Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C
Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong mùa Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.
Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên. Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu.
Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người. Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối.
Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.
Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.
Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Chúa đã đến rồi sao ta vẫn còn chờ mong Chúa đến?
2) Chúa làm chủ lịch sử. Bạn có cảm nghiệm về điều này trong đời sống không?
3) Ta phải làm gì để được niềm vui trong ngày Chúa đến?
4) Tỉnh thức nghĩa là gì?
5) Tại sao phải cầu nguyện?
+TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt