Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Mc 10,17-30
Một thanh niên nọ đến gặp Cha viện trưởng để xin đi tu. Nhìn người thanh niên, Cha viện trưởng nói: “Trong tu viện tôi, có quá nhiều Tu sỹ tốt rồi. Tôi cần những Tu sỹ thánh. Nếu anh muốn nên thánh, thì xin mời vào tìm hiểu và sống đời sống dòng”. Câu chuyện trên có điều gì đó tương đồng với câu chuyện của Tin mừng hôm nay. Trên đường tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu và các môn đệ gặp một thanh niên Dothái giàu có và cũng là người yêu mến và tuân giữ giới răn Thiên Chúa cách triệt để. Thế nhưng, với Chúa Giêsu, đó có phải là mẫu người tốt hoàn hảo chưa, hay còn thiếu một điều gì đó để trở nên người môn đệ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa? Chúng ta hãy xem giáo huấn của Tin mừng hôm nay nhắn nhủ điều gì.
Người thanh niên trong Tin mừng hôm nay quả là mẫu người tốt và nhiệt thành không chỉ với tín ngưỡng anh đang theo mà còn với các mối quan hệ xã hội nữa. Bằng chứng là cách anh ta “chạy đến” và “quỳ xuống” trước mặt Chúa Giêsu – một cử chỉ mang tính cách phụng vụ, cho ta thấy chỉ có những người siêng năng đến Đền thờ để tham dự các nghi lễ tôn giáo mới có những tâm tình như vậy. Rồi cách thức anh ta thưa với Chúa Giêsu “lạy Thầy nhân lành…” cũng đủ cho chúng ta biết anh là người đang muốn kiếm tìm một điều gì đó sâu hơn, xa hơn so với lề luật mà anh tuân giữ từ nhỏ.
Qua cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, chúng ta biết người thanh niên quả là một người Dothái mẫu mực, chân chính, thực thi lề luật Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Bằng chứng là khi Chúa Giêsu trưng ra những giới luật được trích trong sách Xuất hành và Đệ nhị luật, nào là : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ (x. Xh 20,12-16; Đnl 5, 16-20), anh ta nói rằng những điều ấy anh đã tuân giữ từ nhỏ. Anh đã tuân giữ tất cả các giới luật từ thuở nhỏ đến giờ? Thật đáng nể! Bởi chúng ta biết Lề luật Dothái được ghi trong thời ông Môsê, nhưng cho đến thời Chúa Giêsu, các biệt phái và các Kinh sư đã “tạo” thêm những khoản luật cách tỉ mỉ lên đến 613 điều để bắt dân chúng tuân theo, ai không tuân giữ rất dễ bị ném đá. Người thanh niên trong Tin mừng đã sống trọn vẹn tất cả các giới luật, quả là điều đáng trân trọng.
Chúa Giêsu yêu mến anh ta và đưa ra lời đề nghị : Anh chỉ còn thiếu mỗi một điều, là bán hết những gì anh có, cho người nghèo rồi đến theo Người. Thật đáng tiếc cho người thanh niên này, anh ta nghe lời đó của Chúa Giêsu thì sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Vì sao vậy? Thánh Máccô cho ta biết, vì anh ta có quá nhiều của cải. Anh ta không thể dứt được của cải trần thế – những của cải tạm bợ nay còn mai mất, để chiếm được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”.
Đứng trước sự kiện này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: người giàu khó vào nước Thiên Chúa, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn nhiều! Đây là một lối nói ngoa ngữ theo kiểu phương Đông. Bình thường thì con lạc đà – một loài vật sống rất nhiều trong các sa mạc ở Trung cận đông- to lớn, gồ ghề làm sao có thể chui lọt lỗ kim dùng để khâu vá áo quần. Thế nhưng đó lại là điều dễ hơn nhiều so với việc người giàu vì quyến luyến của cải trần thế nên không thể dứt bỏ để bước theo lời mời gọi sống Tin mừng của Chúa.
Như thế, xét cho cùng, người thanh niên trong Tin mừng tuân giữ các huấn lệnh của Chúa ngay từ nhỏ chỉ vì anh ta được sống trong một môi trường đầy đủ tiện nghi, giàu sang phú túc, nên anh không cảm thấy mất mát gì cả. Anh ta chưa nghiệm ra rằng những ai đi theo Chúa, sống cho Chúa, tuân giữ lời Chúa dạy và chung phần sự bách hại và mất mát như chính Chúa Giêsu để có thể chiếm trọn phần thưởng nước trời mai sau.
Phần chúng ta, những Kytô hữu của thời đại hôm nay, chúng ta đã, đang và sẽ theo Chúa ở mức độ nào? Có thể chúng ta là những người rất nhiệt thành tuân giữ các giới răn Thiên Chúa, là những người rất ngoan đạo nhưng chưa phải là người thánh để có thể chiếm trọn phần thưởng đời đời. Hãy duyệt xét lại cách thức và thái độ bước theo Chúa của mình. Bởi nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái “giậm chân tại chỗ” hoặc không còn nghĩ đến chuyện phải thăng tiến đời sống đạo mỗi ngày. Điều Chúa muốn không chỉ là việc tuân giữ các giới răn, siêng năng kinh lễ mỗi ngày mà còn là việc hướng đến tha nhân- những người nghèo khổ, để chia sẻ với họ những gì họ đang cần. “Trong tu viện tôi, có quá nhiều Tu sỹ tốt rồi. Tôi cần những Tu sỹ thánh”. Thiết nghĩ đây là bài học thiết thực nhất để chúng ta tự vấn lương tâm khi suy niệm về đoạn Tin mừng hôm nay.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb