Is 9,1-6; Tl 2,11-14;Lc 2,1-14
1.Khi đặt vòng hoa tại nghĩa trang lính Đức, tổng thống Reagan (1984-1992) kể lại câu truyện xẩy ra ngày lễ Noel 1944 như sau:
Một cuộc chiến ác liệt diễn ra giữa quân đội Hoa Kỳ và Đức gần một khu rừng. Ba người lính Mỹ, có một bị thương, đã chạy lạc vào khu rừng tối một căn nhà hẻo lánh của một bà góa có một đức con trai. Họ vào nhà xin ăn. Bà chủ chỉ còn đủ ăn một bữa, nhưng cũng nhường cho ba người lính Mỹ ăn. Họ vừa ngồi xuống, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bà chủ biết là lính Đức, bà can đảm la lớn: Xin các người đừng chém giết trong nhà tôi trong ngày lễ Noel. Rồi bà mở cửa. Bốn lính Đức để súng ngoài cửa, vào cùng ngồi ăn với ba lính Mỹ. Một anh lính Đức là sinh viên y khoa đã băng bó cho anh thương binh Mỹ. Họ đã quyết định sống hòa bình trong ngày lễ Noel và lính Đức đã chỉ đường cho lính Mỹ về doanh trại quân đội Mỹ. Câu truyện này được người con trai bà chủ kể lại khi anh lớn lên.
Noel đã biến đổi hận thù nên bạn hữu, chém giết thành cứu sống, chiến tranh thành hòa bình. Đó là Tin Mừng cho toàn thế giới. Tin Mừng này được diển tả qua 3 bài đọc Lời Chúa hôm nay. Mỗi bài nói lên một quang cảnh, một thực tai kỳ diệu.
Bài Phúc Âm đưa Tin mừng cho khắp thiên hạ đang lao đao cực khổ trong cảnh kiểm tra dân số. Dù nghèo khổ và ở tận cùng miền Bắc đất nước như Giuse cũng phải về quê quán tận cùng miền Nam. Dù thân liễu yếu mang nặng đẻ đau như Maria cũng phải bỏ nhà ra đi hàng trăm cây số. Dù trẻ sơ sinh còn nằm trong máng cỏ cũng phải bế bồng đi trình diện khai tên ghi sổ! Con Thiên Chúa đến đem tiếng hát Thiên Thần an ủi toàn dân. Người đến chia sẻ bao nỗi nhọc nhằn đắng cay của toàn dân, làm ấm áp bao cõi lòng tê tái giá buốt, và xoa dịu những tâm hồn thương đau (Lc 2,1-14).
Bài Sứ ngôn Isaia báo Tin Mừng cho toàn dân được thấy ánh sáng huy hoàng. Ánh sáng đến như một cố vấn kỳ diệu soi sáng muôn dân thấy sự sống vinh quang, giải thoát họ khỏi kiếp sống dưới ách đè lên cổ, cái gậy đập xuống họ, cái roi của kẻ hà hiếp. Tất cả chế độ nô lệ tăm tối đều bị bẻ gẫy.
Ánh sáng đó soi cho muôn dân chiêm ngắm một Thượng Đế oai phong lẫm liệt, ban cho họ chứa chan hồng phúc. Thiên hạ sẽ vui mừng hoan hỉ trong cảnh trời mới đất mới.
Ánh sáng đó dẫn họ trở về Người Cha muôn thuở yêu thương nồng nhiệt, ban tặng Người Con chí ái đến cứu độ ta, cho ta được làm con cái Thiên Chúa. Ánh sáng đó cho họ thấy hoàng tử Bình An đến đốt sạch những chiếc giầy lính lộp cộp, những chiến bào đẫm máu, nhưng vương trượng của kẻ áp bức, để thiết lập một nền hòa bình vô tận công minh chính trực từ nay cho đến muôn đời (Is. 9,2-7).
Tất cả những cảnh huy hoàng của Tin Mừng Giáng Sinh xưa kia cho chúng ta và tất cả thế giới hôm nay một nguồn vui vô tận trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác. Bên ngoài, bao nhiêu cuộc vui Giáng Sinh như những cửa hàng chồng chất quà Giáng Sinh, những thiệp mừng chúc Noel mỹ thuật, những hang đá rực rỡ ánh đèn mầu, những cây thông phơi mầu xanh mát dịu, những bài thánh ca trong điệu nhạc du dương, những buổi lễ long trọng giữa rừng người vui tươi, những đoàn người trang phục thanh nhã đủ mầu nối đuôi nhau trên đường phố, những bữa tiệc thơm ngon, ấm cúng trong các gia đình v.v.. Tất cả đều biểu lộ niềm vui của ngày lễ Giáng Sinh. Bên trong nguồn vui vòn lớn lao vô cùng như thánh Phaolô đã nhấn mạnh cho chúng ta phải biết khắc sâu ân sủng của Thiên Chúa.
Ân sủng đó là gì? Thưa: “Chính là Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại, và là Cứu Chúa vinh hiển của chúng ta” (Tt 2,11-14)
2. Vừa là Con Thiên Chúa, vừa là loài người, Đức Giêsu Kitô đã đến nối kết trời và đất. Người là Đấng Trung Hòa. Trong Người trời và đất không còn xa nhau, không còn khoảng cách. Tất cả đều nên một cho nên phải nói: Người thực sự là Đấng “Chí Trung Hòa”, là Đấng “Thái Hòa” thực hiện đúng lý tưởng của văn hoá Đông Phương hằng mong ước. Người là Con Thiên Chúa. Người nên một với Thiên Chúa: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga10,30).
Một tình yêu: “Chúa Cha yêu Con, và tỏ cho Con biết mọi điều Người làm. Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm, vì điều Chúa Cha làm, thì Con cũng làm”. “Chúa Cha làm cho kẻ chết sống lại, thì Con cũng ban sự sống cho họ như vậy” (Ga 5,19-21)
Đó là một sự hòa hợp “Cha Con” trong một tình yêu, một sự sống, một hành động, một tri thức để “trong Chúa Con mà vạn vật được tạo thành và cứu chuộc” (Ga 1,3;3,17).
Hoà đồng nên một với Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô còn đồng hóa mình với loài người. Nhận mình là những người khốn khổ như Người nói: “Ta đói, Ta khát, Ta là khách lạ, Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta ở trọ…” “Mỗi lần các ngươi làm cho anh chị em bé mọn nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,35).
Sao Người đã đồng hoá với mọi người đến cùng cực như thế? Thánh Phaolô đã giải thích: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần gian. Người lại còn hạ mình vâng lời bằng lòng chịu chết trên thập giá” (Phil. 2,1-8). Người đồng hóa như vậy đó: “cho loài người tham dự với Người vào các mầu nhiệm Thiên Chúa. Biến đổi loài người nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Cầu bầu cho nhân loại, và cứu rỗi họ bằng sự chết của mình”(Thân văn Tường: Kitô Học tr. 136). Chính Đức Kitô còn nói rõ Người đồng hóa với ta như thế: “Ta là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5). Sự đồng hóa đó hoàn toàn nên một: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 7,21-23).
Đây mới là Tin Mừng thật sự cho loài người.
Theo Đông Phương, Đức Giêsu Kitô là Đấng “Chí Trung Hòa”. Chữ Trung: O gồm nét sổ thẳng chính giữa tâm hình tròn. Hình tròn biểu tượng thái cực là Trời, là Thiên Chúa. Hình tròn viết thành chữ thì biến thành hình vuông, vuông chỉ đất là người. Nét sổ thẳng chính trung tâm vuông tròn không xê dịch, đó là Chí Trung, dấu chỉ Đức Giêsu Kitô là trung tâm trời đất. Còn Chí Hòa, chữ Hoà gồm chữ Hoà là lúa và chữ Khẫu là miệng: *P* cơm bánh là thực phẩm hợp khẩu vị nhất, là đồ ăn hoà đến cùng cực để trở nên sự sống của loài người. Đức Kitô đã biến bánh miến và rượu nho trở nên Thịt Máu mình để trở nên của ăn của uống ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Một sự hoà đồng cùng cực: “Chí Hoà”. Thật Người là Đấng Chí Trung Hòa để cho tất cả nên một. Thiên Chúa và con người không còn xa cách, không còn khoảng không gian nào phân ly được nữa…”.
Đức Giêsu Kitô sinh là Đấng Chí Trung Hòa đem niềm vui trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho nhân loại trong tình yêu hợp nhất, một sự sống vô tận. Không còn niềm vui nào lớn lao hơn nữa.
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, vì thương yêu đã xuống thế làm người, ở giữa chúng con, ở trong chúng con, nên một với chúng con, để thăng tiến chúng con, thánh hiến chúng con, làm cho chúng con nên một trong nguồn sống vinh phúc của Thiên Chúa là Tình Yêu. Lạy Chúa! thật là tuyệt vời khi chúng con cảm nghiệm được tình yêu chan hòa vô tận đó. Amen.
Chú ý: bài ngắn gọn gồm số 1 và câu kết.
NS Dân Chúa Mỹ Châu
Lm Vũ Khắc Nghiêm