(Isaiah 43:18-19,24-25; 2Cr 1:18-22; Mc 2:1-12)
Trong khi Chúa giảng dạy tại thành Ca-phác-na-um thì dân chúng tuốn đến vây quanh Người tại nhà một người kia. Nghe biết Chúa làm nhiều phép lạ chữa nhiều người, người ta tụ họp vây quanh Chúa cả trong nhà lẫn ngoài sân để nhìn xem Chúa hay để xin ơn. Rồi có bốn người khênh đến một người bất toại để xin Chúa chữa. Vì dân chúng đứng đông nghẹt, họ không thể đem người bất toại đến gần Chúa được. Họ bèn dỡ mái nhà để thả người bất toại nằm trên chõng xuống gần chỗ Chúa ngồi.
Có linh mục kia trước khi đi tu thường thắc mắc tại sao người ta có thể đưa người bất toại nằm trên chõng lên mái nhà dốc được, nhỡ té thì sao? Chắc họ phải trèo giỏi lắm? Rồi chủ nhà có đòi bồi thường không? Khảo cổ học cho thấy mái nhà thời bấy giờ ở miền đất Chúa Giêsu sinh trưởng làm bằng đất sét trộn với vôi và bện với cành cây, rơm rạ hay cỏ khô. Mái nhà giống như sân thượng, có lan can vây quanh ((2 V 1:2) và có thang ở trong hay ngoài, chứ không phải mái dốc. Chiều đến họ leo lên hóng mát và nói chuyện. Việc dỡ mái nhà chắc phải là việc dễ dàng chứ không phải đập phá như người ta tưởng tượng. Và việc sửa lại mái cũng đơn giản. Ai giầu tưởng tượng có thể cho diễn lại cảnh này thành vở kịch thánh tuyệt vời với những vai sau đây. Ðám đông trong nhà giật mình không biết chuyện gì xẩy ra trên mái nhà khi nghe tiếng động, rồi thấy có người đang lay hoay cậy mái… Chủ nhà thì ngỡ ngàng toan bảo họ dừng lại: Sao các anh gỡ mái nhà tôi? Người nhà đâu, kêu cảnh sát, mau lên, lẹ đi!!! Còn Chúa Giêsu lại bình tĩnh, cảm kích vì đức tin sắt đá của họ…
Trèo lên mái nhà, dỡ mái để hạ người bất toại xuống là một việc làm quyết tâm và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn vì đức tin quả quyết của người bất toại và của bạn hữu anh ta. Tuy nhiên Chúa lại chưa chữa trị chứng bất toại ngay cho anh ta. Tại sao lại như vậy? Thưa rằng Chúa dùng cơ hội này để dạy đám đông bài học, cho họ cái nhìn sâu hơn về sứ mệnh của Chúa giữa loài người. Nói cách khác Chúa dùng cơ hội này để nói về việc tha tội hầu gây chú ý trong đám đông. Chúa dùng lời quyền thế mà nói với người bất toại: Này con, tội con được tha rồi (Mc 2:5). Bằng lời ban ơn tha tội, Chúa Giêsu đồng hoá với Thiên Chúa.
Lấy làm vấp phạm về lời ban ơn ơn tha tội, nên mấy người kinh sư mới nói với nhau: Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa (Mc 2:7)? Tuy nhiên Chúa Giêsu đi guốc trong bụng họ, nên quyết định làm chứng quyền tha tội bằng một phép lạ, bảo người bất toại: Ðứng dậy, vác chõng mà đi về nhà (Mc 2:11). Việc chữa người bất toại là để đáp ứng lòng tin của anh ta và bốn người giúp khiêng anh.
Còn đám đông ngạc nhiên và ca tụng Thiên Chúa vì Người đã làm một việc lạ lùng qua Người Con Một. Bất cứ khi nào làm phép lạ, Chúa đều nại đến đức tin: đức tin đưa đến phép lạ, đức tin đem ơn chữa lành. Khi người Pharisêu xin Chúa một dấu lạ trên trời để thử Người, thì Chúa từ chối vì họ thiếu lòng tin. Theo Phúc âm Marcô, Chúa thở dài và thắc mắc tại sao họ lại xin dấu lạ và Người bảo họ: Thế hệ này sẽ không được một phép lạ nào (Mc 8:12). Như vậy ta thấy, nếu thiếu lòng tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành.
Ðám đông càng lấy làm sửng sốt hơn nữa, bởi vì ngoài việc chữa bệnh phần xác, Chúa còn chữa trị bệnh phần hồn, ban cho anh ta được ơn tha tội, một đời sống mới trong ơn thánh, hơn cả điều anh ta xin được lành bệnh. Không những Chúa ban cho người bất toại điều anh ta xin, mà còn ban cho anh ta điều anh ta cần, không những ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần xác, mà còn ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần hồn.
Bài trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay cho thấy, Thiên Chúa dùng miệng lưỡi vị ngôn sứ để loan báo Người sẽ đến làm mới lại lời giao ước trên núi Sinai. Mặc dầu dân riêng của Chúa thường bất trung phản nghịch cùng Chúa, Chúa vẫn muốn đưa dẫn họ trở về nhà Chúa: Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa (Isaiah 43:25). Theo thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô thì lời Chúa hứa đã được thực hiện nơi Ðức Giêsu (2 Cr 1:20). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu còn hiện ra và ban cho các tông đồ quyền tha tội, và qua các tông đồ cho những đấng kế vị và thừa hành trong Giáo hội: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20:22. Lời Chúa tha tội cho người bất toại cũng thường được nói với ta trong bí tích giải tội. Ðó là lời ban ơn tha tội, lời ban bình an và sự sống mới.
Vì có lòng tin, Chúa ban cho người bất toại không những điều anh ta xin là chữa lành phần xác, mà còn ban cho anh điều anh ta cần là chữa phần hồn. Việc Chúa chữa trị người bất toại trong Phúc âm hôm nay khỏi bệnh thiêng liêng mặc dầu anh ta không xin phải nhắc nhở cho ta cần tìm đến thầy linh dược. Như vậy bài học nào ta có thể học trong Phúc âm hôm nay? Bài học thứ nhất là khi đau yếu, bệnh tật ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Chúa dùng bác sĩ, nha sĩ cùng với thuốc men như là dụng cụ chữa trị. Ðồng thời ta cũng cần cầu nguyện xin Chúa ban cho được khỏi bệnh. Bài học thứ hai là nếu bị đau yếu về phần hồn, ta cũng cần tìm đến thầy thuốc thiêng liêng để được chữa lành trong bí tích cáo giải.
Lời cầu nguyện, xin được ơn chữa lành bệnh tật phần xác phần hồn:
Lạy Chúa, cũng như Chúa đã chữa trị người bất toại
khi bệnh nhân được đem đến với Chúa,
xin Chúa lắng nghe những ngưởi kêu cầu đến Chúa
ngày đêm, với tất cả lòng chân thành và khiêm tốn của họ,
mà ban cho họ điều họ van xin.
Và xin Chúa cũng chữa lành bệnh tật xác hồn con
để con được phụng sự Chúa với tâm hồn thanh thoả. Amen.
LM Trần Bình Trọng