CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN B
(Mc 4, 35)
Thưa quý vị.
Trong suốt các năm phụng vụ, chỉ có 2 lần trích đọc sách Job. Hôm nay và Chúa nhật 5 TN B. Tuy nhiên, ông Gióp là gương mặt quen thuộc của Kinh Thánh. Ngay cả những ai ít khi ngó tới Kinh Thánh thì ngôn ngữ và hình ảnh của ông cũng là điều không mấy xa lạ. Mỗi khi linh hồn nào chịu đựng thử thách nặng nề, người ta thường so sánh với ông Gióp và nói: “Nạn nhân đang phải gánh chịu số phận của Gióp”. Như vậy, ngoài việc họa hiếm mới gặp bản văn sách Gióp và gương mặt của ông, hôm nay chúng ta có cơ hội tốt để suy niệm về ông, số phận của ông và các vấn đề khác thuộc nội dung cuốn sách, chứ không riêng chỉ những bất hạnh mà ông gặp phải. Từ đấy chúng ta rút ra những bài học quý giá cho đời sống thiêng liêng của mình.
Theo lệ thường hai bài đọc đầu của thánh lễ được chọn để sửa soạn cho bài Phúc âm. Chúng có liên qua phần nào đến sứ điệp của Tin mừng. Như vậy chắc chắn bài đọc sách Gióp có chút soi sáng cho bài Phúc âm. Khi thừa tác viên khởi đầu với câu: Trích sách Gióp. Chúng ta liên tưởng ngay tới những đau khổ ông sẽ gánh chịu. Nhưng nội dung bài đọc lại không phải như vậy. Và cũng chẳng nói chi đến thân thế ông Gióp. Ong có được nói tới thì cũng như kẻ thụ động lắng nghe. Chúng ta hãy coi lại bài đọc: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời: Cửa đại dương ai ra tay khép lại ? Khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân ?” Có đụng chạm gì đến ông Gióp đâu ? Bản văn hình như lạc đề. Ong Giób bất quá là chịu trận, lắng nghe Thiên Chúa dạy bảo. Vậy thì làm sao chúng ta liên hệ được với bài Tin mừng ? Ý tưởng nào được đề cập đến ở đây ? Cứ theo như bố cục, thì đoạn văn này ở chương 38 tức phần cuối của cuốn sách: Thiên Chúa trả lời ông Gióp. Sau một hồi lâu, Ngài lắng nghe các lý luận của nạn nhân và các bạn hữu, dài tới 37 chương, lúc này Ngài xuất hiện ở giữa hiện trường và bộc lộ kế họach của mình. Xin lưu ý hoàn cảnh Chúa hiện hiện và cất tiếng nói: “Bấy giờ giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp…”. Bão táp có ý nghĩa gì với ông Gióp lúc này ? rõ ràng ông đang chịu nhiều cơn bão táp hành hạ, tài sản tiêu tán, con cái chẳng còn, mình đầy lở chốc, bạn bè xúi bẩy nói phạm đến Thiên Chúa, ngay cả vợ ông cũng xỉ nhục ông. Chỉ còn cơn bão táp khác, cơn bão táp thần thánh mới có thể vực ông dậy. Đó là cái khéo léo của sự khôn ngoan Đông phương khi dùng hình ảnh cụ thể. Vậy bão táp ở đây không có nghĩa vật lý. Nó có ý nghĩa thiêng liêng. Nó biểu hiện sự có mặt của Thiên Chúa. Ngài xuất hiện để dẹp yên các bão táp cho tôi tớ mình là Gióp.
Vậy nếu cứ thu hẹp cái nhìn vào bản văn hôm nay, chúng ta dễ rơi vào phiến diện, từc chỉ có ấn tượng về sự vĩ đại và vẻ đẹp của tạo vật: “Cửa đại dương ai ra tay khép lại ?” Thực ra, vấn đề rộng lớn hơn nhiều. Thiên Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài cho ông Gióp hay. Ong vốn là người công chính, tốt lành, đạo đức và giàu có. Tất cả những thứ mà quan niệm Do thái ao ước. Satan thách đố Thiên Chúa đưa ông vào thử thách để minh chứng lòng trung thành của ông. Nó nói, nếu Ngài không ban những ơn phước như vậy, thì Gióp hay bất cứ ai, chẳng thể vâng lời và thơ phượng Ngài. Thiên Chúa đồng ý cho Satan đưa Gióp vào thử thách. Thế là hết tai họa này đến tai họa khác đổ xuống đầu ông Gióp và gia đình ông: “Một ngày kia, các con trai, con gái ông đang ăn tiệc uống rượu nhà người anh cả, thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp…dân Sơ va đã xông vào dùng gươm giết chết, chỉ còn mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay. Người ấy còn đang nói, thì một người khác về thưa: Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đốt cháy chiên dê và đầy tớ ông…người ấy còn đang nói…” đến nỗi thân xác ông cũng không còn an toàn, đầy những ghẻ chốc, ròi bọ thối tha. Các bạn hữu ông cho là ông đã phạm tội gì ghê gớm nên mới bị phạt. Ông phải xin Thiên Chúa thứ tha.
Nhưng ông Gióp khăng khăng nói mình vô tội. Ong ta bị phạt không phải vì sự dữ đã làm. Nhưng vì một lý do nào khác mà ông không rõ. Ông cương quyết từ chối xúc phạm đến Thiên Chúa, mặc dầu nỗi đau quá lớn. Ông khát khao được chết. Ông ngồi trên đống tro mà than vãn, xin Thiên Chúa chứng giám những bất công xẩy đến cho mình. Ôg đâu có làm chi nên tội ? Vậy tại sao những khốn đốn này ? Ông không hiểu và chúng ta cũng không hay. Tuy nhiên, theo gương mẫu của ông, chúng ta được phép nêu lên những thắc mắc của mình. Tại sao những khổ đau này ? tại sao những bất công trắng trợn ? Thế giới bưng tai bịt mắt trước những thống khổ của kẻ vô tội, không phương tiện tự vệ ? Tại sao ôm bom tự sát giết hại hàng trăm hàng chục dân thường ? Tại sao kẻ ăn không hết, người lần không ra ? Môn đệ của Chúa Giê Su phải là tiếng nói của những ai thấp cổ bé miệng. Ngôn từ của Gióp phải dóng lên chống lại thế giới đang có khuynh hướng bóp nghẹt sự giận dữ của dân lành.
Sách Gióp đầy dẫy những lời khuyên bảo và dạy dỗ. Tuy nhiên nó chưa thỏa mãn những vấn nạn của chúng ta về màu nhiệm đau khổ của thế giới. Cái trở ngại lớn nhất giúp người ta tìm đến dức tin vào Thiên Chúa, là tại sao Ngài cho phép cay cực xảy ra cho những linh hồn vô tội ? Cuốn sách đặt ra vấn nạn, nhưng lại không trả lời rõ ràng. Các bạn của ông bảo thủ não trạng cũ, cho rằng ông chịu khổ là vì đã phạm tội. Nhưng Gióp nhất mực từ chối, khẳng định mình vô tội. Và khi bênh vực mình như vậy, ông đã trút giận lên Thiên Chúa, Đấng từng là bạn hữu với ông. Tại sao ông gánh chịu tai họa mà không có lý do ? Ngày nay chúng ta cũng vẫn thắc mắc như vậy trước những đau khổ của các kẻ lành thánh, như của các trẻ sơ sinh, người khuyêt tật từ tấm bé, thường dân bị giết hại…
Bài đọc hôm nay là câu Thiên Chúa trả lời. Nhưng thay vì trực tiếp đề cập đến các tai họa, thì Ngài đưa ra lý luận khác: Gióp hãy nhìn vào quyền năng sáng tạo của Ngài, suy gẫm cho kỹ những kỳ công Ngài thực hiện trong vũ trụ ! Gióp ở đâu khi Ngài tạo dựng càn khôn ? Đặt ranh giới cho các sông ngòi, biển cả ? Trả lời những câu hỏi ấy, Gióp sẽ nhận ra thân phận của mình và sự quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời ông. Ông tự khám phá ra ý nghĩa các thử thách gánh chịu. Đoaon văn bày tỏ thẩm quyền của Thiên Chúa trên tạo vật và vũ trụ. Ngài hoàn toàn tự do trong kế hoạch và hoạt động. Gióp là ai mà dám thách thức phán quyết của Ngài ? Cho nên đứng trước thẩm quyền ấy, Gióp chỉ còn biết chấp nhận. Mà ông nên học qua kinh nghiệm là tin cậy vào Thiên Chúa, chứ đừng tìm giải nghĩa thỏa đáng. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa ai dò cho thấu. Thượng trí của Ngài ai có khả năng lượng định ? Vậy thì tính hợp lý trong vấn đề này ở đâu ? Không có câu trả lời. Chúng ta được mời gọi chấp nhận đức tin, chứ không phải tính hữu lý. Nói gọn lại, tất cả những gì Gióp nói ra và các ý kiến của bạn hữu ông được Thiên Chúa đáp trả nhẹ nhàng. Ngài không nghiêm khắc với ông. Điều này khích lệ chúng ta bày tỏ nỗi niềm của mình khi gặp gian nan khốn khó. Nó cho chúng ta cơ hội để tin cậy Ngài, sống thân tình với Ngài và bị lôi kéo vào các màu nhiệm thẳm sâu.
Một câu hỏi khác cũng được nêu ra hôm nay, là tại sao chúng ta phụng thờ Ngài ? Có phải về phe với Ngài để tránh các tai họa ? Động lực chúng ta phục vụ Ngài là gì ? Ích kỷ hay vô vị lợi ? Có phải chúng ta tôn kính Thiên Chúa toàn năng bởi vì Ngài khép cửa đại dương…. giăng mây làm áo nó mặc ? Tức phục vụ Ngài trong tinh thần sợ hãi và nô lệ ? Hay ngược lại, chúng ta yêu mến và thờ phượng Ngài như con người trưởng thành, ý thức những việc mình làm. Chúng ta không mù quáng khi chứng kiến sự dữ xảy đến cho nhân loại. Chúng ta tin chắc Ngài không phải là nguyên nhân phát sinh ra những thứ đó. Chúng ta tích cực làm việc để xóa sổ sự dữ khỏi môi trường sống của con người, (xin đọc lại bài tội lỗi và sự dữ của Lm Túy, OP). Chúa Giê su trong Phúc âm hôm nay quát mắng biển cả giận dữ, làm cho nó im lặng, là dạy cho loài người bài học đó. Quý vị chẳng thể làm được như Ngài, chẳng thể thỏa mãn mọi thắc mắc về khổ đau của con người. Chẳng thể giải thích tại sao Thiên Chúa xem ra vắng mặt khi chúng ta gặp gian nan thử thách. Nhưng Gióp giúp đỡ thấu hiểu những nội dung sâu xa hơn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Tham dự thánh lễ mỗi Chúa nhật cũng là nhằm mục tiêu ấy.
Như vậy bài đọc 1 và 3 trợ giúp nhau để chúng ta hiểu ra chương trình của Đấng Tối Cao. Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy dỗ ông những lẽ khôn ngoan. Các Tông đồ cũng gặp bão táp trên biển cả. Cuộc đời các ông cũng gặp nguy hiểm thuyền chìm và Chúa Giê su đã cứu vớt, ban cho các ông bình an và sự sống. Chúng ta nhận ra sự song song giữa sóng gió vật lý và vật lộn tinh thần. Có lẽ thánh Marcô viết Phúc âm để trấn an cộng đoàn của ông, đang gặp bách hại và chúng ta ngày nay cũng được hưởng Phúc âm ấy khi khó khăn nổi lên, bề ngoài cũng như trong tâm hồn.
Các Tông đồ được kinh nghiệm quyền năng của Chúa Giê su trên bão táp và biển cả. Nhưng bài học không dừng ở đó. Thiên Chúa không những tạo dựng nên các sức mạnh ấy mà còn toàn quyền điều khiển chúng. Ngài không những tạo thành biển cả mà còn đủ khả năng cứu vớt con người khỏi chết chìm. Đam mê dục vọng của lòng người cũng nằm trong quyền năng của Thiên Chúa. Vậy chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, nhưng hãy kiên trì tin tưởng vào sự trợ giúp của Ngài. Ngài chẳng hề bỏ rơi một ai. Câu truyện của Thánh Marcô hôm nay mô tả Chúa Giê su cũng có quyền bính tương tự. Lời của Ngài khiến biển im, gió lặng. Các Tông đồ cập bến bình an. Có lẽ Thánh Marcô cũng muốn cho chúng ta biết Chúa Giê su không những quát mắng các cơn bách hại đổ trên Giáo hội tiên khởi, cứu giúp các tín hữu đang khiếp sợ. Nhưng Ngài còn tiếp tục đe dọa các cơn bão táp của chúng ta hôm nay, quát mắng những chia rẽ, bất hòa trong Giáo hội, địa phương cũng như hoàn vũ. Ngài chẳng thiếp ngủ giữa Hội thánh, trái lại hoàn toàn tỉnh thức để nắm bắt các nhu cầu của chúng ta. Mỗi khi chúng ta kêu lên vì sợ hãi: “Thày ơi, chúng con chết mất.” Ngài liền đáp lại: “Ta đây, Ta vẫn ở với các con với đầy đủ quyền năng của Đấng Tạo hoá, đừng sợ.” Và giống như Gióp, chúng ta đối mặt với những khó khăn, tin tưởng Ngài hằng ở trên thuyền với mình. Liệu còn tương lai nào tươi sáng hơn ? Amen
Lm. Jude Siciliano, OP.