Tôi Phải Làm Gì?

Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng – Năm C

what-should-we-doTrước lời mời gọi thôi thúc của của phụng vụ Mùa Vọng, mỗi người chúng ta cần đặt câu hỏi như đám đông dân chúng lúc họ đổ xô đến xin ông Gioan làm phép rửa: “Tôi phải làm gì?”. Câu hỏi không mang tính cộng đồng“chúng tôi”, mà mang tính cá nhân, được đặt ở trạng từ nhân xưng số ít “tôi”. Bởi lẽ những cố gắng đón Chúa không dừng lại ở những lời tuyên xưng tập thể như hô khẩu hiệu, nhưng phải tác động cá nhân từng người, nhờ đó cuộc đời của họ sẽ được biến đổi.

Thực thế, với bầu khí rộn ràng chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta cũng còn cần phải chuẩn bị đời sống nội tâm. “Tôi phải làm gì để đón Chúa?”, đó phải là câu hỏi mỗi người cần đặt ra. Những người đến cùng Gioan Tẩy giả gồm đủ mọi thành phần xã hội. Có hai hạng người được nêu rõ, đó là những người thu thuế và những binh lính. Trong quan niệm thông thường, họ là những người “tội lỗi khô khan” hoặc “thành phần bất hảo”. Ấy vậy mà trước lời rao giảng mạnh mẽ của Gioan Tẩy giả, họ đã khiêm tốn xin lời chỉ dẫn. Những đề nghị của Gioan Tẩy giả xem ra cũng rất đơn giản, nhưng phù hợp với từng hạng người. Chúng ta có thể tóm tắt  ở ba điểm:

Thứ nhất là bác ái: hãy chia cơm sẻ áo cho người nghèo, giúp đỡ người bất hạnh về tinh thần cũng như vật chất. Đây là lời khuyên phổ quát cho hết mọi người.

Thứ hai là không được áp bức người khác. Đề nghị này nhắm tới tôn trọng phẩm giá con người. Những người thu thuế hay hạch sách, hối lộ và vòi vĩnh. Đối với họ, sám hối cụ thể là sống trung thực và lương thiện.

Thứ ba là tôn trọng lẽ công bằng. Đề nghị này hướng tới sự tôn trọng quyền lợi vật chất của tha nhân. Những binh lính là những người luôn đòi hỏi lương bổng và thường hà hiếp dân. Gioan Tẩy giả đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể để họ sống tốt hơn.

Lời rao giảng của Gioan Tẩy giả không dừng lại ở lý thuyết. Bản thân ông đã thực hành điều ông loan báo. Nếu ông kêu gọi mọi người hãy bác ái, công bằng và khiêm tốn, thì liền sau đó, trước những lời bàn tán của dân chúng về thân thế và sự nghiệp của mình, ông chỉ tự nhận mình là người dọn đường. Theo lẽ đời, đây là cơ hội hiếm có để làm cho mình được nổi danh. Nhưng Gioan đã muốn làm cho Đấng Thiên sai mà ông loan báo được nổi lên. Ông đã từng tuyên bố, ông phải nhỏ đi, còn Chúa sẽ lớn lên trong quan niệm và đức tin của mọi người. Như biết bao người lao công miệt mài dọn đường, và khi con đường đã dọn xong, người lao công rút lui, nhường lại con đường sạch sẽ phong quang cho người đi lại. Gioan Tẩy giả cũng thế, sau khi đã dọn đường và giới thiệu Đấng xoá tội trần gian, sứ mệnh của ông đã hoàn tất.

Chỉ khi nào xác định và thực hiện những gì phải làm, chúng ta mới tìm được niềm vui và thực sự đón nhận Chúa đang đến với chúng ta. Ngôn sứ Sô-phô-ni-a trong Bài đọc I và Thánh Phaolô trong  thư gửi cộng đoàn Phi-líp-phê đã nhấn mạnh đến niềm vui của ngày Chúa đến.  Vâng, khi Chúa hiện diện trong cuộc đời, chúng ta chẳng còn chi sợ hãi. Y thức sự che chở của Chúa, chúng ta sẽ mạnh dạn bước đi trong sự tin yêu và phó thác.

Chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh, ước mong mỗi tín hữu đều đổi mới canh tân cuộc đời, nhờ đó họ trở nên những người loan báo tin vui trong một cuộc sống đầy đe dọa và lo âu. Bằng chính hành động và lối sống cụ thể, chúng ta có thể nói với anh chị em xung quanh chúng ta: đừng sợ, vì có Chúa đang hiện diện trong cuộc đời này. Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. hãy nhận ra Người và hãy đón tiếp Người với một trái tim chân thành, qua tình bạn hữu với tha nhân, tình bác ái với đồng loại và tình yêu thương với hết mọi người.

+Gm Vũ Văn Thiên

Giám Mục Hải Phòng