Tinh Thần Siêu Thoát

Chúa Nhật Thứ 13 Mùa Thường Niên, Năm C

(Lc 9, 51-62)

Một vị linh sư Ấn-độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh niên giàu sang đến xin làm đệ tử. Anh ta tiến đến và cung kính đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý như một lễ vật nhập môn. Vị linh sư mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm lấy một viên ném thẳng xuống sông.

Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy xuống sông và lặn xuống đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý nhưng suốt cả ngày hì hụp ngoi lên lặn xuống hao hơi nhọc công, viên ngọc vẫn biệt tăm.

Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin chỉ đích xác nơi mà ngài đã ném ngọc xuống để may ra tìm lại dễ hơn.

Bấy giờ vị linh sư cầm lấy viên ngọc thứ hai ném thẳng xuống sông và nói: “Ta đã ném nó vào đúng chỗ nầy.” (dựa theo Cha Anthony)

Bấy giờ chàng thanh niên chợt hiểu ra rằng bài học đầu tiên mà vị linh sư dạy anh là: muốn trở thành môn đệ của ngài thì điều kiện tiên quyết là phải có tinh thần siêu thoát, phải sẵn sàng dứt bỏ mọi dính bén với của cải thế gian.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy cho những ai muốn trở thành môn đệ của Người cũng phải có một tinh thần siêu thoát tương tự, chủ yếu là siêu thoát đối với ba sự việc sau đây:

Thứ nhất: siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải

“Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Với những lời nầy, Chúa Giê-su cảnh báo rằng: ai muốn theo Người thì trước hết phải lượng sức mình: Có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng?

Thứ hai: siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.

Rồi Chúa Giê-su lại gặp một người khác và cất tiếng mời gọi: “Anh hãy theo tôi. Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”

Đức Giê-su muốn anh siêu thoát khỏi trói buộc nầy nên bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

Tất nhiên Chúa Giê-su vẫn đề cao việc thờ cha kính mẹ (Mc 7,10), nhưng qua lời dạy nầy, Người đòi hỏi ai muốn trở thành môn đệ của Người phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng, còn việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà, mai táng cha mẹ tất nhiên đã có anh em họ hàng ở nhà chung lo.

Thứ ba: siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng.

Đi thêm chặng nữa, Chúa Giê-su gặp một người khác tình nguyện theo Người: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Với người nầy, Chúa Giê-su kêu gọi phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Đã xông pha lên đường phụng sự Nước Trời mà còn vấn vương những mối tình cảm riêng tư thì chẳng khác chi “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau”.

***

Những mối ràng buộc do của cải tiền tài, do những mối tình cảm riêng tư… như những chiếc vòi của con bạch tuộc khổng lồ huyền thoại, cuốn chặt lấy những chiến sĩ của Tin Mừng, không để cho họ xông pha lên đường phụng sự lý tưởng cao đẹp.

Khi kêu gọi người môn đệ siêu thoát đối với của cải tiện nghi và những ràng buộc của những mối tình cảm hẹp hòi, Chúa Giê-su mong muốn những ai dấn thân phụng sự Nước Trời hãy can trường chặt đứt những chiếc vòi quỷ quái đó hầu có thể thảnh thơi thi hành sứ vụ.

Cần thật nhiều ơn Chúa, cần có nhiều bản lãnh và nghị lực bản thân mới có thể thực hiện được những đòi hỏi khó khăn nầy.

Lạy Chúa, xin luôn ở bên chúng con, đồng hành với chúng con và cùng chiến đấu với chúng con.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà