Tôn sùng Thánh Tâm là một việc thờ phượng rất phổ biến trong Hội Thánh Việt Nam.
Tượng ảnh Thánh Tâm được kính thờ đặc biệt tại các nhà thờ và các tư gia.
Việc kính thờ Thánh Tâm được thực hiện bằng nhiều cách. Như ca hát, đọc kinh, dâng mình. Có hình thức nhỏ. Có hình thức lớn.
Nói chung, tấm lòng người công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành. Tâm tình này là một cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt Chúa dành cho chúng ta.
Để tâm tình đạo đức này được tiếp tục kéo nhiều ơn Chúa xuống cho ta, nhất là trong thời buổi có nhiều thử thách về sống đạo như hiện nay, tôi xin phép trình bày một chia sẻ. Chia sẻ của tôi ở đây là nêu lên vài việc thiết tưởng nên nhấn mạnh trong việc tôn sùng Thánh Tâm.
1. Ăn năn sám hối
Ăn năn sám hối là việc cần thiết đầu tiên được nhắc đi nhắc lại trong Phúc Âm.
Thánh Gioan Baotixita, khi đi rao giảng dọn đường cho Chúa Cứu thế đến, Ngài luôn chọn đề tài ăn năn sám hối (x. Lc 1-18).
Chúa Giêsu khi khai mạc giai đoạn rao giảng Tin Mừng, cũng đã bắt đầu bằng việc khuyên người ta ăn năn sám hối. Phúc Âm kể: “Đức Giêsu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Chúa Giêsu, khi cảnh cáo con người về nguy cơ bị những tai hoạ khủng khiếp huỷ hoại, Người cũng khuyên mọi người hãy ăn năn sám hối (x. Lc 13,1-5).
Chúa Giêsu, khi sai các tông đồ đi các nơi để loan báo về Nước Trời, Người cũng nói rõ với các ông về sứ vụ phải khuyên người ta ăn năn sám hối. “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12).
Chúa Giêsu, khi dặn dò những lời sau hết, trước khi lên Trời, Người cũng đã nhấn mạnh với các tông đồ: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân…, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha thứ” (Lc 24,47).
Vâng lời Chúa Giêsu, các tông đồ đã làm như Thầy mình dạy.
Trong bài giảng thứ nhất, thánh Phêrô đã tha thiết khuyên dân: “Anh em hãy sám hối” (Cv 2,38).
Trong bài giảng thứ hai, thánh Phêrô lặp lại cũng lời khuyên đó: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Chúa” (Cv 3,19).
Cùng một đường lối như thánh Phêrô là đi giảng việc ăn năn sám hối, thánh Phaolô và các tông đồ khác đều hăng hái kêu gọi mọi người đổi mới con người của mình bằng việc ăn năn sám hối.
Trong các lần hiện ra, Đức Mẹ cũng nhắn nhủ các con cái Mẹ hãy ăn năn sám hối. Tất cả những việc đạo đức, mà Hội Thánh khuyên dạy chúng ta làm, bao giờ cũng mở đầu bằng việc thanh luyện tâm hồn chúng ta bằng việc ăn năn sám hối.
Nếu ăn năn sám hối là việc đặc biệt quan trọng như bước đầu cần thiết để thờ phượng Chúa, thì việc đó càng nên được chúng ta thực hiện trong mọi hình thức tôn sùng Thánh Tâm. Bởi vì chính Thánh Tâm là Tình yêu Chúa tạo dựng, cứu chuộc, nhưng dễ bị xúc phạm và bị bỏ quên. Chính tình yêu đó luôn lo lắng cho phần rỗi chúng ta. Người chỉ mong chúng ta hãy biết đón nhận ơn cứu chuộc bằng việc ăn năn sám hối chân thành.
Một điều thiết tưởng nên nhớ trong việc ăn năn sám hối, là cần để ý đến tính cách cụ thể. Ăn năn về tội gì? Sám hối về tính mê nết xấu nào? Quyết tâm ra sao để sửa đổi những hành vi, cử chỉ, ngôn từ, cách suy nghĩ, cách phán đoán trước đây không tốt. Phúc Âm thường hay dạy chúng ta về tính cách cụ thể trong việc ăn năn sám hối, để việc đổi mới chính mình được hữu hiệu.
Cùng với việc ăn năn sám hối, chúng ta còn nên nghĩ đến một việc nữa, khi tôn sùng Thánh Tâm. Việc đó là dâng mình cho Thánh Tâm.
2. Dâng mình cho Thánh Tâm
Để hiểu thế nào là dâng mình cho Thánh Tâm, chúng ta nên đọc và suy gẫm những lời Phúc Âm sau đây:
“Rồi, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?” (Mc 8,34-38).
Như thế, ai dâng mình cho Thánh Tâm cần thực hiện những việc sau đây:
Từ bỏ mình,
Vác thánh giá mình,
Theo Chúa Giêsu.
Thực hành những đòi hỏi trên đây được hiểu là thực thi thánh ý Chúa. Thực thi thánh ý Chúa là căn bản của tinh thần thờ phượng, đáng Chúa nhận là chứng từ thuộc về Chúa, như lời Chúa Giêsu phán:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Đừng vội cho rằng: Thực thi thánh ý Chúa với những đòi hỏi từ bỏ mình, vác thánh giá mình và theo Chúa là chọn cho mình một gánh nặng khổ cực. Nhưng hãy tin vào lời Chúa ủi an nhắn gởi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
Những lời Chúa hứa trên đây là một bảo đảm quý giá cho những ai tôn sùng Thánh Tâm Chúa một cách xứng đáng, nhất là theo gương Thánh Tâm mà sống bác ái và khiêm nhường Phúc Âm.
Cuộc đời là một cuộc giao tranh giữa thiện và ác. Xác thịt thì yếu đuối. Thế gian thì nông nổi. Quỷ thì độc dữ. Chúng thường lôi kéo chúng ta theo đàng tội. Chúng ta hãy khôn ngoan và tỉnh thức trong các chọn lựa.
Cách chọn lựa chắc chắn nhất là hãy nương tựa vào Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài rất gần gũi ta. Ta nương tựa bằng lòng tôn sùng với hai việc trọng yếu là sám hối và dâng mình.
Luôn luôn được ở lại trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là lời cầu đơn sơ của những tâm hồn bé mọn. Thiết tưởng đó cũng là tiếng gọi âm thầm của Thánh Tâm gởi tất cả mọi người thiện chí đã cảm nghiệm về tính cách mong manh của cuộc đời.
+GM GB Bùi Tuần