Tìm Hiểu Công Đồng Vaticanô II – Bài 6

Tóm Lược Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem

Trong Chương 4 của Lumen gentium, Công Đồng vắn tắt bàn về vai trò của giáo dân trong Hội Thánh, và nhấn mạnh rằng:giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Hội Thánh hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Hội Thánh sẽ không trở thành muối của thế gian” (LG 33).  Vì đối với Hội Thánh giáo dân quan trọng như thế nên Công Đồng đã dành riêng cho giáo dân một văn kiện trong 16 văn kiện của Công Đồng.  Đây là văn kiện đầu tiên trong lịch sử các Công Đồng được soạn thảo dành riêng cho giáo dân.  Công Đồng mở đầu Sắc Lệnh này bằng cách nói lên ước muốn của các Nghị Phụ là tăng cường các hoạt động tông đồ của Dân Thiên Chúa. Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem (viết tắt AA) định nghĩa vai trò tông đồ của giáo dân trong sứ mệnh của Hội Thánh, đưa ra các những hình tông đồ thích hợp với hoàn cảnh giáo dân và nền tảng linh đạo của nó cùng nhấn mạnh đến nhu cầu và cách thức đào tạo tông đồ giáo dân.  Các Nghị Phụ đã thông qua Sắc Lệnh này vào ngày 18-11-1965 với 2.305 phiếu thuận và 2 phiếu chống.

Mở Đầu

Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa.  Trong những buổi đầu của Hội Thánh, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả. Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại. Càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô hữu.  Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục, Hội Thánh khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.  Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Đức Kitô và Hội Thánh (x. AA số 1).

1. Ơn Gọi Của Giáo Dân

Hội Thánh được thành lập với mục đích truyền bá Nước Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu, tức là làm cho mọi người được thông phần vào ơn chuộc tội và cứu rỗi.  Để rồi nhờ họ, toàn thể thế giới thực sự được qui hướng về Đức Kitô. Mọi hoạt động hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ.  Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ.

Vì vậy, trong Hội Thánh có sự đa dạng trong việc phục vụ, nhưng có một sự hợp nhất trong sứ mệnh. Đức Kitô ủy thác cho các tông đồ và những người kế của các ngài (tức là các giám mục) nhiệm vụ nhân danh Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản Hội Thánh bằng thẩm quyền của Người. Qua bí tích Thánh Tẩy, giáo dân cũng được tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả củ Đức Kitô. Họ trở thành chi thể của nhiệm thể Người.

Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ vì Đức Kitô là Ðầu của họ. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ.  Nhiệm vụ của giáo dân là chu toàn phận vụ của mình trong sứ mệnh của Hội Thánh và ở giữa trần gian.  Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Tin Mừng và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, để họ thành nhân chứng hữu hình của Đức Kitô trước mặt mọi người và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Sắc Lệnh viết, bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột. “ (AA 2). Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái. Lại nữa, nhờ giới luật Yêu Thương mọi tín hữu được thúc đẩy để tìm vinh danh Thiên Chúa bằng cách làm cho nước Ngài trị đến và mưu tìm sự sống đời đời cho mọi người để họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô.  Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người, qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, những đặc sủng phải được đưa ra phục phụ của Hội Thánh và cho việc làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn.

2.  Mục Tiêu của Việc Tông Đồ Giáo Dân

Sứ vụ của Hội Thánh không những chỉ để mang sứ điệp cứu rỗi đến cho thế giới, nhưng còn nhằm hoàn thiện và canh tân toàn thể trật tự trần thế.  Giáo dân vừa là tín hữu vừa là công dân của thế trần, nhưng họ chỉ có một lương tâm, một lương tâm Kitô hữu, và chính vì thế mà họ phải được hướng dẫn liên tục cả đạo lẫn đời.

Trong ánh sáng này, Hội Thánh trình bày ba lãnh vực phải quan tâm cho việc tông đồ giáo dân.

Lãnh vực thứ nhất là rao giảng Tin Mừng. Mục tiêu chính của Hội Thánh là mang sứ điệp của Chúa cho mọi người. Việc tông đồ của Hội Thánh, nói chung là cho tất cả các phần tử của mình, là nhằm rao giảng sứ điệp này bằng lời nói và việc làm. Các giáo dân có rất nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu này qua việc làm chứng bằng cách sống của họ, và các việc lành mà họ làm phát sinh từ đức ái siêu nhiên.

Lãnh vực thứ hai là thánh hóa trật tự trần thế.  Lãnh vực này bao gồm tất cả mọi bình diện của đời sống của chúng ta: các giá trị cá nhân và gia đình, văn hóa, kinh tế, thương mại và chuyên môn, các cơ cấu chính trị,… Mọi hoạt đông của giáo dân phải được hướng dẫn bởi những nguyên tắc của Tin Mừng và đức ái Kitô giáo, bất kỳ họ có trách nhiệm hay chức vụ gì trong xã hội. Nhờ ánh sáng đức tin và suy niệm Lời Chúa mỗi người có thể nhận ra Chúa ở mọi nơi và mọi lúc, tìm ý Chúa trong mọi biến cố, và nhất là nhìn thấy Đức Kitô trong mọi người, dù là kẻ thù, cùng phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của các sự vật trần thế..

Sau cùng, lãnh vực thứ ba bao gồm những công tác bác ái và trợ cấp xã hội.  Bắt chước Đức Kitô khiêm hạ, họ không háo danh nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta.  Ðể thực thi bác ái cần phải nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa và nhìn nhận nơi họ chính Đức Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Người. Phải tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.

Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Đức Trinh Nữ Maria.

3. Các Môi Trường Hoạt Động Tông Đồ

Môi trường đầu tiên là chính Hội Thánh. Giáo dân có một vai trò trong việc đưa mọi người đến với Hội Thánh, kể cả những người rất xa lạ với Hội Thánh.  Họ phục vụ trong việc dạy giáo lý và rao truyền Lời Chúa. Tùy theo nghành chuyên môn của họ, họ có thể phục vụ trong việc quản lý tài sản của Hội Thánh, và làm tăng hiệu quả của việc chăm sóc các linh hồn.

Môi trường thứ nhì là gia đình. Theo Công Đồng thì, Ðấng Tạo Hóa đã đặt cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người và dùng ơn thánh Ngài nâng lên hàng bí tích cao cả trong Đức Kitô và trong Hội Thánh (AA 11). Việc tông đồ của những người đã lập gia đình và các gia đình quan trọng đặc biệt đối với cả xã hội lẫn Hội Thánh. Chính cha mẹ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó. Những giá trị này cũng mở rộng đến những tương quan giữa gia đình và xã hội, để chắc chắn là các quyền của gia đình phải được bảo vệ trong pháp luật dân sự, chẳng hạn như gia cư, giáo dục con cái, điều kiện làm việc, và luật di dân.

Môi trường thứ bà là xã hội. Giáo dân phải làm tông đồ trong môi trường xã hội, tức là cố gắng đem Tin Mừng giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: bổn phận và trách nhiệm này không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ được.

Môi trường thứ tư là chính trường quốc gia và quốc tế. Lòng trung thành của giáo dân với nghĩa vụ công dân đòi buộc mọi giáo dân phải tham gia chính trị để đảm bảo rằng các giá trị Kitô giáo có tiếng nói trong các vấn đề công cộng.  Đồng thời qua việc cộng tác với tất cả mọi người thiện chí, họ cổ võ tất cả những gì là chân thật, đúng và tốt trong xã hội dân sự.

4. Các Hình Thức Tông Đồ Giáo Dân

Giáo dân có thể phục vụ hoặc từng người, hoặc trong các đoàn thể.

Việc tông đồ được thực thi bởi cá nhân là khởi điểm và điều kiện cho tất cả các loại tác vụ của giáo dân. Văn kiện nói, Mọi giáo dân, bất kể hoàn cảnh của mình, được mời gọi có nghĩa vụ làm việc tông đồ, ngay cả khi không có cơ hội hoặc khả năng cộng tác trong các hội đoàn (AA 16). Một hình thức đặc biệt của việc tông đồ này là việc làm nhân chứng ​​của một đời sống bắt nguồn từ đức tin, đức cậy và đức mến.  Việc tông đồ cá nhân này là điều đặc biệt quan trọng ở những vùng mà Hội Thánh chịu bách hại. Giáo dân được mời gọi như những cá nhân để thực thi việc tông đồ theo hoàn cảnh cuộc sống của họ.

Nhưng con người là một sinh vật xã hội, nên ơn gọi này có thể được thực thi trong bối cảnh của một nhóm hay hội đoàn.  Việc cùng nhau làm việc cách hòa hợp theo nhóm của các tín hữu là một dấu chỉ của sự hiệp thông và hiệp nhất mà chúng ta có với Đức Kitô và Hội Thánh. Cách làm việc theo nhóm này cũng rất quan trọng bởi vì có nhiều công tác đòi hỏi phải hành động phối hợp. Các hội đoàn có thể có nhiều hình thức.  Ví dụ, hội đoàn này có thể nhằm mục đích truyền giáo, hội đoàn khác có thể hoạt động nhằm thánh hóa các hội viên và thế giới, và vẫn còn những hội đoàn khác có thể tham gia vào công việc thương xót và bác ái. Tuy nhiên, các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh của mình, như Công Đồng viết, “.. . Chúng phải nhằm giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ việc phù hợp với các mục tiêu của Hội Thánh, việc từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô.” (AA 19).

5.  Trật Tự Phải Theo

Chương năm nói về sự liên hệ giữa việc tông đồ giáo dân và Hàng Giáo Phẩm.  Văn kiện này trình bày rõ ràng vai trò của Hàng Giáo Phẩm như sau, Bổn phận của Hàng Giáo Phẩm là phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho toàn thể Hội Thánh. Hàng Giáo Phẩm cũng phải lo sao cho giáo thuyết và những chỉ thị của Hội Thánh được tuân hành” (AA 24).  Tuy nhiên, việc giám sát này không có nghĩa là làm phương hại đến quyền thành lập và tổ chức những việc tông đồ của giáo dân, và điều hành chúng theo ý họ.  Sư liên hệ này nhằm mục đích giúp ích cho cả hai bên.  Thẩm quyền Hội Thánh có nhiệm vụ đối với nhu cầu công ích của Hội Thánh, và phải thực thi thẩm quyền hợp pháp của mình vì mục đích ấy.

Công Đồng khuyến cáo các giáo sĩ và tu sĩ làm việc chặt chẽ với giáo dân trong các sáng kiến ​​này. Sắc Lệnh nói rằng giáo sĩ  “… phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là quyền và bổn phận chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Hội Thánh, giáo dân cũng có phần riêng của họ” (AA 25).  Việc hợp tác với hàng giáo sĩ và tu sĩ này mở rộng cho cả các Kitô hữu khác và những người ngoài Kitô giáo.  Vì con người có cùng chung những giá trị nhân bản, nên các Kitô hữu đang theo đuổi mục đích tông đồ cũng thường phải cộng tác với những người tuy theo không theo Kitô giáo, nhưng nhìn nhận những giá trị nhân bản đó, trong một mối liên hệ được Sắc Lệnh gọi là “năng động, nhưng thận trọng”.

6. Việc Đào Tạo Tông Đồ Giáo Dân

Các Nghị Phụ Công Đồng dành chương cuối của văn kiện để bàn về nhu cầu phải làm sao đào tạo các giáo dân cho việc tông đồ một cách thích hợp. Chương trình đào tạo này là một nỗ lực kéo dài suốt đời một người. Văn kiện đưa ra những nguyên tắc cơ bản cho việc đào tạo này.

Trước hết, Việc đào tạo này phải dựa trên những nền tảng đã được Thánh Công Ðồng đề xướng và công bố trong nhiều văn kiện khác. Ngoài việc huấn luyện chung cho mọi tín hữu, còn phải có thêm lớp huấn luyện chuyên biệt cho một vài đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau. Việc huấn luyện cũng bao hàm việc huấn luyện toàn diện con người cho phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người.

Người giáo dân phải học sao cho biết chu toàn sứ mệnh của Đức Kitô và của Hội Thánh bằng sống đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dụng và cứu độ dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Họ còn phải được huấn luyện vững chắc về giáo lý, và ngay cả về thần học, luân lý, triết học. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát cùng đào tạo về kỹ thuật và thực hành.

Việc đào luyện làm tông đồ phải bắt đầu ngay từ lúc mới khởi sự giáo dục các trẻ em. Nhưng đặc biệt phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ và thấm nhuần tinh thần này. Cha mẹ khai tâm con cái của họ vào đức tin, cũng cần phải chăm lo để con em bắt đầu học về nhiệm vụ tông đồ của các em. Các trường học, trường cao đẳng, và những cơ sở giáo dục Công Giáo khác, cũng như các nhóm giáo dân và các hội đoàn khác nhau cũng phải chăm lo việc giáo dục tông đồ này.  Cuối cùng, từng giáo dân phải tự mình tích cực chuẩn bị riêng cho viêc tông đồ.

Văn kiện liệt kê nhiều phương pháp giúp việc đào tạo và giáo dục, bao gồm cả những đại hội, tĩnh tâm, hội nghị, sách vở, và tạp chí. Như Sắc Lệnh viết, “. . . tất cả những điều đó giúp họ đào sâu kiến ​​thức của họ về Kinh Thánh và giáo lý Công Giáo, nuôi dưỡng đời sống tâm linh, và cũng làm quen với những hoàn cảnh của thế giới cùng khám phá và áp dụng các phương pháp phù hợp (AA 32).

Phần Kết Luận

Cuối cùng, Công Đồng nhân danh Chúa mời gọi tất cả giáo dân, đặc biệt là giới trẻ, nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô tham gia việc tông đồ như được diễn tả bởi Công Đồng. Giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Hội Thánh bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.  Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa.

Tóm Lại

Vì Đức Kitô là nguồn mạch của mọi việc tông đồ trong Hội Thánh, nên kết quả của việc tông đồ giáo dân tùy thuộc vào sự kết hiệp sống động của họ với Đức Kitô.  Người giáo dân phải làm sao để chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Đức Kitô. Ðời sống như thế đòi hỏi việc thực hành liên tục đức tin, đức cậy và đức ái.  Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mà mỗi người có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, tìm Thánh Ý Chúa trong mọi biến cố và nhìn thấy Đức Kitô trong mọi người.  Noi gương Đức Kitô khiêm hạ, họ không mưu cầu danh lợi, cũng không màng khen chê, nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta.  Họ luôn sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Đức Kitô, và chịu bách hại vì sự công chính.  Họ sống với mọi người trong tình thân hữu của Đức Kitô và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết.  Lòng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, và như vậy lôi kéo mọi người đến với Đức Kitô.  Ngoài ra họ cần chuyên lo học hỏi để biết thêm về giáo huấn của Chúa và Hội Thánh ngõ hầu họ có thể chu toàn việc tông đồ giáo dân của họ cách hiệu quả.

Phaolô Phạm Xuân Khôi tóm tắt theo bàn dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

http://giaoly.org/vn