Thứ Ba Tuần 18 TN.
Bài đọc: Numbers 12:1-13; Matthew 14:22-36.
Con người cần phân biệt rõ ràng hai lãnh vực trong cuộc đời: (1) lãnh vực tự nhiên, những gì con người có thể hiểu và điều khiển được; và (2) lãnh vực siêu nhiên, những gì con người cần sự trợ giúp và sức mạnh của Thiên Chúa vì chúng vượt quá sức con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhắn nhủ con người phải biết phân biệt hai lãnh vực này và tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi bà Miriam kiêu ngạo cho mình cũng có uy quyền của Thiên Chúa và nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa hoạt động qua ông Moses, Chúa đã phạt Bà bị cùi trong 7 ngày. Trong Phúc Âm, Chúa nhận lời yêu cầu của Phêrô và cho phép ông đi trên mặt nước như Chúa; nhưng khi ông sợ hãi sóng gió, ông bắt đầu chìm xuống và kêu cầu cùng Chúa. Ngài đến nắm tay và trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bà Miriam và ông Aaron nghi ngờ về thế giá của ông Moses.
1.1/ Lý do nghi ngờ: Bà Miriam và ông Aaron phản đối ông Moses về người đàn bà xứ Cushite mà ông đã lấy làm vợ. Họ nói: “Đức Chúa chỉ phán với một mình Moses sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?” Và Đức Chúa nghe được.
+ Cushite thường được dùng để chỉ nướcEthiopia, nhưng cũng có thể chỉ một phần của phía Bắc Arabia (Habakkuk 3:7). Rất có thể người đàn bà mà ông Moses lấy làm vợ là bà Zipporah của xứ Midian (Exodus 2:21).
+ Cuộc kết hôn với người phụ nữ nước ngoài chỉ là một lý do phụ thuộc cho sự chống đối; lý do thực sự là lòng ghen tỵ với địa vị của Moses như là một người trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và dân chúng. Bà Miriam và ông Aaron rất khôn ngoan che đậy lòng ghen tỵ của mình bằng cách nêu lên một lý do bên ngoài: ông Moses đã kết hôn với người nước ngoài! Họ muốn địa vị như của ông Moses, và muốn dân chúng kính phục họ như kính phục ông Moses.
+ Bà Miriam, người chị em của Aaron, được coi như là một nữ tiên tri (Exodus 15:20). Bài ca chiến thắng trong biến cố Xuất Hành được coi là của Bà.
+ Ông Moses là người “hiền lành” nhất trên đời. Danh từ Do-thái được dùng ở đây là “anawim,” có nghĩa là người biết khiêm nhường nhận ra vị thế của mình và biết kính sợ Thiên Chúa. Nếu phải dịch chính xác hơn: “người khiêm cung.” Tác giả muốn đối chiếu đức tính của ông Moses với bà Miriam.
1.2/ Thiên Chúa can thiệp: Đột nhiên Đức Chúa phán với ông Moses, ông Aaron và bà Miriam: “Cả ba hãy đi ra Lều Hội Ngộ!” Và ba người đã ra. Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và dừng lại ở cửa Lều. Người gọi ông Aaron và bà Miriam, và hai người đi ra. Thiên Chúa muốn làm sáng tỏ địa vị của Moses với địa vị của các ngôn sứ.
(1) Vị thế của ngôn sứ: Người phán: “Hãy nghe Ta nói đây! Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng.” Thị kiến và giấc mộng là hai hình thức phổ thông nhất Thiên Chúa dùng để chuyển thông những gì Ngài muốn nói cho các ngôn sứ, để họ loan báo lại cho dân chúng.
(2) Vị thế độc tôn của ông Moses: “Nhưng với Moses tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Moses, tôi tớ Ta?” Ông Moses là người duy nhất được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền mà không chết (Exodus 33:20).
1.3/ Thiên Chúa trừng phạt bà Miriam: Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với họ mà bỏ đi. Khi mây bốc lên khỏi Lều, thì bà Miriam bị cùi, mốc thếch như tuyết.
– Phản ứng của ông Aaron: Ông Aaron nói với ông Moses: “Lỗi tại tôi, thưa ngài, nhưng xin ngài đừng kết tội chúng tôi; chúng tôi đã dại dột mà phạm lỗi và đáng tội. Xin đừng để cho cô ấy nên như đứa chết yểu, vừa lọt lòng mẹ đã bị ăn mòn mất một nửa phần thịt mình rồi.” Tại sao Thiên Chúa không phạt Aaron? Có lẽ vì ông không chống đối ông Moses, nhưng chỉ hùa theo bà Miriam mà thôi.
– Phản ứng của ông Moses: Ông Moses kêu cầu lên Đức Chúa rằng: “Ôi, lạy Chúa, xin chữa lành cô ấy!” Ông Moses được Đức Chúa cho biết bà Miriam phải sống cách biệt với dân chúng trong 7 ngày; sau đó, Bà sẽ được chữa lành và cho trở về sống với dân chúng. Bà chết và được an táng khi con cái Israel đến sa mạc Sin (Numbers 20:1). Tính kiêu ngạo được nhiều tác giả ví như bệnh cùi hủi trước mặt Thiên Chúa có lẽ cũng là do từ biến cố này.
2/ Phúc Âm: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
2.1/ Các môn đệ sợ hãi khi phải đương đầu với gió bão: Sau khi đã làm phép lạ cho hơn 5,000 người ăn, Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao phép lạ này lại được các thánh-sử tường thuật ngay sau phép lạ “Bánh hóa nhiều?” Có người cho Chúa Giêsu muốn thử đức tin của các môn đệ để xem họ có tuyệt đối tin tưởng nơi uy quyền của Ngài không. Ý kiến khác cho Chúa Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ biết Ngài có toàn quyền trên các sức mạnh của thiên nhiên như: gió bão, sóng nước.
Từ trên núi, Chúa Giêsu có thể nhìn rõ những gì xảy ra trong Biển Hồ. Khi thấy các môn đệ vất vả chống trả với gió bão, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
2.2/ Hậu quả khi con người nghi ngờ Thiên Chúa: Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Ông đi được trên mặt nước vì ông hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, không một chút nghi ngờ gì nơi quyền năng của Ngài. Cuộc đời con người cũng thế, nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay uy quyền hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Người có đức tin làm được những chuyện vượt quá khả năng con người, vì họ được trợ giúp bởi uy quyền và sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Sự nghi ngờ xảy ra khi Phêrô quá chú tâm đến những nguy hiểm chung quanh và không hướng nhìn vào Chúa Giêsu; vì thế, ông sợ hãi và bắt đầu chìm. Chính Chúa Giêsu đã khiển trách khi Ngài nắm lấy tay ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
Sự hoài nghi là kẻ thù số một của đức tin: khi con người nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ tin tưởng nơi sức mạnh của họ hoặc những quyền lực của thế gian; và vì thế, họ bắt đầu xa lánh Thiên Chúa. Nhiều người còn cho cần gì phải trông chờ và van xin Thiên Chúa khi họ có thể làm được: kiếm tiền để sinh sống, cố gắng để thành công trong cuộc đời … Những người này sẽ nhận ra sự cần thiết của đức tin khi họ phải đương đầu với đau khổ, thất bại, bệnh tật, và những nguy hiểm khác trong cuộc đời; lúc mà sức mạnh con người không đủ để giúp họ vượt thoát. Lúc đó e quá muộn để họ bắt đầu trau dồi đức tin!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần học hỏi để biết mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới. Một thái độ kiêu căng không biết mình sẽ gây nhiều thiệt hại hơn làm lợi.
– Chúng ta cần có một đức tin vững mạnh và đừng bao giờ nghi ngờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Một đức tin như thế sẽ giúp chúng ta khi phải đương đầu với sóng gió của cuộc đời và vượt qua cách tốt đẹp.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP