm vụ chính của chúng ta là tuân hành pháp luật và luật lệ của xã hội (30).
Công Đồng dạy rằng chúng ta có nhiệm vụ cai quản thế giới bằng công lý và sự thánh thiện (34), như thế chúng ta phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn dựa trên chân lý và công lý (55). Những người có đức tin cũng như những người không có đức tin phải hành động cho một thế giới tốt đẹp hơn (21), họ phải cùng nhau làm việc mà không dùng bạo lực và lừa đảo để xây dựng thế giới trong hoà bình đích thực (92). Nhiệm vụ này đòi hỏi chúng ta nhận ra rằng tiến bộ kỹ thuật không có giá trị bằng việc chúng ta hoạt động cho công lý, cộng đồng, và trật tự xã hội (35). Vì thế nỗ lực thiết lập một cộng đồng phổ quát không phải là một nỗ lực vô vọng (38).
Sứ Điệp cho Các Phần Tử Hội Thánh
Công Đồng có một số sứ điệp đặc biệt dành cho cho các phần tử của Hội Thánh. Công Đồng nói rằng niềm hy vọng của chúng ta liên quan đến thời sau hết không miễn cho chúng ta trách nhiệm giải quyết những vấn đề đương thời (21). Việc trông đợi một thế giới mới không làm suy giảm mà còn làm gia tăng quan tâm của chúng ta đến việc chăm sóc cho thế giới này (39). Các Kitô hữu phải tìm kiếm và suy nghĩ về những điều trên trời, nhưng nhiệm vụ này phải tăng cường bổn phận làm việc với những người khác để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (57), và thật sai lầm cho những Kitô hữu nào nghĩ rằng họ có thể trốn trách nhiệm trần thế vì họ đang tìm kiếm đời sau (43). Sứ điệp Kitô buộc chúng ta phải xây dựng thế giới này và quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân (34), và giáo huấn của Đức Kitô đòi chúng ta tha thứ và yêu thương kẻ thù (28). Chúng ta phải nuôi dưỡng trong chính Hội Thánh sự quý mến và tôn trọng lẫn nhau, cùng hòa hợp với nhau, qua việc nhìn nhận một cách trọn vẹn sự đa dạng hợp pháp (92).
Những Vấn Đề Khẩn Cấp
Sau khi đưa ra chương trình lý thuyết, Công Đồng chú ý đến một số vấn đề mà có thể nói là đặc biệt khẩn cấp (46).
1) Hôn nhân và gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống vợ chồng. Ðời sống này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại được. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau (48). Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng (50). Công Đồng lưu ý rằng các điều kiện kinh tế hiện đại đang gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong gia đình (47). Nhưng trong việc điều hòa sinh sản, con cái của Hội Thánh không được dùng những phương pháp mà Giáo Huấn Hội Thánh đã bác bỏ khi giải thích luật Thiên Chúa (51). Phải giáo dục con cái, nhất là bằng gương sang, để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ. Tất cả mọi người phải hoạt đông cho hạnh phúc của hôn nhân và gia đình: cha mẹ, con cái, những người có ảnh hưởng trong xã hội, các Kitô hữu, các nhà nghiên cứu, các mục tử, và các tổ chức khác nhau (52).
2) Văn hóa. Con người chỉ chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa. Văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trao dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác (53). Một hình thức phổ quát hơn của văn hóa đang phát triển, trong đó cổ võ và diễn tả sự hợp nhất của loài người (54). Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người đều xác tín rằng những lợi ích của văn hóa nên được mở rộng cho tất cả mọi người (9). Hội Thánh không bị ràng buộc bởi bất kỳ hình thức văn hóa đặc biệt nào (42), hay bất kỳ một lối sống đặc thù hay tập tục nào của con người (58). Vì có sự liên hệ giữa sứ điệp cứu độ và nền văn hóa nhân loại (58), cho nên Hội Thánh tham gia vào một cuộc trao đổi sống động với nền văn hóa đa dạng của nhân loại (44), mặc dù đôi khi rất khó để hòa hợp văn hóa với giáo huấn của Kitô giáo (62). Công Đồng đưa ra những hướng dẫn sau đây để lượng giá vai trò của văn hóa trong xã hội.
- Văn hóa cần tự do và tự chủ, và đòi hỏi sự tôn trọng (59). Chúng ta phải tôn trọng và yêu thương những người suy nghĩ hoặc hành động khác với mình trong các vấn đề xã hội, chính trị và cả tôn giáo (28).
- Văn hóa phải phụ thuộc vào sự hoàn hảo không thể thiếu của con người và công ích của xã hội (59).
- Cá nhân phải được giáo dục để đạt đến một mức độ cao hơn về văn hóa (31).
- Mọi kỳ thị về văn hóa đều trái với ý định của Thiên Chúa và phải được khắc phục và loại trừ (29). Cần cổ động cho mọi người ý thức về quyền thụ hưởng văn hóa cùng bổn phận trau luyện bản thân và hỗ trợ người khác. (60).Cũng phải liệu cho phụ nữ đảm trách toàn vẹn những chức vụ phù hợp với khả năng riêng của họ (60), và họ phải được bình quyền với nam giới về văn hóa (29).
- Việc trao đổi càng ngày càng gia tăng giữa các nền văn hóa không được phép làm xáo trộn sống của cộng đoàn hoặc phá hoại sự khôn ngoan của tiền nhân cũng như làm tổn thương những đặc tính riêng của mỗi dân tộc (56).
- Phải làm gì để mọi người trên thế giới cùng được hưởng ích lợi của văn hóa trong khi kiến thức của các nhà thông thái luôn cao siêu và phức tạp hơn? (56).
- Việc công nhận sự tự trị của văn hóa không rơi vào một nền nhân bản vô tôn giáo hoặc chống tôn giáo (56).
- Các nghệ thuật và kỷ luật phải được tự do sử dụng các nguyên tắc và phương pháp riêng của mình, và mọi người phải được tự do để tìm kiếm chân lý, bày tỏ ýquan điểm, và nghệ thuật thực hành (59).
- Không được dùng văn hóa như công cụ của quyền lực chính trị hoặc kinh tế (59).
3) Đời sống kinh tế và xã hội. Công Đồng dạy rằng con người là nguồn mạch, trung tâm, và mục đích của tất cả đời sống kinh tế và xã hội (63). Mục đích của sản phẩm kinh tế là phục vụ con người trong những nhu cầu vật chất, trí tuệ, luân lý, tâm linh, và tôn giáo của họ (64). Hội Thánh không bị ràng buộc vào bất cứ hệ thống kinh tế đặc biệt nào (42). Những khác biệt quá mức về kinh tế và xã hội giữa con người hay những nhóm người là điều nguy kịch và chúng làm tổn thương đến công bằng xã hội, sự bình đẳng, phẩm giá con người, hòa bình xã hội và quốc tế (29). Sự chênh lệch nguy hiểm giữa các nước phát triển và các nước khác, cũng như giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cũng là những điều trầm trọng (63).
Quan tâm đặc biệt đối với Hội Thánh là nạn nghèo đói và người nghèo. Các môn đệ của Đức Kitô chia sẻ những niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là của những người nghèo (1). Công Đồng đau buồn ghi nhận rằng ngay cả với với sự giàu có, tài nguyên và quyền lực kinh tế vô tiền khoáng hậu, chúng ta vẫn còn bị hành hạ bởi nạn nghèo đói (4), phần lớn nhân loại vẫn đang quằn quại vì quá nhiều đói nghèo, như chính Đức Kitô đã khóc trong những long bác ái của các môn đệ (88). Những điều kiện sống không phù hợp với phẩm giá con người đầu độc xã hội loài người và xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa (27). Hơn nữa, quyền tự do của con người thường bị tê liệt khi một người gặp phải tình trạng nghèo khó cùng cực (31). Sự phát triển kinh tế đôi khi tạo ra việc khinh thường người nghèo (63). Công Đồng mời gọi chúng ta giúp đỡ người nghèo với cả tấm lòng chứ không chỉ đơn thuần bằng những của cải dư thừa của mình (68). Đồng thời, những người quá nghèo đói có quyền có những gì họ cần từ sự giàu có của những người khác (68). Công Đồng lên án cuộc chạy đua vũ trang, là điều và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được (81), và đề nghị thành lập một cơ quan chung của toàn thể của Hội Thánh có nhiệm vụ vun trồng cả công lý lẫn tình yêu của Đức Kitô đối với người nghèo (90).
Công Đồng đưa ra một viễn tượng về một trật tự kinh tế xã hội. Viễn tượng này dựa trên nguyên tắc là quyền được chia sẻ đầy đủ của cải trần thế thuộc về tất cả mọi người (68). Dựa trên nguyên tắc này, Công Đồng khẳng định rằng mọi người đều có quyền làm việc và có nhiệm vụ phải làm việc một cách trung thành (67), và tiền lương phải được trả sao để người làm việc và những người lệ thuộc vào họ có thể sống một cuộc sống xứng đáng (67). Người lao động có quyền thành lập và tham gia công đoàn mà không sợ bị trả thù (68). Tranh chấp nên được giải quyết bằng thương lượng, nhưng nếu cần thiết thì bởi đình công (68).
Quyền sở hữu là một phần của tự do của con người, và phải khuyến khích việc có quyền sở hữu, trong khi quan tâm đến công ích (70). Mọi người tham gia trong một doanh nghiệp kinh tế nên chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi nhuận (68). Trong những dịch vụ quốc tế, mọi quốc gia đều phải tích cực đóng góp vào việc phát triển kinh tế, và có càng nhiều người thuộc mọi tầng lớp tham gia vào càng tốt. (65).
Không thể bỏ mặc việc phát triển kinh tế cho tiến trình tự động của hoạt động kinh tế hoặc cho một mình chính quyền. (65). Đặc biệt là phải chú ý đến nông dân, những người di cư, những người bệnh tật và những người lớn tuổi (66). Mọi sự kỳ thị dựa trên tình trạng xã hội đều trái với ý định của Thiên Chúa và phải được khắc phục và loại trừ (29). Trong lĩnh vực kinh tế cần phải có nhiều hợp tác quốc tế hơn (84). Nền kinh tế quốc tế đòi hỏi phải chấm dứt việc trục lợi, tham vọng quốc gia, tham muốn ưu thế chính trị, quân phiệt, và tuyên truyền ý thức hệ (85).
4) Đời sống chính trị. Cộng đồng chính trị tồn tại vì công ích, tức là tổng số những điều kiện xã hội mà trong đó con người đạt được sự hoàn hảo của họ (74). Công Đồng hoan nghênh sự kiện càng ngày càng có nhiều người trở nên tích cực trong việc chính trị (73), và dạy rằng Hội Thánh không bị ràng buộc vào bất kỳ hệ thống chính trị cụ thể nào (42, 76), và có thể làm việc dưới bất kỳ loại chính phủ nào công nhận các quyền cơ bản của con người, những đòi hỏi của công ích, và quyền tự do của Hội Thánh để thực hiện sứ vụ riêng của mình (42).
Con người phải được tự do lựa chọn hệ thống chính trị và các nhà lãnh đạo của họ (74). Sức mạnh chính trị phải dựa trên tự do cùng ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm. Nó luôn luôn phải được thực hiện trong phạm vi các giới hạn của trật tự luân lý và hướng tới công ích (74). Nó không bao giờ có thể dựa trên các hệ thống độc tài hoặc các phương pháp chuyên chế vi phạm quyền làm người (75). Các hệ thống chính trị không được phép cản trở tự do dân sự hay tôn giáo, nạn nhân hóa dân chúng qua việc tham nhũng và những tội ác chính trị, hoặc phục vụ lợi ích phe nhóm (73). Mọi người đều có quyền bảo vệ nhân quyền để khỏi bị lạm dụng bởi cơ quan công quyền (74).
Công dân và chính phủ phải có trách nhiệm với nhau là điều phải được thực thi vì công ích. Mọi người có quyền và nghĩa vụ sử dụng lá phiếu của mình để đẩy mạnh công ích. Các đảng phái chính trị không bao giờ có thể đặt quyền lợi của họ lên trên công ích (75). Chúng ta phải tôn trọng và yêu thương những người suy nghĩ hoặc hành động khác với chúng ta trong những vấn đề chính trị (28).
5) Hòa bình. Hòa bình là một việc làm của công lý và hoa quả của đức ái: nó không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh, hoặc việc duy trì một sự cân bằng quyền lực, hoặc sự yên ổn thực thi bởi chế độ độc tài (78). Nó phải được phát sinh từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia và không bị áp đặt vì sợ các loại vũ khí có sẵn (82). Sự khác biệt quá mức về kinh tế và xã hội giữa những người hoặc nhóm người làm tổn thương nền hòa bình xã hội và quốc tế (29), và việc xây dựng hòa bình liên quan đến việc nhổ tận gốc nguyên nhân gây ra bất hòa, đặc biệt là bất công (83).
Chính phủ có quyền phòng vệ chính đáng khi đã tận dụng hết các biện pháp giải quyết ôn hòa. Nhưng mưu toan đặt ách đô hộ trên các quốc gia khác lại là việc khác. Ðối với những ai phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Những người chống chiến tranh vì lương tâm cũng cần phải được bảo vệ. Không ai được tuân theo những mệnh lệnh vô luân, như lệnh tiêu diệt một chủng tộc bằng bất cứ lý do hay phương pháp nào (79)
Những hoàn cảnh mới về chiến tranh buộc chúng ta phải lượng giá chiến tranh bằng một thái độ hoàn toàn mới (80). Trong việc lượng giá của mình về chiến tranh, Công Đồng tuyên bố rằng bất kỳ hành động chiến tranh nào nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người, phải bị cực lực lên án (80). Công Đồng dạy rằng cuộc chạy đua vũ trang không phải là một cách an toàn để duy trì hòa bình, mà còn có thể làm cho những nguyên nhân của chiến tranh thêm trầm trọng. Nó là một tai họa hết sức trầm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được. (81). Nên tất cả cần phải cố gắng chặn đứng cuộc chạy đua vũ trang. Muốn cho sự tài giảm binh bị thực sự bắt đầu, thì việc tài giảm này không phải là việc làm đơn phương, nhưng phải được cả đôi bên thỏa thuận với những bảo đảm thực sự và hữu hiệu (82). Bao lâu những tâm tình thù hận, khinh thị và nghi kỵ,… cũng như những ý thức hệ ngoan cố vẫn còn chia rẽ và đối nghịch con người với nhau, thì các nhà lãnh đạo quốc gia có cố công xây dựng hòa bình cũng vẫn vô ích (82). Tất cả chúng ta đều có bổn phận thay đổi tâm hồn, mở rộng nhãn quan trên toàn thế giới và trên những nhiệm vụ mà chúng ta có thể cùng nhau đảm nhận để làm cho nhân loại tiến triển tốt đẹp hơn (82).
Vai Trò Trọng Tâm của Đức Kitô
Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh Gaudium et spes nhiều lần trở về với Đức Kitô, bởi vì, theo Công Đồng thì Thiên Chúa ban cho chúng ta một câu trả lời đầy đủ cho những thắc mắc của con người trong Đức Kitô, do đó, bất cứ ai đi theo Đức Kitô đều trở nên người hoàn hảo hơn (41). Đức Kitô là mẫu mực và người dẫn đường cho tất cả những ai tìm kiếm công bằng xã hội. Người là con người hoàn hảo và cho chúng ta một mẫu gương để noi theo (22).
Đức Kitô vào thế gian để cứu chuộc chứ không để lến án, để phục vụ chứ không để được phục vụ (3). Đức Kitô nhờ Thánh Linh có thể ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh để đáp lại thiên chức cao cả của mình (10). Chúa Cha muốn mọi người nhận biết Đức Kitô như anh của mình cùng yêu mến Người bằng lời nói và hành động (93). Hôn nhân là một phản ảnh của giao ước yêu thương giữa Đức Kitô với Hội Thánh, tỏ lộ cho tất cả mọi người sự hiện diện sống động của Đức Kitô trong thế gian (48).
Công Đồng đặt nền tảng cho quan điểm hy vọng của mình trên hành vi cứu độ của Đức Kitô. Đức Kitô đã giành được chiến thắng cho nhân loại khi Người sống lại, vì qua cái chết, Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết (18). Mọi người đều bình đẳng vì họ đã được cứu chuộc bởi Đức Kitô (29). Mọi hoạt động của con người bị đe dọa bởi tội kiêu ngạo và phải được thanh lọc bằng quyền năng của Thánh Giá và sự hoạt động trong tâm hồn con người qua quyền năng của Chúa Thánh Thần (38).
Chính Đức Kitô cũng là nguyên nhân của công lý và hòa bình mà chúng ta đang tìm kiếm. Người là tác giả của hòa bình, là Hoàng Tử Hòa Bình hòa giải tất cả mọi người với Thiên Chúa (78). Trong Đức Kitô người ta có thể tìm thấy chìa khóa của tất cả mọi vấn đề của nhân loại (10). Người là mục đích của lịch sử, là trọng tâm của những khát vọng của lịch sử và của nền văn minh, trung tâm của loài người, niềm vui của mọi tâm hồn, và câu trả lời cho tất cả những khao khát của họ (45). Chỉ trong Đức Kitô, mầu nhiệm của con người có thể được soi sáng (22). Người đã đi vào lịch sử thế giới, đảm nhậm và thâu kết lịch sử ấy nơi Người. Người giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. (38).
Kết Luận
Những điều mà Thánh Công Ðồng đề nghị được rút ra từ kho tàng giáo lý của Hội Thánh. Mục đích là giúp mọi người thời nay nhận thức rõ ràng hơn thiên chức toàn diện của mình (91). Với sứ mệnh đem sứ điệp Tin Mừng soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người thuộc mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Hội Thánh trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành. Trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Hội Thánh sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng việc chấp nhận mọi dị biệt chính đáng. Đồng thời hướng đến những Kitô hữu ngoài Công Giáo trong tình đối thoại bác ái và hợp tác huynh đệ, rồi đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng của họ. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau (92). Người Kitô hữu không thể tha thiết mong ước gì hơn là luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và hữu hiệu hơn. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người sẽ thấy nẩy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa (93).
Phaolô Phạm Xuân Khôi viết theo GS Gerald Darring và bản dịch của GHHV Piô X