Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui của Tin Mừng – IV

TÔNG HUẤN

EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG

CHƯƠNG BỐN

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA VIỆC PHÚC ÂM HÓA

 

176. Phúc Âm hóa là làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện trên thế gian, nhưng “không có một định nghĩa bán phần hay vụn vặt nào có thể lý luận cho thực tại phong phú, phức tạp và năng động, được gọi là Phúc Âm hóa, mà không có nguy cơ bần cùng hóa và thậm chí bóp méo nó.” [140]  Giờ đây tôi muốn chia sẻ mối quan tâm của tôi về khía cạnh xã hội của việc truyền giáo một cách chính xác bởi vì, nếu chiều kích này không được làm sáng tỏ một cách đúng đắn, thì chúng ta luôn có nguy cơ làm biến dạng ý nghĩa thực sự và đầy đủ sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

I. Những ảnh hưởngcộng đồng và xã hội của lời công bố ban đầu (kerygma)41ztYVdacGL._AA258_PIkin4,BottomRight,-45,22_AA280_SH20_OU30_

177. Kerygma có một nội dung xã hội không thể tránh được: ở trung tâm của Tin Mừng, có đời sống cộng đồng và sự tham gia với những người khác.  Nội dung của lời công bố ban đầu có những tác động luân lý tức thì mà trung tâm của chúng là đức ái.

Tuyên xưng đức tin và cam kết xã hội

178. Tuyên xưng một Chúa Cha, Đấng yêu thương mỗi con người bằng một tình yêu vô hạn, nghĩa là khám phá ra rằng “Ngài ban cho họ một phẩm giá vô cùng”. [141]  Tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm của chúng ta có nghĩa là mỗi con người đã được đưa lên tận trái tim của chính Thiên Chúa.  Tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã đổ máu của Người ra vì chúng ta giúp chúng ta không còn nghi ngờ một chút nào về tình yêu vô biên là điều làm cho mỗi con người thành cao thượng.  Việc cứu chuộc của Người có một ý nghĩa xã hội bởi vì “Thiên Chúa trong Đức Kitô, cứu chuộc không những chỉ cá nhân, mà còn cả những liên hệ xã hội giữa con người”. [142]  Tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong tất cả mọi sự hàm ý công nhận rằng Ngài tìm cách thâm nhập vào mọi hoàn cảnh của con người và vào tất cả mọi liên hệ xã hội:  “Chúa Thánh Thần có một óc sáng tạo vô hạn, riêng biệt của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng biết làm sao để tháo gỡ những nút thắt của các vấn đề của con người, thậm chí cả những vấn đề phức tạp nhất và không thể dò được” [143].  Việc Phúc Âm hóa cũng tìm cách hợp tác với hành động giải phóng này của Chúa Thánh Thần.  Chính mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của sự hiệp thông ấy của Thiên Chúa, vì thế chúng ta không thể tự mình đạt được sự sung mãn hoặc tự cứu mình.  Từ trung tâm của Tin Mừng chúng ta nhận ra sự kết nối mật thiết giữa việc Phúc Âm hóa và thăng tiến con người, mà nhất thiết phải được diễn tả và phát triển trong mọi việc truyền giáo.  Việc chấp nhận lời công bố ban đầu, mời chúng ta đến để được Thiên Chúa yêu thương và yêu lại Ngài với tình yêu mà Ngài thông truyền cho chúng ta, gây ra trong cuộc sống và hành động của chúng ta một đáp trả đầu tiên và cơ bản: mong muốn, tìm kiếm và quan tâm đến hạnh phúc của những người khác.

179. Mối dây liên kết bất khả phân ly giữa việc tiếp nhận sứ điệp cứu độ và tình yêu huynh đệ chân chính được diễn tả trong một số đoạn văn của Thánh Kinh, là những đọan văn rất hay để suy nghĩ và suy niệm cẩn thận hầu rút ra mọi kết quả.  Đó là một sứ điệp mà chúng ta sử dụng quá thường xuyên và lặp lại gần như máy móc, tuy nhiên không chắc rằng nó có một tác động thực sự trong đời sống và trong cộng đồng của chúng ta.  Thói quen này thật là nguy hiểm và tai hại vì nó dẫn đến việc mất sự kinh ngạc, lòng say đắm và nhiệt tình để sống Tin Mừng của tình huynh đệ và công lý!  Lời Chúa dạy rằng người anh em là phần kéo dài thường trực của việc nhập thể cho mỗi người chúng ta: “Mỗi lần các con làm như vậy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, chính là các con đã làm cho Ta” (Mt 25:40).  Tất cả những điều chúng ta làm cho người khác đều có một chiều kích siêu việt: “các con đong đấu nào, thì các con cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Mt 7:2); nó tương ứng với lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Hãy có lòng thương xót, như Cha các con là Ðấng hay thương xót.  Ðừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán.  Ðừng kết án để khỏi bị kết án.  Hãy tha thứ, thì sẽ được tha thứ.  Hãy cho, thì sẽ được cho lại […]  Vì các con lấy đấu nào mà đong, thì các con sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6:36-38).  Những đoạn văn trên diễn tả sự ưu tiên tuyệt đối của “việc ra khỏi chính mình để đi về phía anh em của mình”, là một trong hai điều răn chính làm nền tảng cho tất cả các qui tắc luân lý và là dấu chỉ rõ ràng nhất để phân biệt trên cuộc hành trình tăng trưởng tâm linh ngõ hầu đáp lại hồng ân hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa.  Chính vì lý do này mà “ ngay cả việc phục vụ của đức ái cũng là một chiều kích cấu thành của việc truyền giáo của Hội Thánh và là một cách diễn tả không thể thiếu được về bản chất Hội Thánh”. [144]  Như thế, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo, vì vậy chắc chắn bản chất này phải phát sinh ra hiệu quả đức ái đối với những người lân cận, là lòng trắc ẩn, cảm thông, giúp đỡ và khuyến khích họ.

Nước Thiên Chúa mời gọi chúng ta

180. Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy rõ ràng là đề nghị của Tin Mừng không chỉ bao hàm mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa.  Và ngay cả sự đáp trả yêu thương của chúng ta cũng không chỉ được hiểu như là tổng số của những cử chỉ cá nhân nho nhỏ đối với một số người đang túng thiếu, là điều tạo thành một loại “thực đơn bác ái theo món”, một loạt các hành động chỉ nhằm mục đích xoa dịu lương tâm của chúng ta.  Đề nghị này của Tin Mừng Nước Thiên Chúa (Lc 4:43); nó nói về yêu mến Thiên Chúa, là Đấng cai trị trên thế gian.  Theo mức độ mà Ngài có thể trị vì trong chúng ta, đời sống xã hội sẽ là một không gian của tình huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người.  Vì vậy, lời loan báo như kinh nghiệm Kitô giáo có khuynh hướng ảnh hưởng đến xã hội.  Chúng ta tìm Vương Quốc của Ngài: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những điều khác, Ngài cũng sẽ ban thêm cho” (Mt 6:33).  Dự án của Chúa Giêsu là thiết lập Nước của Cha Người, Người đòi buộc các môn đệ: “Hãy rao giảng rằng Nước Trời đã gần” (Mt 10:7).

181. Được tiên liệu và đang lớn lên giữa chúng ta, Nước Thiên Chúa liên hệ đến tất cả mọi sự và nhắc nhở chúng ta về nguyên tắc phân biệt này mà Đức Phaolô VI đã đề ra liên quan đến sự phát triển thực sự: “Mọi người và toàn thể con người”. [145]  Chúng ta biết rằng “việc truyền giáo sẽ không được hoàn thành nếu không kể đến những liên hệ cụ thể và thường trực giữa việc Phúc Âm hóa và đời sống, cả cá nhân lẫn xã hội của con người”. [146]  Đây là tiêu chuẩn của sự phổ quát, của sự năng động của Tin Mừng, vì Chúa Cha muốn mọi người được cứu độ và kế hoạch cứu độ của Ngài nhằm kết hợp tất cả mọi sự trên trời và dưới đất lại với nhau, dưới quyền một Chúa, là Đức Kitô (x. Ephesians 1:10).  Mệnh lệnh Chúa truyền cho chúng ta là: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15), bởi “vì sự tha thiết mong chờ của tạo vật, đợi ngày con cái Thiên Chúa được tỏ ra” (Rm 8:19).  Toàn thể tạo vật cũng có nghĩa là tất cả các khía cạnh của bản tính con người, do đó “sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô có một mục tiêu phổ quát.  Mệnh lệnh về đức ái bao trùm tất cả mọi khía cạnh của đời sống, tất cả mọi người, tất cả mọi lãnh vực của đời sống xã hội và tất cả mọi dân tộc.  Không có gì là nhân bản mà con người có thể xa lạ với”. [147]  Niềm hy vọng Kitô giáo đích thực, là tìm kiếm Vương Quốc cánh chung, luôn luôn tạo ra lịch sử.

Giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội

182. Các giáo huấn của Hội Thánh về những tình trạng đột xuất là những đề tài của những khai triển lớn hơn hoặc những khai triển mới và có thể là chủ đề để thảo luận, nhưng chúng ta không thể làm gì hơn là phải cụ thể – mà không tự nhận là đi vào chi tiết – bởi vì những nguyên tắc xã hội lớn không chỉ là những dấu chỉ đơn giản tổng quát không thách đố bất cứ ai.  Chúng ta phải rút ra được những kết quả thực tế bởi vì “chúng có thể có một tác động lớn hơn trên các tình trạng phức tạp ngày nay”. [148]  Các mục tử, khi chấp nhận sự đóng góp của các ngành khoa học khác nhau, có quyền đưa ra ý kiến ​​về tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống dân chúng, vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ngụ ý và đòi hỏi một sự thăng tiến hoàn toàn của mọi con người.  Chúng ta không còn có thể nói rằng tôn giáo phải được giới hạn trong lĩnh vực tư nhân và chỉ tồn tại để chuẩn bị các tâm hồn cho thiên đàng.  Chúng ta biết rằng Thiên Chúa cũng muốn con cái Ngài được hạnh phúc ở dưới đất này, mặc dù họ được mời gọi đến sự viên mãn đời đời, vì Ngài tạo ra tất cả mọi sự “để cho chúng ta được hưởng dùng” (1 Tim 6:17), để mọi người có thể thưởng thức chúng.  Kế đến, việc hoán cải của Kitô hữu phải được xem xét lại “đặc biệt là tất cả những gì liên quan đến trật tự xã hội và đạt đến công ích”. [149]

183. Kết quả là, không ai có thể buộc tôn giáo phải giới hạn vào phạm vi riêng tư của cuộc sống con người, mà không được phép có bất kỳ ảnh hưởng nào đến đời sống xã hội và quốc gia, không được phép bận tâm đến sự lành mạnh của các tổ chức xã hội dân sự, cũng không được phép bày tỏ ý kiến về những biến cố liên quan đến các công dân.  Ai dám khóa kín trong một ngôi nhà thờ và bịt kín sứ điệp của Thánh Phanxicô Assisi và Chân Phước Têrêxa thành Calcutta?  Các ngài không thể chấp nhận nó.  Một đức tin đích thực – là đức tin không bao giờ thoải mái và hoàn toàn cá nhân – luôn luôn hàm ý một ước muốn sâu xa để thay đổi thế giới, để truyền đạt các giá trị, để lại một điều gì đó tốt hơn sau khi chúng ta qua đi.  Chúng ta yêu mến hành tinh xinh đẹp này, nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, và chúng ta yêu thương nhân loại sinh sống trên đó, với tất cả những bi kịch của nó và những sự mệt mỏi của nó, với những khát vọng và những hy vọng của nó, với các giá trị và sự mong manh của nó.  Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, và tất cả chúng ta đều là anh em.  Mặc dù “trật tự công bằng của xã hội và của quốc gia là nhiệm vụ chính của chính trị”, Hội Thánh “không thể và không được đứng yên bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”. [150]  Tất cả các Kitô hữu, kể cả các mục tử, được mời gọi để chăm lo cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.  Sở dĩ như thế, vì tư tưởng xã hội của Hội Thánh chủ yếu là tích cực và chủ động, nó đưa ra những đề nghị, hướng đến những hành động có sức biến đổi, và theo nghĩa này, nó không ngừng là một dấu chỉ của hy vọng vọt ra từ trái tim đầy yêu thương của Đức Chúa Giêsu Kitô.  Đồng thời, nó kết hợp “những nỗ lực của nó với những nỗ lực trong lĩnh vực xã hội của các Hội Thánh và Cộng Đoàn Hội Thánh khác, cả ở mức độ suy tư về tín lý lẫn mức độ thực tế”. [151]

184. Đây không phải lúc để khai triển tất cả các vấn đề xã hội quan trọng đánh dấu thế giới hiện nay, tôi đã nhận xét về một số vấn đề đó ở chương thứ hai.  Đây cũng không phải là một tài liệu xã hội, và để suy nghĩ về các chủ đề khác nhau, chúng ta đã có một tài liệu rất đầy đủ trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Hội Thánh Công giáo, là tài liệu mà tôi hết lòng đề nghị anh chị em sử dụng và nghiên cứu.  Ngoài ra, không phải Giáo Hoàng hay Hội Thánh có độc quyền giải thích các thực tại xã hội hay đề ra những giải pháp cho các vấn đề hiện đại.  Ở đây tôi có thể nhắc lại những gì mà Đức Phaolô VI đã nói rõ ràng: “Đối diện với những tình trạng rất khác nhau như vậy, rất khó cho chúng tôi để nói lên một sứ điệp duy nhất, và đề ra một giải pháp có giá trị phổ quát.  Hơn nữa, đây không phải là tham vọng của chúng tôi, cũng không phải là sứ vụ của chúng tôi.  Điều đó tùy thuộc vào các cộng đồng Kitô hữu để phân tích cách khách quan tình trạng thích hợp với đất nước của họ”. [152]

185. Trong phần dưới đây tôi sẽ cố gắng tập trung vào hai vấn đề chính mà tôi nghĩ là rất thiết yếu ở thời điểm này trong lịch sử.  Tôi sẽ khai triển chúng một cách đầy đủ hơn bởi vì tôi nghĩ rằng chúng sẽ quyết định tương lai của nhân loại.  Đó là, trước hết, việc hòa nhập xã hội của người nghèo, và thứ đến, là hòa bình và đối thoại xã hội.

II. Việc hòa nhập xã hội của người nghèo

186. Từ đức tin của chúng ta trong Đức Kitô, Đấng trở nên nghèo khó, và luôn luôn gần gũi với những người nghèo và những người bị loại trừ, phát sinh mối quan tâm cho sự phát triển trọn vẹn của hầu hết những người bị xã hội bỏ rơi.

Kết hợp với Thiên Chúa chúng te nghe thấy một tiếng kêu

187. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng được mời gọi để trở thành công cụ của Thiên Chúa trong việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, ngõ hầu họ có thể gia nhập cách trọn vẹn vào xã hội; và điều này giả định rằng chúng ta ngoan ngoãn và chú ý lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và cứu họ.  Chỉ cần đọc lướt qua Thánh Kinh là đủ để chúng ta khám phá ra Chúa Cha, Đấng Nhân Lành, muốn nghe tiếng kêu của người nghèo như thế nào: “Ta đã thấy rõ nỗi cực khổ của dân Ta tại Ai Cập, và nghe thấu tiếng kêu rên của chúng vì bị các quản đốc hành hạ; phải, Ta biết sự đau khổ của chúng.  Ta ngự xuống để giải thoát chúng… hãy đi, Ta sẽ sai ngươi” (Xh 3:7-8,10), và điều này cho thấy sự lo lắng cho nhu cầu của họ: “Rồi dân Israel kêu cầu cùng Đức Chúa, và Đức Chúa đưa ra cho họ một vị cứu tinh” (Tl 3:15).  Tiếp tục giả điếc trước tiếng kêu ấy, khi chúng ta là những công cụ của Thiên Chúa để lắng nghe người nghèo, đặt chúng ta ra ngoài Thánh Ý của Chúa Cha và kế hoạch của Ngài, bởi vì người nghèo “kêu Đức Chúa tố cáo anh em, và anh em sẽ mang tội” (Đnl 15:9).  Và sự thiếu đoàn kết trước nhu cầu của họ trực tiếp ảnh hưởng đến mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa: “Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa ngươi, thì Đấng tạo thành ra nó sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện” (Hc 4:6).  Câu hỏi xưa kia luôn luôn quay trở lại: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình túng quẫn, mà đóng lòng lại đối với họ, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17).  Chúng ta  hãy nhớ Thánh Tông Đồ Giacôbê đã nói một cách thẳng thừng thế nào về tiếng kêu của người bị áp bức: “Tiền lương của những người thợ gặt trong ruộng các người mà các người đã giữ lại cách gian lận đang kêu lên, và tiếng kêu của những người thợ ấy đã đến tai Chúa toàn năng” (Gb 5:4).

188. Hội Thánh nhìn nhận rằng nhu cầu phải lắng nghe tiếng kêu này xuất phát từ công trình giải phóng của chính ân sủng trong mỗi người chúng ta, vì vậy đây không phải là một sứ vụ chỉ dành riêng cho một số người: “Hội Thánh, được hướng dẫn bởi Tin Mừng của lòng thương xót và tình yêu dành cho con người, lắng nghe tiếng kêu khóc đòi công lý và muốn trả lời nó bằng tất cả sức lực của mình”. [153]  Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu mệnh lệnh của Chúa Giêsu với các môn đệ, “các con hãy cho họ ăn” (Mc 6:37), và điều này bao gồm cả việc hợp tác để giải quyết những nguyên nhân cấu trúc của nạn nghèo đói và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người nghèo, cũng như những cử chỉ đơn giản nhất hàng ngày của tình đoàn kết khi đối diện với đau khổ rất cụ thể mà chúng ta gặp.  Từ “đoàn kết” có vẻ hơi cũ rích và đôi khi bị hiểu lầm, nhưng biểu thị nhiều hơn một vài cử chỉ rộng lượng không mấy thường xuyên.  Nó đòi hỏi chúng ta phải tạo ra một não trạng mới, là não trạng biết suy nghĩ theo cộng đồng, về ưu tiên cho cuộc sống của tất cả mọi người so với việc làm chủ của cải của một số ít người.

189. Đoàn kết là một phản ứng tự nhiên của những người công nhận chức năng xã hội của tài sản và mục tiêu phổ quát của của cải như là những thực thể đến trước việc sở hữu riêng.  Việc sở hữu của cải cách riêng tư được biện minh bằng nhu cầu cần phải giữ chúng lại và gia tăng chúng, để chúng có thể phục vụ công ích cách tốt hơn, đó là lý do tại sao mà tình đoàn kết phải sống như quyết định trả lại cho người nghèo những gì thuộc về họ.  Những xác tín và việc thi hành tình đoàn kết này, một khi được thực hiện, sẽ mở đường cho những thay đổi cấu trúc khác và làm cho chúng khả thi.  Nếu một sự thay đổi cấu trúc không tạo ra những niềm tin và những thái độ mới, thì chính cấu trúc ấy không sớm thì muộn cũng sẽ bị mục nát, nặng nề và vô hiệu.

190. Đôi khi chúng ta phải lắng nghe tiếng kêu của toàn thể dân chúng, của những dân nghèo nhất trên thế giới, bởi vì “hòa bình không chỉ dựa trên sự tôn trọng các quyền của con người, mà cả quyền của các dân tộc”. [154]  Thật đáng buồn, khi ngay cả nhân quyền cũng có thể bị sử dụng để biện minh cho việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân hoặc của những người giàu có nhất.  Trong khi tôn trọng sự độc lập và nền văn hóa của mỗi quốc gia, chúng ta luôn luôn phải nhớ rằng hành tinh này thuộc về toàn thể nhân loại cùng dành cho toàn thể nhân loại, và sự kiện một người bị sinh ra ở những nơi có ít tài nguyên hay kém phát triển không thể biện minh cho việc họ phải sống với ít nhân phẩm hơn.  Phải nói rằng “những người may mắn hơn nên khước từ một số quyền lợi của họ để đặt của cải của họ cách quảng đại hơn vào việc phục vụ những người khác”. [155]  Muốn nói một cách thích đáng về những quyền lợi của mình, chúng ta phải mở rộng tầm mắt và tai của mình ra để nghe được tiếng than khóc của các dân khác và các vùng khác ngoài những vùng của đất nước chúng ta.  Chúng ta cần phải lớn lên trong một tinh thần đoàn kết, là điều “cho phép tất cả mọi người tự sức mình trở thành những kiến trúc sư của vận mệnh của mình” [156] cũng như “mỗi con người được mời gọi để tăng trưởng”. [157]

191. Ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh, các Kitô hữu, được khuyến khích bởi các mục tử của họ, được mời gọi để lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo, như đã được Hội Đồng Giám Mục Ba Tây xác quyết cách hùng hồn: “Chúng tôi muốn uống mỗi ngày, những niềm vui và hy vọng, những buồn phiền và lo lắng của người dân Ba Tây, đặc biệt là những người ở các vùng ngoại ô và nông thôn – những người không có đất đai, không có nhà cửa, không có thức ăn, không có sức khỏe – những quyền lợi của họ bị vi phạm.  Nhìn thấy sự khốn cùng của họ, nghe được tiếng kêu la của họ và biết được những đau khổ của họ, chúng tôi rất phẫn nộ vì biết rằng có đủ thức ăn cho tất cả mọi người, và rằng nạn đói này là do sự phân phối của cải và lợi tức cách tồi tệ.  Vấn đề trở nên tồi tệ hơn nữa là sự phung phí ở khắp nơi”. [158]

192. Tuy nhiên, chúng ta còn muốn nhiều hơn nữa, giấc mơ của chúng ta là bay cao hơn.  Chúng ta không chỉ nói đến việc đảm bảo thực phẩm hoặc một “sinh kế xứng đáng” cho tất cả mọi người, nhưng còn muốn rằng mọi người có được “sự thịnh vượng trong nhiều khía cạnh của nó”. [159]  Các khía ấy có nghĩa là giáo dục, tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt là việc làm, bởi vì trong sự lao động tự do, sáng tạo, sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau, con người diễn tả và nâng cao phẩm giá của chính đời sống họ.  Một mức lương công bằng cho phép họ sử dụng tất cả những của cải khác, là những điều được trù liệu để sử dụng chung.

Trung thành với Tin Mừng để không chạy cách vô ích

193. Mệnh lệnh nghe tiếng kêu của người nghèo thành nhục thể trong chúng ta khi chúng ta cảm động sâu xa nhất trước sự đau khổ của người khác.  Chúng ta hãy đọc một số giáo huấn của Lời Chúa về lòng thương xót, để chúng vang dội mãnh liệt trong đời sống của Hội Thánh.  Tin Mừng tuyên bố: “Phúc cho những ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót” (Mt 5:7).  Thánh Tông Đồ Giacôbê dạy rằng lòng thương xót dành cho tha nhân cho phép chúng ra khỏi cuộc phán xét của Thiên Chúa trong chiến thắng: “Anh em hãy nói và làm như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do.  Vì Người sẽ xét xử cách không thương xót những kẻ không biết thương xót; nhưng lòng thương xót thắng việc xét xử” (2:12-13).  Trong văn bản này, Thánh Giacôbê tỏ ra là người thừa kế sự phong phú lớn lao về tâm linh của người Do Thái thời hậu lưu đầy, là gắn liền một giá trị cứu độ đặc biệt với lòng thương xót: “Làm nhẹ bớt tội bằng cách làm việc lành, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, may ra thời thịnh vượng của ngài sẽ được kéo dài thêm” (Dan 4:24).  Trong cùng một quan điểm này, văn chương Khôn Ngoan nói về bố thí như thực thi cách cụ thể lòng thương xót đối với những người nghèo: “Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tob 12:9).  Sách Huấn Ca cũng diễn tả nó một cách mềm dẻo hơn: “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi” (Hc 3:30).  Tổng hợp tương tự được chứa đựng trong Tân Ước: “Trên hết mọi sự, hãy nhiệt tình yêu thương nhau, vì đức ái che phủ vô vàn tội lỗi” (1 Phr 4:8).  Chân lý này thấm nhập một cách sâu xa vào não trạng của các Giáo Phụ của Hội Thánh và gây ra một sức đề kháng tiên tri, như một nền văn hóa khác, chống lại nền văn hóa theo chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân của ngoại giáo.  Chúng ta chỉ cần nhớ một thí dụ: “Khi chúng ta đang có nguy cơ bị cháy, chắc chắn là chúng ta chạy đến nước để cố gắng tắt lửa, […] cùng một cách, nếu rơm của chúng ta bị bén lửa tội lỗi, và vì thế mà chúng ta lo lắng, thì khi nào chúng ta có dịp thực hiện một việc thương xót, chúng ta hãy vui mừng vì việc ấy, như thể nó là một nguồn được ban cho chúng ta để chúng ta có thể dập tắt lửa”. [160]

194. Đó là một sứ điệp quá rõ ràng, quá trực tiếp, quá đơn giản và hùng hồn, mà không một cách chú giải nào của Hội Thánh có quyền tương đối hóa nó.  Suy nghĩ của Hội Thánh về những câu này không được phép che khuất hoặc làm suy yếu ý nghĩa khuyên bảo của chúng, nhưng giúp biến chúng thành của riêng mình với lòng can đảm và nhiệt tình.  Tại sao lại làm cho những gì đơn giản ra phức tạp?  Những công cụ khái niệm hiện diện để thúc đẩy việc tiếp xúc với những thực tại mà chúng ta muốn giải thích, và không làm cho chúng ta xa chúng.  Điều này đặc biệt áp dụng cho những lời khuyên nhủ trong Thánh Kinh, là những lời mời chúng ta, với nhiều quyết tâm, đến tình huynh đệ, đến việc phục vụ khiêm tốn và đại lượng, đến công lý, đến lòng thương xót đối với người nghèo.  Chúa Giêsu đã dạy chúng ta con đường nhận biết người khác qua những lời nói và hành động của họ.  Tại sao lại làm lu mờ những gì quá rõ ràng?  Chúng ta đừng chỉ bận tâm với sai lạc về tín lý, mà còn phải bận tâm với việc trung thành với lối sống đầy ánh sáng và sự khôn ngoan này.  Bởi vì “những người bảo vệ ‘sự chính thống’ đôi khi bị kết án là thụ động, được nuông chiều hay có lỗi vì đồng lõa trong những tình trạng bất công và không thể chấp nhận được và những chế độ chính trị muốn duy trì những tình trạng ấy”. [161]

195. Khi Thánh Phaolô đến cùng các Tông Đồ ở Giêrusalem để phân định xem ngài đã chạy đúng đường hay đã chạy vô ích (x. Gl 2:2), tiêu chuẩn chính của tính xác thực mà các Tông Đồ vạch ra cho ngài là đừng quên những người nghèo (x. Gl 2:10).  Nguyên tắc vĩ đại này, là các cộng đồng của Thánh Phaolô không được phép để cho họ bị lôi kéo vào lối sống theo cá nhân chủ nghĩa của dân ngoại, là điều liên hệ cách đáng kể với bối cảnh hiện nay, là bối cảnh có xu hướng phát triển một chủ nghĩa cá nhân ngoại giáo mới.  Chúng ta không thể luôn luôn diễn tả đầy đủ nổi vẻ đẹp của Tin Mừng, nhưng có một dấu chỉ mà chúng ta không bao giờ được thiếu: là chọn thương yêu những người bé mọn, những người bị xã hội ruồng bỏ và loại trừ.

196. Đôi khi chúng ta cũng cứng lòng và cứng đầu, chúng ta hay quên, chúng ta quá ham vui và bị kích động bởi những dịp để tiêu thụ và tiêu khiển vô giới hạn được cung cấp bởi xã hội hiện đại.  Vì vậy, nó tạo ra một loại xa lạ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, bởi vì “một xã hội trở nên xa lạ khi những hình thức của tổ chức xã hội, của sản xuất và tiêu thụ làm cho việc hy sinh tự hiến và thiết lập tình đoàn kết giữa con ngưởi trở nên khó khăn hơn.” [162]

Chỗ đứng đặc quyền của người nghèo trong Dân Thiên Chúa

197. Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Người “trở nên nghèo” (2 Cor 8:9).  Toàn thể cuộc hành trình cứu chuộc của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của những người nghèo.  Ơn cứu độ này đã đến với chúng ta qua lời “xin vâng” của một thiếu nữ khiêm tốn từ một ngôi làng xa xôi nhỏ bé ở vùng ngoại vi của một đế quốc vĩ đại.  Đấng Cứu Thế đã được sinh ra trong máng cỏ, giữa những thú vật, như trường hợp những đứa con của những người nghèo nhất; được dâng trong đền thờ với hai con chim câu, lễ vật của những người không có khả năng dâng một con chiên (x. Lc 2,24; Lev 5:7); lớn lên trong một ngôi nhà của người lao động đơn giản và làm việc với đôi bàn tay của mình để kiếm được bánh mà ăn.  Khi Người bắt đầu công bố Nước Thiên Chúa, đám đông những kẻ bị bóc lột đã theo Người, và do đó minh họa những gì chính Người đã nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu cho Tôi và sai Tôi đi để mang Tin Mừng đến cho những người nghèo” (Lc 4:18);  cho những người đang gánh nặng với đau buồn, bị áp bức bởi sự nghèo khổ, đảm bảo cho họ rằng Thiên Chúa đang dành cho họ một chỗ đặc biệt trong quả tim Ngài: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20), và Người đã tự đồng với họ: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn”, và đã dạy rằng lòng thương xót đối với họ là chìa khóa của Thiên Đàng (x. Mt 25:35 tt).

198. Đối với Hội Thánh, việc chọn thương yêu người nghèo chủ yếu là một loại chọn lựa thần học hơn là loại chọn lựa văn hóa, xã hội học, chính trị hay triết học.  Thiên Chúa ban cho họ “lòng thương xót trước”. [163]  Sở thích này của Thiên Chúa có những kết quả trong đời sống đức tin của mọi Kitô hữu, được gọi là có “tâm tư cũng là tâm tư ở trong Ðức Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2:5).  Được linh hứng bởi đó, Hội Thánh đã có một lựa chọn cho người nghèo được hiểu như một “hình thức đặc biệt ưu đãi trong việc thực thi bác ái Kitô giáo, mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh làm chứng” [164]  Đức Bênêđictô XVI dạy rằng sự chọn lựa này “tiềm ẩn trong đức tin vào một Thiên Chúa của Kitô giáo chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó vì chúng ta, để làm cho chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Người”. [165]  Đó là lý do tại sao tôi muốn có một Hội Thánh nghèo cho người nghèo.  Họ có nhiều điều để dạy chúng ta.  Ngoài việc chia sẻ sensus fidei [cảm thức đức tin], họ còn biết Đức Kitô chịu đau khổ qua những đau khổ của họ.  Chúng ta cần phải để cho mình được họ Phúc Âm hóa.  Tân Phúc Âm hóa là một lời mời gọi để nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ và đặt họ ở trung tâm của con đường hành hương của Hội Thánh.  Chúng ta được mời gọi để tìm thấy Đức Kitô trong họ, để cho họ mượn tiếng nói của mình mà nói lên những lý do của họ, nhưng còn là bạn bè của họ, lắng nghe họ, hiểu họ và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn truyền thông qua họ.

199. Việc dấn thân của chúng ta không chỉ hệ tại các hoạt động hay các chương trình cổ động và hỗ trợ; điều mà Chúa Thánh Thần động viên không phải là một sự hiếu động thái quá, nhưng trước hết một chú tâm đến những người khác, “coi họ như một với mình”. [166]  Chú tâm yêu thương này là khởi đầu của một mối quan tâm thực sự đối với con người của họ, và từ đó tôi muốn tìm kiếm sự tốt lành của họ một cách có hiệu quả.  Điều này ngụ ý đánh giá cao những người nghèo trong sự tốt lành của họ, với con người thật của họ, với nền văn hóa của nó, với cách sống đức tin của họ.  Tình yêu chân thật luôn luôn là chiêm niệm, cho phép chúng ta phục vụ lẫn nhau không vì nhu cầu của mình hoặc vì khoe khoang, nhưng vì người kia đẹp vượt trên và vượt ra ngoài những vẻ bề ngoài.  “Từ tình yêu mà chúng ta thấy người khác dễ thương dẫn chúng ta đến việc tặng họ một điều gì đó một cách nhưng không”. [167]  Người nghèo, khi được yêu thương, thì “được coi trọng như có giá trị lớn lao”, [168] và đây là những gì làm cho việc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo khác với những ý thức hệ, khác với bất kỳ ý đồ nào nhằm sử dụng người nghèo để phục vụ những quyền lợi cá nhân hay chính trị.  Chỉ từ sự gần gũi thực sự và thân thiện này mà chúng ta có thể đồng hành với họ cách đầy đủ trong cuộc hành trình giải phóng.  Chỉ có điều này sẽ làm cho “những người nghèo có thể cảm thấy thoải mái trong mọi cộng đồng Kitô hữu ‘như ở nhà’.  Cách này không phải là cách trình bày hay nhất và có hiệu quả nhất về Tin Mừng của Nước Thiên Chúa sao?” [169]  Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, “việc công bố Tin Mừng, là việc bác ái đầu tiên, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc bị chìm trong đại dương của những ngôn từ mà xã hội thông tin đại chúng ngày nay phô bày cho chúng ta hàng ngày”. [170]

200. Vì Tông Huấn này được gửi đến các thành viên của Hội Thánh Công giáo, tôi đau lòng mà nói rằng việc kỳ thị tồi tệ nhất mà những người nghèo đang phải chịu là thiếu sự chăm sóc tinh thần.  Đại đa số người nghèo có một lòng cởi mở đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa, và chúng ta không thể không cung cấp cho họ tình bằng hữu của Ngài, phúc lành của Ngài, Lời của Ngài, việc cử hành các Bí Tích và đề nghị một con đường tăng trưởng và trưởng thành trong đức tin.  Sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo cần phải được phản ảnh chủ yếu trong việc quan tâm đến đặc quyền và ưu tiên về tôn giáo của họ.

201. Không ai được nói rằng mình tránh xa những người nghèo vì những lựa chọn của đời sống buộc họ phải chú ý hơn đến các nhiệm vụ khác.  Đây là một bào chữa được dùng thường xuyên trong giới khoa bảng, kinh doanh, chuyên nghiệp, và ngay cả những người làm việc trong Hội Thánh.  Mặc dù chúng ta có thể nói chung chung rằng ơn gọi và sứ vụ của giáo dân là biến đổi các thực tại trần thế khác nhau ngõ hầu mọi hoạt động của con người được biến đổi bởi Tin Mừng, [171] không ai được nghĩ rằng mình được miễn trừ nhiệm vụ quan tâm đến người nghèo và công bằng xã hội: “Việc hoán cải tinh thần, cường độ của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, lòng nhiệt thành với công lý và hòa bình, ý nghĩa Tin Mừng của người nghèo và sự nghèo đói là điều đòi buộc tất cả mọi người”. [172]  Tôi e rằng những lời này có thể trở thành chủ đề của một số bình luận không thực sự có bất kỳ tác dụng thực tế nào.  Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào sự cởi mở và những chuẩn bị tốt đẹp của các Kitô hữu, và tôi yêu cầu anh chị em, như một cộng đoàn, hãy tìm những cách thức mới để đón nhận đề nghị canh tân này.

Nền kinh tế và sự phân chia lợi tức

202. Sự cần thiết phải giải quyết những nguyên nhân cơ cấu của nghèo đói là điều chúng ta không thể chờ đợi được, không chỉ vì nhu cầu thực tế để đạt được kết quả và trật tự xã hội, nhưng còn để chữa nó khỏi một căn bệnh làm cho nó yếu đi và không còn giá trị và sẽ chỉ đưa nó đến những cuộc khủng hoảng mới.  Những kế hoạch an sinh, là kế hoạch giải quyết một số nhu cầu khẩn cấp, chỉ được coi như những đáp ứng tạm thời.  Bao lâu mà vấn đề về người nghèo chưa được giải quyết một cách tận gốc bằng cách bác bỏ quyền tự chủ tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính, cùng tấn công những nguyên nhân cấu trúc của sự bất bình đẳng, [173] thì không giải quyết được các vấn đề của thế giới và cuối cùng cũng chẳng giải quyết được vấn đề nào.  Sự bất bình đẳng là cội rễ của các tệ nạn xã hội.

203. Phẩm giá của mỗi con người và công ích là những vấn đề phải trở nên cấu trúc của tất cả các chính sách kinh tế, nhưng đôi khi chúng bị coi như những phụ lục được thêm vào từ bên ngoài để hoàn thành một bài diễn văn chính trị mà không có những quan điểm hoặc những chương trình phát triển toàn diện thật sự.  Biết bao nhiêu lời đã trở thành khó chịu đối với hệ thống này!  Nó khó chịu khi nói về đạo đức, nó khó chịu khi nói về tinh thần đoàn kết toàn cầu, nó khó chịu khi nói về phân phối của cải, nó khó chịu khi nói về bảo vệ lao động, nó khó chịu khi nói về phẩm giá của những người yếu đuối, nó khó chịu khi nói về một Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi một sự dấn thân cho công lý.  Những lần khác các lời này ngẫu nhiên trở thành chủ đề của những lý luận thao túng theo cơ hội chủ nghĩa nhằm làm giảm giá trị của chúng.  Sự thờ ơ thoải mái trước những vấn đề này làm cho đời sống và lời nói của chúng ta mất hết ý nghĩa.  Ơn gọi của một doanh nhân là một công việc cao quý, miễn là người ấy để cho mình luôn bị chất vấn bởi một ý nghĩa rộng lớn hơn của cuộc sống; điều này cho phép người ấy thực sự phục vụ công ích, bằng những nỗ lực của mình để gia tăng tất cả của cải trên thế giới này và làm cho chúng dễ được tiếp cận hơn.

204. Chúng ta không còn có thể trông cậy vào sức mạnh mù quáng và bàn tay vô hình của thị trường.  Sự phát triển trong công bằng đòi hỏi nhiều hơn là sự phát triển về kinh tế, mặc dù giả thiết, nó đòi phải có các quyết định, các chương trình, các cơ chế và quy trình đặc biệt hướng vể việc phân chia lợi nhuận cách tốt hơn, việc tạo ra các cơ hội làm việc, để phát triển người nghèo cách đầy đủ vượt trên não trạng an sinh.  Tôi không đề nghị một chủ nghĩa dân túy (populism) vô trách nhiệm, nhưng nền kinh tế không còn có thể dùng đến những biện pháp trị liệu mà chính những biện pháp này lại là những chất độc mới, như việc cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách giảm thị trường lao động và do đó tạo ra những người bị loại trừ mới.

205. Tôi cầu xinThiên Chúa ban thêm cho chúng ta nhiều chính trị gia có khả năng tham gia vào một cuộc đối thoại chân chính nhằm chữa lành cách hiệu quả những căn nguyên sâu xa, chứ không chỉ vẻ bề ngoài, của các tệ nạn của thế giới của chúng ta!  Chính trị, dù bị nhiều người phỉ báng, là một ơn gọi cao quý, là một trong những hình thức đáng quý nhất của đức ái, bởi vì nó tìm kiếm công ích. [174]  Chúng ta phải xác tín rằng đức ái “là nguyên tắc không những chỉ của những tiểu-liên-hệ: những liên hệ giữa bạn bè, gia đình, nhóm nhỏ, nhưng cũng của những đại-liên-hệ: những liên hệ xã hội, kinh tế và chính trị”. [175]  Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta thêm những chính trị gia thực sự biết quan tâm đến xã hội, dân chúng và đời sống của những người nghèo!  Điều thiết yếu là các nhà lãnh đạo chính quyền và các cơ quan tài chính ngước mắt lên và mở rộng cái nhìn của họ, ngõ hầu họ làm việc một cách thế nào để có được những công việc xứng đáng, sự giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi công dân.  Và tại sao chúng ta không cầu cùng Thiên Chúa để xin Ngài linh hứng cho các kế hoạch của họ?  Tôi tin chắc rằng bằng cách mở đầu với việc mở lòng ra với Đấng siêu việt chúng ta có thể hình thành một tâm thức chính trị và kinh tế mới có khả năng giúp chúng ta khắc phục được tình trạng lưỡng phân tuyệt đối giữa nền kinh tế và lợi ích chung của xã hội.

206. Nền kinh tế, như chính từ này ám chỉ, phải là nghệ thuật nhằm đạt được một sự quản lý thích hợp của ngôi nhà chung, là toàn thể thế giới.  Mỗi hành động kinh tế có một tầm hoạt động nhất định, được thực hiện trong một phần của hành tinh, nhưng tác động đến toàn thể; vì vậy không một chính phủ nào có thể hoạt động bên ngoài một trách nhiệm chung.  Thực ra, càng ngày càng trở nên khó khăn để tìm ra những giải pháp địa phương cho những mâu thuẫn toàn cầu vĩ đại, đó là lý do tại sao nền chính trị địa phương có đầy những vấn đề để giải quyết.  Nếu chúng ta thực sự muốn đạt được một nền kinh tế thế giới lành mạnh, thì chúng ta cần, trong giai đoạn lịch sử này, một cách tương tác hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia, đảm bảo phúc lợi kinh tế của tất cả các quốc gia chứ không chỉ của một ít quốc gia.

207. Bất cứ cộng đồng nào của Hội Thánh, tùy theo mức độ giả bộ ngồi yên mà không bận tâm một cách sáng tạo và không hợp tác một cách hiệu quả để giúp cho những người nghèo có thể sống với phẩm giá cùng bao gồm tất cả mọi người, thì nó sẽ có nguy cơ bị suy đồ, mặc dù nó có bàn về những vấn đề xã hội hoặc chỉ trích chính quyền.  Cuối cùng nó sẽ dễ dàng bị chìm vào tinh thần thế tục, được ngụy trang dưới việc thực hành tôn giáo, dưới những cuộc họp không sinh hoa quả và những diễn từ trống rỗng.

208. Nếu có ai cảm thấy bị xúc phạm vì những lời nói của tôi, thì tôi xin thưa rằng tôi nói với họ bằng tâm tình và một ý định tốt nhất, mà không nhằm bất kỳ lợi ích cá nhân hoặc tư tưởng chính trị nào.  Lời nói của tôi không phải là của một kẻ thù hay một đối thủ.  Tôi chỉ muốn làm thế để giúp những người đang làm nô lệ cho một não trạng cá nhân, thờ ơ và ích kỷ, có thể thoát ra khỏi những xềng xích kinh tởm ấy cùng đạt được một cách sống và suy nghĩ nhân bản hơn, cao thượng hơn, hiệu quả hơn, đem lại nhân phẩm cho cuộc sống chóng qua của họ trên trái đất này.

Chăm sóc cho những ngưởi yếu thế

209. Chúa Giêsu, nhà truyền giáo tuyệt vời và chính Người làTin Mừng, đặc biệt đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25:40).  Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta được mời gọi để chăm sóc những người yếu thế nhất trên trần gian.  Nhưng trong mô hình hiện tại của “thành công” và “tư nhân hóa” dường như không quan trọng để đầu tư giúp đỡ những người bị bỏ lại đằng sau, những người yếu đuối hoặc ít tài năng để họ có thể có tìm được con đường sống.

210. Điều thiết yếu là chúng ta để tâm đến việc quen thuộc với những hình thức mới của nghèo đói và yếu đuối mà trong đó chúng ta được mời gọi để nhận ra Đức Kitô đau khổ, mặc dù điều này có vẻ không mang lại cho chúng ta những lợi ích hữu hình và tức thời: những người vô gia cư, nghiện ngập, tị nạn, thổ dân, những người già cả và số những người bị cô lập và bị bỏ rơi càng ngày càng đông, cùng nhiều người khác.  Những người di cư đặt ra cho tôi một thách đố đặc biệt vì tôi là mục tử của một Hội Thánh không biên giới, một Hội Thánh cảm thấy mình là mẹ của tất cả mọi người.  Vì vậy, tôi kêu gọi các quốc gia hãy đại lượng mở rộng cửa, thay vì lo sợ bị mất căn tính địa phương, việc di dân sẽ có khả năng tạo ra một tổng hợp văn hóa mới.  Đẹp thay các thành phố vượt qua được sự ngờ vực không lành mạnh, và hội nhập những ngưởi khác biệt, cùng biến việc hội nhập này thành một yếu tố mới trong việc phát triển!  Đẹp thay các thành phố, mà thậm chí trong thiết kế kiến ​​trúc của chúng, có đầy những không gian kết nối, liên kết, khuyến khích việc nhìn nhận những ngưởi khác!

211. Tôi luôn luôn đau buồn vì hoàn cảnh của những người đang là nạn nhân của những hình thức buôn người khác nhau.  Tôi muốn rằng chúng ta lắng nghe tiếng kêu của Thiên Chúa, là Đấng đang hỏi tất cả chúng ta: “anh em con đâu?” (St 4:9).  Anh chị em con đang làm nô lệ ở đâu?  Những người đang bị giết mỗi ngày trong những xưởng máy bí mật nhỏ, trong những ổ mại dâm, trong những trẻ em bị sử dụng để ăn xin, trong những người phải lén lút làm việc vì tình trạng bất hợp lệ đang ở đâu?  Chúng ta giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.  Có rất nhiều đồng lõa.  Câu hỏi được đặt ra là cho tất cả mọi người!  Mạng lưới tội ác (mafia) và bỉ ổi đang được thiết lập khắp nơi trong các thành phố của chúng ta, và nhiều người đang có những bàn tay vấy máu vì một loại đồng lõa qua việc sống thoải mái và im lặng.

212. Những người nghèo gấp đôi là các phụ nữ đang ở trong những tình trạng bị loại trừ, lạm dụng và bạo lực, bởi vì họ thường cảm thấy ít có khả năng để bảo vệ quyền lợi của mình.  Tuy nhiên, ngay cả trong số họ, chúng ta liên tục tìm thấy các cử chỉ anh thư đáng ngưỡng mộ nhất hàng ngày trong việc bảo vệ và chăm sóc những gia đình dễ bị tổn thương của họ.

213. Trong số những người yếu đuối, là những người mà Hội Thánh muốn chăm sóc với lòng yêu thương đặc biệt, có các thai nhi, là những người không có khả năng tự vệ nhất và vô tội nhất trong tất cả mọi người, là những người mà ngày nay bị người ta phủ nhận nhân phẩm để họ có thể làm những gì họ muốn, bằng cách tước đoạt sự sống của các em và cổ võ những đạo luật ngõ hầu không ai có thể ngăn chặn được chúng.  Thường xuyên, như một cách phỉ báng việc bảo vệ sự sống của trẻ em chưa được sinh ra của Hội Thánh, người ta còn cố gắng trình bày lập trường của Hội Thánh như một điều gì liên quan đến ý thức hệ, chưa rõ ràng và bảo thủ.  Tuy nhiên, việc bảo vệ sự sống của những người chưa sinh ra này liên hệ mật thiết với việc bảo vệ bất kỳ quyền nào khác của con người.  Nó dựa trên xác tín rằng một con người luôn luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, ở mọi thời điểm và mọi giai đoạn phát triển của nó.  Nó là cùng đích của chính nó chứ không phải là một phương tiện để giải quyết các vấn đề khác.  Nếu xác tín này biến mất, thì không còn nền tảng vững chắc và lâu dài cho việc bảo vệ các quyền của con người, là những điều sẽ luôn luôn lệ thuộc vào các tiện nghi đột xuất của những thế lực luân phiên.  Chỉ cần lý do này mà thôi cũng đủ để nhận ra giá trị bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người, nhưng nếu chúng ta cũng nhìn theo đức tin thì “Mọi vi phạm đến phẩm giá cá nhân của con người đều là lời kêu xin trả thù trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trở thành một tội chống lại Đấng Tạo Hóa của con người”. [176]

214. Chính vì nó là một vấn đề liên quan đến tính kiên định nội tại của sứ điệp của chúng ta về giá trị của con người, đừng ai mong rằng Hội Thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này.  Tôi muốn hoàn toàn thành thật về điểu ấy.  Đây không phải là một chủ đề lệ thuộc vào những cải cách hay “việc hiện đại hóa”.  Không phải là “cấp tiến” khi giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ một sự sống của con người.  Nhưng cũng thật sự là chúng ta đã làm rất ít để đồng hành cách thích hợp với những phụ nữ gặp hoàn cảnh rất khó khăn, trong khi đó việc phá thai được trình bày cho họ như một giải pháp nhanh chóng cho nỗi lo sợ thâm sâu của họ, đặc biệt là khi đời sống đang lớn lên trong họ là kết quả của bạo lực, hoặc trong một bối cảnh nghèo đói cùng cực.  Có ai không hiểu được những hoàn cảnh quá đau thương như vậy không?

215. Còn có những hữu thể khác cũng yếu đuối và không có khả năng tự vệ, thường cũng bị đặt dưới quyền sinh sát của những ích lợi kinh tế hoặc những sử dụng bừa bãi.  Tôi đề cập đến toàn thể thụ tạo.  Là con người, chúng ta không những chỉ được hưởng lợi ích nhưng còn phải chăm sóc cho những tạo vật khác.  Qua thân xác của chúng ta, Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta rất chặt chẽ với thế giới chung quanh chúng ta, đến nỗi việc sa mạc hoá đất đai cũng giống như một bệnh cho mọi người; và chúng ta có thể thương tiếc việc tuyệt chủng của một loài vật giống như mình bị chặt mất tay chân.  Chúng ta đừng để lại trong đời mình những dấu vết hủy diệt và chết chóc có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và của những thế hệ tương lai. [177]  Theo nghĩa này, tôi mượn lời than thở rất đẹp và tiên tri mà một ít năm trước đây Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã bày tỏ: “Hàng loạt côn trùng đáng kinh ngạc khác nhau đang sống trong rừng và chúng bận rộn với đủ thứ nhiệm vụ thích hợp […] những con chim đang bay trong không khí, bộ lông rực rỡ của chúng cùng các bài hát và giai điệu khác nhau của chúng thêm màu sắc và âm điệu cho màu xanh của rừng […] Thiên Chúa có ý ban đất này cho chúng ta, một tạo vật đặc biệt của Ngài, nhưng không phải để chúng ta có thể tiêu diệt nó và biến nó thành một vùng đất sa mạc […]  Sau một đêm mưa, hãy nhìn về phía các con sông mầu nâu sôcôla trong môi trường chung quanh anh chị em, và hãy nhớ rằng chúng đang mang máu sống của đất ra biển […]  Làm sao mà cá có thể bơi lội được trong những cống rãnh như sông Pasig và nhiều con sông khác đã bị ô nhiễm?  Ai đã biến thế giới tuyệt vời dưới nước của biển thành nghĩa trang bị tước mất sự sống và màu sắc?” [178]

216. Nhỏ nhưng mạnh mẽ trong tình yêu của Thiên Chúa, như Thánh Phanxicô Assisi, tất cả các Kitô chúng ta được mời gọi để chăm sóc cho sự yếu ớt của dân chúng và của thế giới mà chúng ta đang sống.

III. Công ích và an bình xã hội

217. Chúng ta đã nói rất nhiều về niềm vui và tình yêu, nhưng Lời Chúa cũng đề cập đến hoa quả của bình an (x. Galatians 5:22).

218. An bình xã hội không thể được hiểu như bình định hoặc như sự vắng mặt của bạo lực chỉ đạt được bằng sự áp đặt của một phe nhóm trên những phe nhóm khác.  Nó cũng sẽ chỉ là một an bình giả tạo khi bị xử dụng như một lý do để biện minh cho một cấu trúc xã hội nào đó hoặc bịt miệng những người nghèo nhất hay xoa dịu họ, để những người được hưởng những lợi ích lớn nhất có thể duy trì lối sống của họ mà không bị xáo trộn, trong khi những người khác thì sống chết mặc họ.  Nhu cầu xã hội liên quan đến việc phân chia lợi nhuận, hòa nhập vào xã hội của người nghèo và nhân quyền, không thể bị bóp nghẹt bởi lý do xây dựng một sự đồng thuận trên giấy tờ hoặc một nền hòa bình phù du cho một thiểu số hạnh phúc.  Phẩm giá của con người và công ích vượt trên sự an lành của một số người không muốn từ bỏ đặc quyền của họ.  Khi các giá trị ấy bị ảnh hưởng, thì cần phải có một tiếng nói tiên tri.

219. Hòa bình “không thể bị giảm xuống thành một sự vắng mặt của chiến tranh, là kết quả của một cân bằng luôn luôn bấp bênh của các quyền lực.  Nó phải được xây dựng từng ngày, trong việc theo đuổi một trật tự mà Thiên Chúa muốn, ngụ ý một công lý hoàn hảo hơn nơi con người”. [179]  Cuối cùng, một nền hòa bình mà không phát sinh như kết quả của sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người, thì sẽ không có tương lai và sẽ luôn luôn là hạt giống của các cuộc xung đột mới và các hình thức khác nhau của bạo lực.

220. Trong mọi quốc gia, dân cư phát triển chiều kích xã hội của cuộc sống của họ bằng cách được hình thành như những công dân có trách nhiệm trong lòng của một dân tộc, chứ không phải như một khối người bị các thế lực thống trị lôi kéo.  Chúng ta hãy nhớ rằng “làm công dân trung thành là một đức tính, và tham gia vào đời sống chính trị là một nghĩa vụ đạo đức”. [180]  Tuy nhiên, trở thành một dân tộc là một điều khó khăn hơn nhiều, và đòi hỏi một tiến trình liên tục, trong đó mỗi thế hệ mới phải được đóng góp.  Nó là một công việc tiệm tiến và khó khăn, đòi hỏi người ta phải hòa nhập và học cách làm điều ấy cho đến khi phát triển một nền văn hóa gặp gỡ trong một sự hòa hợp đa dạng.

221. Để thăng tiến việc xây dựng một dân tộc trong hòa bình, công lý và tình huynh đệ, có bốn nguyên tắc liên quan đến sự dằng co lưỡng cực vốn có sẵn trong mọi thực tại xã hội.  Chúng được trích ra từ những định đề lớn của Học thuyết Xã hội của Hội Thánh, tạo thành “điểm đầu tiên và cơ bản để tham chiếu trong việc giải thích và đánh giá các hiện tượng xã hội”. [181]  Trong ánh sáng của chúng, giờ đây tôi muốn đề nghị bốn nguyên tắc là điều có thể hướng dẫn cách cụ thể việc phát triển sự chung sống trong xã hội và xây dựng một dân tộc, trong đó những sự khác biệt được hòa hợp trong một kế hoạch chung.  Tôi làm thế với xác tín rằng việc áp dụng chúng có thể đại diện cho một con đường chân chính đưa đến hòa bình trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Thời gian lớn hơn không gian

222. Có một sự dằng co lưỡng cực giữa sự viên mãn và giới hạn.  Sự viên mãn là động cơ cho ý muốn có tất cả mọi sự, và giới hạn là bức tường chặn trước mặt chúng ta.  “Thời gian”, được kể theo nghĩa rộng của nó, ám chỉ sự viên mãn như một biểu hiện của đường chân trời mở ra ở phía trước chúng ta, và khoảnh khắc là một biểu hiện cho giới hạn của người sống trong một không gian hạn chế.  Các công dân đang sống trong sự giằng co giữa tình trạng của khoảnh khắc này và ánh sáng của thời gian, là chân trời không tưởng lớn hơn mở ra cho chúng ta về tương lai như một cứu cánh hấp dẫn.  Từ đó phát sinh nguyên tắc thứ nhất để tiến lên trong việc xây dựng một dân tộc: thời gian lớn hơn không gian.

223. Nguyên tắc này cho phép chúng ta làm việc dài hạn, mà không quá bận tâm đến kết quả tức thời.  Nó giúp chúng ta nhẫn nại chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn và bất lợi hoặc khi phải thay đổi kế hoạch vì động năng của thực tại đòi hỏi.  Nó là một lời mời gọi để chấp nhận sự giằng co giữa sự viên mãn và giới hạn, theo ưu tiên của thời gian.  Một trong những lỗi lầm đôi khi được tìm thấy trong hoạt động chính trị xã hội là đặt ưu tiên vào không gian của quyền lực thay vì thời gian của tiến trình.  Ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên khùng cố gắng giải quyết tất cả mọi sự trong lúc hiện tại, để cố gắng chiếm hữu tất cả không gian của quyền lực và tự khẳng định.  Nó có nghĩa là việc kết tinh những tiến trình và việc dám ngưng chúng.  Đặt ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm đến việc khởi xướng các tiến trình hơn là chiếm hữu các không gian.  Thời gian xắp đặt thứ tự cho không gian, soi sáng chúng và biến chúng thành các mối dây liên kết trong một chuỗi tăng trưởng liên tiếp, không có thể trở ngược lại được.  Đó là dành ưu tiên cho những hành động tạo ra những động năng mới trong xã hội, cùng liên quan đến những người khác và các nhóm sẽ phát triển chúng cho đến khi đạt được thành quả trong những biến cố lịch sử quan trọng.  Không cần lo lắng, nhưng với những xác tín  rõ ràng và lòng kiên trì.

224. Đôi khi tôi tự hỏi có những ai trong thế giới ngày nay thực sự quan tâm đến việc tạo ra những tiến trình xây dựng một dân tộc, chứ không phải chỉ tìm cách để đạt được những kết quả tức thời là điều dễ dàng tạo ra những lợi thế chính trị nhanh chóng và thoáng qua, nhưng chúng không xây dựng sự no ấm cho con người.  Lịch sử có lẽ sẽ phán xét họ với tiêu chuẩn mà Romano Guardini đã đề ra, “Một mẫu mực duy nhất để đánh giá đúng một thời đại là điều tra xem nó có nuôi dưỡng sự phát triển và đạt đến một lý do tồn tại chân chính cho sự viên mãn của đời sống con người, phù hợp với căn tính đặc biệt và những khả năng của cùng một thời đại ấy đến mức nào”. [182]

225. Tiêu chuẩn này cũng rất thích hợp cho việc truyền giáo, là điều đòi hỏi chúng ta phải tính đến triển vọng, làm theo những tiến trình có thể và đi theo đường dài.  Chính Chúa trong cuộc sống trần thế của Người, đã nhiều lần làm cho các môn đệ hiểu rằng có những điều các ông chưa thể hiểu được và các ông cần phải chờ Chúa Thánh Thần (x. Ga 16:12-13).  Dụ ngôn cỏ lùng trong lúa mì (x. Mt 13: 24-30) mô tả một khía cạnh quan trọng của việc truyền giáo, là điều hệ tại ở việc cho thấy rằng đối phương có thể chiếm không gian của Vương Quốc và gây thiệt hại với cỏ dại, nhưng được khắc phục bằng sự tốt lành của lúa mì tự biểu lộ theo thời gian.

Hiệp nhất thắng xung đột

226. Chúng ta không thể lờ đi hay che dấu xung đột.  Nó phải được chấp nhận.  Nhưng nếu chúng ta vẫn còn bị mắc kẹt trong đó thì chúng ta mất triển vọng, những chân trời bị giới hạn và chính thực tại cũng bị vỡ ra từng mảnh.  Khi chúng ta ngừng lại ở trong tình trạng xung đột, chúng ta đánh mất ý nghĩa của sự hiệp nhất sâu xa của thực tại.

227. Khi đối diện với xung đột, một số người chỉ đơn thuần nhìn vào nó và cứ tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra; họ rửa tay để tiếp tục với cuộc sống của họ.  Những người khác gia nhập cuộc xung đột một cách nào đó khiến cho họ vẫn còn là tù nhân, đánh mất triển vọng, phóng chiếu lên các tổ chức sự nhầm lẫn và bất bình riêng của họ, và do đó, sự hiệp nhất sẽ trở thành không thể được.  Nhưng có một cách thứ ba, thích hợp nhất để đối đầu với xung đột.  Chúng ta đồng ý đương đầu với xung đột, giải quyết nó và biến nó thành một vòng kết nối của một tiến trình mới. “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9).

228. Bằng cách này, chúng ta có thể phát triển một sự hiệp thông trong những khác biệt, là điều chỉ có thể được cổ võ bởi những người cao thượng có can đảm vượt qua bề mặt của xung đột và nhìn những người khác trong phẩm giá sâu xa nhất của họ.  Vì lý do này mà cần phải thừa nhận một nguyên tắc là điều không thể thiếu được cho việc xây dựng quan hệ hữu nghị xã hội: sự hiệp nhất lớn hơn xung đột.  Tình đoàn kết, được hiểu theo ý nghĩa sâu xa nhất và thách thức nhất của nó, như thế trở thành một cách để xây dựng lịch sử, một khu vực sống còn mà ở đó các xung đột, giằng co và đối lập có thể đạt được một sự hiệp nhất đa dạng là điều tạo ra cuộc sống mới.  Nó không có nghĩa là nhắm vào chủ nghĩa hỗn hợp, hoặc sự thu hút của một phe vào một phe khác, nhưng nhằm vào một giải pháp cao hơn mà vẫn giữ được những khả năng quý giá của những đa cực trái ngược nhau.

229. Tiêu chuẩn này của Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô đã kết hợp tất cả mọi sự trong Người: trời và đất, Thiên Chúa và con người, thời gian và vĩnh cửu, xác thịt và tinh thần, con người và xã hội.  Dấu chỉ đặc trưng của sự hiệp nhất và hòa giải mọi sự trong Người này là sự bình an.  Đức Kitô “là sự bình an của chúng ta” (Ephesians 2:14).  Việc công bố Tin Mừng luôn luôn bắt đầu với lời chào bình an, và trong mọi lúc sự bình an làm cho  mối liên hệ giữa các môn đệ được nên hoàn hảo và củng cố nó.  Chúng ta có thể có bình an bởi vì Chúa đã chiến thắng thế gian và cuộc xung đột trường kỳ của nó đã “được dẹp yên bằng máu của Thánh Giá Người” (Colossians 1:20).  Nhưng nếu đi sâu vào các bản văn Thánh Kinh, chúng ta sẽ khám phá ra rằng lãnh vực đầu tiên mà chúng ta được mời gọi để chinh phục trong cuộc bình định những sự khác biệt này, chính là nội tâm của mình, đời sống riêng của chúng ta luôn luôn bị đe dọa bởi những lý do biện minh cho sự phân tán. [183]  Với những con tim bị tan vỡ thành ngàn mảnh thì sẽ khó mà xây dựng nổi một nền hòa bình xã hội chân chính.

230. Lời loan báo về hòa bình không phải là về một hòa bình được đàm phán, nhưng là xác tín rằng sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần hòa hợp tất cả mọi sự đa dạng.  Nó vượt trên mọi xung đột bằng một tổng hợp mới đầy hứa hẹn.  Sự đa dạng là điều đẹp đẽ khi nó chấp nhận không ngừng bước vào một tiến trình hòa giải, cho đến khi phê chuẩn một loại hiệp ước văn hóa, là điều tạo ra một “sự đa dạng được hòa giải” như các Giám mục Congo đã dạy: “Sự đa dạng của các dân tộc của chúng ta là một sự phong phú […] Chỉ với tình đoàn kết, với sự hoán cải tâm hồn và hòa giải mà chúng ta có thể thăng tiến đất nước của chúng ta”. [184]

Thực tai quan trọng hơn ý tưởng

231. Ngoài ra còn có một sự dằng co lưỡng cực giữa ý tưởng và thực tại.  Thực tại chỉ đơn thuần là ý tưởng được trình bày chi tiết.  Chúng ta phải duy trì một cuộc đối thoại liên tục giữa cả hai để tránh việc ý tưởng rốt cuộc bị tách ra khỏi thực tại.  Thật nguy hiểm khi chỉ sống trong sự cai trị của lời nói, hình ảnh và ngụy biện mà thôi.  Từ đó chúng ta cần phải đưa ra một nguyên tắc thứ ba: thực tại quan trọng hơn ý tưởng.  Điều này liên quan đến việc tránh các hình thức che đậy thực tại: thuyết trong sạch như thiên thần, sự độc tài của thuyết tương đối, thuyết duy danh trống rỗng, các dự án nệ hình thức hơn là thực tế, chủ nghĩa cơ bàn, chống lịch sử, hệ thống đạo đức không có sự tốt lành, nệ lý trí mà không có sự khôn ngoan.

232. Ý tưởng – những cân nhắc cẩn thận về khái niệm – là một chức năng của sự thu lượm, hiểu biết và hướng dẫn thực tại.  Ý tưởng tách rời khỏi thực tại là nguồn gốc của những hình thức vô ích của chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa duy danh, chỉ có khả năng tối đa là phân loại hoặc định nghĩa, nhưng không dấn thân vào.   Điều mà chúng ta dấn thân vào là một thực tại được soi sáng bằng lý trí.  Chúng ta cần phải đi từ duy danh theo hình thức sang hòa hợp khách quan.  Nếu không, người ta sẽ thao túng sự thật, như thay thế thể dục bằng mỹ phẩm. [185]  Có những chính trị gia – và thậm chí cả các nhà lãnh đạo tôn giáo – tự hỏi rằng tại sao mọi người không hiểu họ và không chịu theo họ, mặc dù những đề nghị của họ rất hợp lý và rõ ràng.  Có lẽ bởi vì họ đã đặt chúng trong lĩnh vực tư tưởng thuần túy và đã giảm chính trị hay đức tin xuống thành thuật hùng biện.  Những người khác đã quên sự đơn giản và đã nhập cảng từ bên ngoài một sự thuần lý xa lạ với dân chúng.

233. Thực tại cao hơn những ý tưởng.  Tiêu chuẩn này liên hệ đến việc nhập thể của Ngôi Lời và việc đưa Lời Chúa ra thực hành: “Dựa vào điều này mà anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa, mọi thần khí tuyên xưng Ðức Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm, thì thuộc về Thiên Chúa” (1 Galatians 4:2).  Tiêu chuẩn về thực tại của một Ngôi Lời đã nhập thể và luôn tìm cách nhập thể, là điều thiết yếu cho việc loan báo Tin Mừng.  Một mặt, nó giúp chúng ta nhận ra lịch sử của Hội Thánh là lịch sử cứu độ, để chúng ta nhớ đến các thánh, là những người đã hội nhập Tin Mừng vào đời sống của dân chúng, để thu thập truyền thống phong phú của hai ngàn năm của Hội Thánh, mà không làm bộ như đưa ra một tư tưởng tách rời khỏi kho tàng này, như thể chúng ta muốn phát minh ra Tin Mừng.  Mặt khác, tiêu chuẩn này khuyến khích chúng ta đưa Lời Chúa ra thực hành, để thực thi những việc công lý và bác ái mà trong đó Lời Chúa sinh hoa quả.  Không đem ra thực hành, thì không dẫn Lời Chúa đến thực tại, có nghĩa là xây dựng trên cát, vẫn còn trong ý tưởng thuần túy và chung cuộc trở thành một bức họa và tri thức không mang lại kết quả, mà còn làm cho động năng của nó trở thành vô bổ.

Toàn thể lớn hơn một phần

234. Giữa việc toàn cầu hóa và địa phương hóa cũng tạo ra một sự giằng co.  Chúng ta phải chú ý đến kích thước toàn cầu để tránh rơi vào tình trạng nhỏ mọn hàng ngày.  Đồng thời, cũng đừng để mất những gì là địa phương, là điều làm cho chúng ta bước đi bằng đôi chân của mình trên mặt đất.  Hai điều ấy hợp lại với nhau tránh cho chúng ta rơi vào một trong hai thái cực: thái cực thứ nhất, những công dân sống trong một thế giới trừu tượng và toàn cầu hóa, như những hành khách trong những toa tàu ở cuối, nhìn ngắm pháo bông của thế giới, là của những người khác, miệng há hốc và vỗ tay theo đợt.  Mặt khác, họ biến thành một bảo tàng viện dân gian của các ẩn sĩ địa phương, bị kết án phải lặp đi lặp lại những điều tương tự, không có khả năng để cho mình bị thách đố bởi những gì khác hoặc thưởng thức vẻ đẹp mà Thiên Chúa trải rộng từ biên giới của của họ.

235. Toàn thể lớn hơn một phần, và thậm chí còn lớn hơn cả tổng số đơn giản của chúng.  Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng về những vấn đề bị hạn chế và đặc thù.  Chúng ta nên luôn luôn mở rộng nhãn quan của mình để nhận ra điều tốt hơn, là điều sẽ có lợi cho tất cả chúng ta.  Nhưng phải làm thế nào mà không tránh né hoặc mất gốc.  Chúng ta phải đâm rễ sâu vào mảnh đất màu mỡ và lịch sử của sinh quán của mình, là một hồng ân của Thiên Chúa.  Chúng ta đang làm việc trong lãnh vực nhỏ, với những người lân cận, nhưng với một viển cảnh rộng lớn hơn.  Tương tự như thế, một người duy trì những đặc thù cá nhân của mình và không che giấu căn tính của mình, khi thân tình hội nhập vào một cộng đồng, người ấy không hủy bỏ mình nhưng nhận được những kích thích tố mới cho sự phát triển của riêng mình.  Lãnh vực toàn cầu không nhất thiết là hủy bỏ, và sự đặc thù cũng không bị coi là vô bổ.

236. Mô hình này không phải là hình cầu, là hình không lớn hơn các phần của nó, trong đó mỗi điểm là khoảng cách bằng nhau từ trung tâm mà không có sự khác biệt giữa chúng.  Mô hình này là một khối đa diện, phản ánh sự hội tụ của tất cả các phần riêng biệt, trong đó mỗi phần vẫn giữ được tính độc đáo riêng của mình.  Cả hoạt động mục vụ lẫn hoạt động chính trị tìm cách thu thập trong khối đa diện này điều tốt nhất của mỗi hoạt động.  Ở đó có chỗ cho người nghèo, với văn hóa của họ, các dự án của họ và tiềm năng riêng của họ.  Ngay cả những người có thể bị chỉ trích vì những sai lầm của họ, cũng có một điều gì để đóng góp mà không được để mất.  Nó là sự kết hợp của dân chúng, là những người, theo thứ tự phổ quát, giữ lại những nét riêng biệt của họ; nó là tổng số những người trong một xã hội tìm kiếm một lợi ích chung, là điều thực sự kết hợp tất cả mọi người.

237. Đối với các Kitô hữu chúng ta, nguyên tắc này cũng nói về tổng thể hoặc sự toàn vẹn của Tin Mừng mà Hội Thánh truyền lại cho chúng ta và sai chúng ta đi rao giảng.  Sự phong phú trọn vẹn của nó kết hợp các học giả và công nhân, doanh nhân và nghệ sĩ, tất cả mọi người.  Sự “thần bí dân gian” đón nhận theo cách của nó toàn thể Tin Mừng và nhập thể nó dưới dạng cầu nguyện, tình huynh đệ, công lý, phấn đấu và cử hành.  Tin Mừng là niềm vui của một người cha không muốn mất bất cứ đứa con nào của mình.  Vì vậy, cũng là niềm vui của Vị Mục Tử Nhân Lành Đấng tìm kiếm con chiên lạc và đem nó trở về đàn chiên của mình.  Tin Mừng là nắm men làm dậy men toàn thể khôi bột, và thành phố tỏa sáng trên lên núi, chiếu soi mọi dân tộc.  Tin Mừng có một tiêu chuẩn tổng thể nội tại: nó không bao giờ ngừng là Tin Mừng cho đến khi được công bố cho tất cả mọi người, cho đến khi sinh hoa kết quả và chữa lành tất cả mọi chiều kích của con người, và cho đến khi kết hợp tất cả mọi người trong bàn tiệc Nước Trời.  Toàn thể lớn hơn một phần.

IV. Đối thoại xã hội như một đóng góp cho hòa bình

238. Loan báo Tin Mừng cũng liên quan đến con đường đối thoại.  Đối với Hội Thánh, ở thời điểm này có ba lĩnh vực đặc biệt trong đó đối thoại phải có mặt, để chu toàn việc phục vụ có lợi cho việc phát triển đầy đủ của con người và theo đuổi công ích: đối thoại với các quốc gia, đối thoại với xã hội – bao gồm đối thoại với các nền văn hóa và khoa học – và đối thoại với các tín hữu khác không phải là phần tử của Hội Thánh Công Giáo.  Trong mọi trường hợp, “Hội Thánh nói từ ánh sáng ấy là ánh sáng mà đức tin ban cho”, [186] đem theo hơn hai ngàn năm kinh nghiệm của mình và luôn luôn giữ lại trong ký ức cuộc sống và đau khổ của con người.  Điều này vượt xa lý trí con người, nhưng cũng có một ý nghĩa có thể phong phú hóa những người không tin và mời gọi lý trí mở rộng quan điểm của họ.

239. Hội Thánh công bố “Tin Mừng của hòa bình” (Ephesians 6:15) và mở cửa để hợp tác với tất cả các chính quyền quốc gia và quốc tế ngõ hầu chăm sóc cho những tài sản phổ quát quá vĩ đại này.  Trong khi rao gỉang Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng là hiện thân của hòa bình (x. Ep 2,14), việc Tân Phúc Âm hóa khuyến khích mọi người đã được rửa tội trở thành công cụ cho việc xây dựng hòa bình và làm nhân chứng đáng tin cậy của một đời sống hòa giải. [187]  Trong một nền văn hóa đối thoại đặc quyền như một hình thức gặp gỡ, đây là thời điểm để biết cách làm sao thiết kế một cuộc tìm kiếm sự đồng thuận và thỏa thuận, nhưng không tách biệt nó khỏi mối quan tâm cho một xã hội công bằng, có khả năng nhớ và không loại trừ.  Tác giả chính, chủ thể lịch sử của quá trình này, là dân chúng và nền văn hóa của họ, không phải là một tầng lớp, một thiểu số, một nhóm, một số người ưu tú.  Chúng ta không cần một dự án được soạn thảo bởi một ít người cho một ít người, hoặc một thiểu số được khai minh hay những ngưởi tự nhận là nói thay cho một tập thể.  Đây là một thỏa thuận chung sống, một hiệp ước xã hội và văn hóa.

240. Quốc gia có trách nhiệm chăm sóc và phát huy lợi ích chung của xã hội. [188]  Dựa trên các nguyên tắc bổ trợ và đoàn kết, và với một nỗ lực đáng kể của việc đối thoại chính trị và xây dựng sự đồng thuận, là những điều đóng một vai trò quan trọng không thể ủy nhiệm được trong việc theo đuổi sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người.  Vai trò này, trong hoàn cảnh hiện nay, đòi hỏi một sự khiêm nhường xã hội sâu sắc.

241. Trong cuộc đối thoại với quốc gia và xã hội, Hội Thánh không có giải pháp cho tất cả mọi vấn đề đặc biệt.  Tuy nhiên, cùng với các quyền lực xã hội khác, Hội Thánh theo đuổi những đề nghị có thể đáp ứng tốt hơn với phẩm giá của con người và công ích.  Bằng cách này, Hội Thánh luôn đề nghị một cách rõ ràng những giá trị cơ bản của cuộc sống con người, để truyền đạt những xác tín mà sau đó có thể được chuyển thành hành động chính trị.

Cuộc đối thoại giữa đức tin, lý trí và khoa học

242. Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin cũng là một phần của hành động rao giảng Tin Mừng để phục vụ hòa bình. [189]  Chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa thực chứng không chịu “thừa nhận sự chính đáng của những hình thức kiến thức khác không thuộc về những ngành khoa học tích cực”. [190]  Hội Thánh đề nghị một con đường khác, là con đường đòi hỏi một sự tổng hợp giữa việc sử dụng có trách nhiệm những phương pháp riêng của các khoa học thực nghiệm, và các môn học khác như triết học, thần học, và chính đức tin, là điều nâng con người lên tới mầu nhiệm siêu vượt thiên nhiên và trí thông minh của loài người.  Đức tin không sợ lý trí; trái lại, đức tin tìm kiếm và tin vào lý tri bởi vì “cả ánh sáng của lý trí lẫn ánh sáng của đức tin đều đến từ Thiên Chúa”, [191] và không thể mâu thuẫn nhau.  Phúc Âm hóa là chú ý đến những tiến bộ khoa học để soi sáng chúng bằng ánh sáng đức tin và luật tự nhiên, để luôn luôn tôn trọng tính trung tâm và giá trị tối cao của con người ở tất cả các giai đoạn của đời sống của nó.  Toàn thể xã hội có thể được phong phú hóa nhờ cuộc đối thoại này, là điều mở ra những chân trời mới để suy nghĩ và mở rộng các khả năng của lý trí.  Đây cũng là một cuộc hành trình của hòa hợp và hòa bình.

243. Hội Thánh không tìm cách ngăn cản sự tiến bộ đáng ngưỡng mộ của khoa học.  Trái lại, Hội Thánh vui mừng và thậm chí rất thích thú khi nhận ra tiềm năng vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho tâm trí con người.  Khi sự tiến bộ của khoa học, qua việc tuân theo sự chặt chẽ của học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu về đề tài chuyên môn của chúng, đi đến một kết luận rõ ràng mà lý trí không thể phủ nhận, thì đức tin cũng không mâu thuẫn với nó.  Các tín hữu cũng không thể cho rằng một quan điểm khoa học mà họ ưa thích, nhưng chưa được chứng minh đầy đủ, có thể có tầm mức quan trọng của một tín điều đức tin.  Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, có một số khoa học gia đi ra ngoài chủ đề chính của môn học của họ và mất cân bằng với những tuyên bố hoặc kết luận vượt quá phạm vi khoa học thuần túy của họ.  Trong trường hợp này, điều được họ đề nghị không còn phải là do lý trí, nhưng do một ý thức hệ nhất định, là điều chặn đường một cuộc đối thoại chân chính, sáng sủa và có hiệu quả.

Đối thoại đại kết

244. Quyết tâm đại kết đáp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu rằng “Xin cho tất cả được nên một” (Ga 17:21).  Sự đáng tin cậy của sứ điệp Kitô giáo sẽ lớn hơn nhiều nếu các Kitô hữu khắc phục được những chia rẽ của họ và Hội Thánh nhận ra “sự đầy đủ tính cách công giáo riêng biệt của mình nơi những con cái tuy đã thuộc về Hội Thánh nhờ phép Rửa Tội, nhưng còn xa cách và chưa hoàn toàn thông hiệp với Hội Thánh”. [192]  Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng mình là những khách hành hương, và chúng ta cùng hành hương với nhau.  Để thực hiện điều này, chúng ta phải tin tưởng vào những bạn đồng hành mà không ngờ vực, nghi kỵ và trước hết nhìn vào điều chúng ta tìm kiếm: bình an trong khuôn mặt của một Thiên Chúa Duy Nhất.  Tin tưởng vào người khác là một thủ công, và hòa bình cũng là một thủ công.  Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Matthew 5:9).  Trong quyết tâm này, ngay cả giữa chúng ta, lời tiên tri xưa kia được ứng nghiệm: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày” (Isaiah 2:4).

245. Trong ánh sáng này, đại kết là một đóng góp cho sự hiệp nhất của gia đình nhân loại.  Sự hiện diện của Thượng Phụ Constantinople, Đức Bartholomew I và Tổng Giám Mục Canterbury, Đức Rowan Douglas Williams, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục [193] đã là một món quà thật từ Thiên Chúa và nhân chứng Kitô giáo quý giá.

246. Với sự nghiêm trọng của việc phản chứng vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, đặc biệt là ở Á Châu và Phi Châu, việc tìm kiếm con đường hiệp nhất trở nên cấp bách.  Các nhà truyền giáo ở những lục địa ấy liên tục đề cập đến những lời chỉ trích, than phiền và chế nhạo mà họ nhận được vì gương xấu của việc chia rẽ Kitô giáo.  Nếu chúng ta tập trung vào những xác tín có thể hợp nhất chúng ta và nhớ lại nguyên tắc về phẩm trật chân lý, chúng ta sẽ có thể nhanh chóng đi đến những hình thức chung để rao giảng, phục vụ và làm chứng.  Đám đông bao la những người chưa chấp nhận sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô không cho phép chúng ta thờ ơ.  Do đó, quyết tâm dấn thân cho sự hợp nhất, là điều giúp họ dễ dàng chấp nhận Đức Chúa Giêsu Kitô, không còn đơn thuần là một việc ngoại giao hoặc một việc hoàn thành cậy vào vũ lực, nhưng trái lại phải được biến đổi thành một phương thế không thể thiếu được của việc truyền giáo.  Các dấu hiệu của sự chia rẽ giữa các Kitô hữu trong những quốc gia đã bị tan nát vì bạo lực, tạo thêm những nguyên nhân cho cuộc xung đột gây nên bởi những người đáng lẽ phải trở thành những nắm men tích cực của hòa bình.  Có quá nhiều điều rất quý giá có thể kết hợp chúng ta!  Và nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào hành động tự do và quảng đại của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể học không biết bao nhiêu điều từ nhau!  Điều này không chỉ là nhận được những dữ kiện về những người khác để biết họ rõ hơn, nhưng còn gặt hái những gì Chúa Thánh Thần đã gieo trong họ, mà cũng là những món quà cho chúng ta.  Chỉ cần đan cử một thí dụ, trong cuộc đối thoại với anh em Chính Thống của chúng ta, người Công giáo chúng ta có cơ hội để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của Giám Mục Đoàn và kinh nghiệm về Thượng Hội Đồng Giám Mục của họ.  Qua việc trao đổi quà tặng, Chúa Thánh Thần có thể dẫn chúng ta tiến gần hơn đến chân lý và sự tốt lành.

Quan hệ với Do Thái giáo

247. Chúng ta có một cái nhìn rất đặc biệt đối với người Do Thái, mà Giao Ước của họ với Thiên Chúa đã không bao giờ bị thu hồi, bởi vì “những hồng ân và ơn gọi của Thiên Chúa thì không thể thu hồi được” (Rm 11:29).  Hội Thánh, chia sẻ với Do Thái giáo một phần quan trọng của Thánh Kinh, coi dân của Giao Ước và đức tin của họ như một cội rễ thiêng liêng của căn tính Kitô giáo của mình (x. Rm 11:16-18).  Là Kitô hữu, chúng ta không thể coi Do Thái giáo như một tôn giáo xa lạ, đồng thời không bao giờ được bao gồm người Do Thái trong số những người được mời gọi từ bỏ các ngẫu tượng để trở về với Thiên Chúa thật (x. 1 Th 1:9).  Cùng với họ, chúng ta tin vào một Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong lịch sử, và cùng họ chúng ta đón chào mặc khải chung của Ngài.

248. Đối thoại và tình bằng hữu với con cái Israel là một phần đời sống của các môn đệ Chúa Giêsu.  Lòng yêu mến đang phát triển làm cho chúng ta đắng cay và chân thành hối tiếc vì những cuộc bách hại khủng khiếp mà họ đã và đang phải chịu, đặc biệt là những cuộc bách hại liên quan đến hoặc có các Kitô hữu tham gia.

249. Thiên Chúa tiếp tục làm việc trong dân của Giao Ước Cũ và làm phát sinh những  kho tàng khôn ngoan chảy từ cuộc gặp gỡ của họ với Lời Chúa.  Vì lý do này mà Hội Thánh được phong phú hóa khi đón nhận các giá trị của Do Thái giáo.  Mặc dù có một số niềm tin Kitô giáo bị Do Thái giáo coi là không thể chấp nhận được, nhưng Hội Thánh không thể từ bỏ việc rao giảng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Được Xức Dầu (Mêsia), cũng có một sự bổ túc phong phú cho phép chúng ta cùng đọc các bản văn Thánh Kinh Do Thái và giúp đỡ lẫn nhau để thấy rõ sự phong phú của Lời Chúa, cũng như để chia sẻ nhiều xác tín về luân lý và những quan tâm chung về công lý và sự phát triển của dân tộc.

Đối thoại giữa các tôn giáo

250. Một thái độ cởi mở trong chân lý và tình yêu phải biểu thị đặc tính của cuộc đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, bất chấp những trở ngại khác nhau và những khó khăn, đặc biệt là với những người theo chủ nghĩa cơ bản quá khích ở cả hai bên.  Cuộc đối thoại liên tôn này là một điều kiện cần thiết cho hòa bình thế giới, và do đó là một nhiệm vụ đối với các Kitô hữu, cũng như đối với các cộng đồng tôn giáo khác.  Cuộc đối thoại này, trên hết, là một cuộc trò chuyện về đời sống con người hoặc đơn giản như, theo đề nghị của các Giám Mục Ấn Độ, là “một thái độ cởi mở đối với họ, chia sẻ những vui buồn của họ”. [194]  Vì vậy, chúng ta học chấp nhận những người khác theo những cách làm người, suy nghĩ và diễn tả khác nhau của họ.  Với phương pháp này, chúng ta có thể cùng nhau gánh vác trách nhiệm phục vụ công lý và hòa bình, là điều cần phải trở nên một tiêu chuẩn chính của bất cứ trao đổi nào.  Một cuộc đối thoại mà trong đó người ta tìm kiếm hòa bình và công bằng xã hội nơi chính nó, vượt qua tất cả những gì chỉ là những bình diện hoàn toàn thực dụng, một cam kết về luân lý là điều tạo ra những điều kiện xã hội mới.  Những cố gắng chung quanh một chủ đề cụ thể có thể được biến đổi thành một tiến trình mà trong đó, bằng cách lắng nghe người khác, cả hai bên được thanh lọc và phong phú hóa.  Vì vậy, ngay cả những cố gắng này có thể có ý nghĩa của tình yêu dành cho chân lý.

251. Trong cuộc đối thoại này, luôn luôn niềm nở và thân thiện, chúng ta không bao giờ được quên mối dây liên hệ chủ yếu giữa việc đối thoại và rao giảng, là điều giúp cho Hội Thánh duy trì và tăng cường quan hệ với những người ngoài Kitô giáo. [195]  Một chủ nghĩa hòa giải hỗn hợp (syncrétisme) chung cuộc sẽ thành một chế độ chuyên chế của những kẻ giả bộ hòa giải bất chấp các giá trị vượt trên họ và họ không phải là chủ của chúng.  Việc cởi mở thật liên quan đến việc giữ vững những xác tín sâu xa nhất của mình, với một căn tính rõ ràng và vui tươi, nhưng mở ra “để hiểu những người khác” và “biết rõ rằng cuộc đối thoại có thể phong phú hóa mỗi người”. [196]  Chúng ta không cần một lời mở đầu ngoại giao, tức là đồng ý với tất cả mọi sự để tránh rắc rối, bởi vì nó là một cách lừa dối những người khác và làm cho họ không nhận được những ích lợi mà chúng ta đã nhận được như một món quà để chia sẻ rộng rãi.  Việc truyền giáo và đối thoại liên tôn, thay vì trái ngược nhau, thì chúng lại hỗ trợ và nuôi dưỡng nhau. [197]

252. Ở thời đại này sự liên hệ của chúng ta với các tín đồ Hồi giáo có một tầm mức rất quan trọng, đặc biệt là ngày nay họ hiện diện ở nhiều quốc gia có truyền thống Kitô giáo, ở đó họ có thể tự do cử hành việc phụng tự của họ và sống hội nhập vào xã hội.  Chúng ta đừng bao giờ quên rằng họ “tuyên xưng đức tin của ông Abraham, cùng với chúng ta, họ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, hay thương xót, phán xét con người vào ngày sau hết”. [198]  Các sách thánh của Hồi giáo vẫn giữ lại một phần giáo huấn của Kitô giáo, Đức Chúa Giêsu Kitô và Đức Mẹ Maria là những đối tượng được tôn kính sâu xa; và thật đáng ngưỡng mộ khi thấy cách những người trẻ và người già, đàn ông và phụ nữ Hồi giáo có thể dành thì giờ để cầu nguyện hàng ngày và trung thành tham dự các nghi lễ tôn giáo của họ.  Đồng thời, nhiều người trong họ có một xác tín sâu xa rằng toàn thể đời sống của họ đến từ Thiên Chúa và dành cho Ngài.  Họ cũng nhận ra rằng cần phải đáp trả lại Thiên Chúa bằng một cam kết luân lý và lòng thương xót đối với người nghèo.

253. Để hỗ trợ việc đối thoại với Hồi giáo điều cần thiết là đào tạo những người đối thoại một cách thích đáng, không chỉ vì để giúp cho họ có một nền móng kiên định và vui tươi trong căn tính riêng của họ, nhưng để họ cũng có thể nhận ra các giá trị của người khác, để hiểu những mối quan tâm cơ bản với những nhu cầu của họ và làm sáng tỏ những xác tín được chia sẻ.  Kitô hữu chúng ta nên chào đón với tình cảm và tôn trọng những di dân Hồi giáo là những người đến trong nước của chúng ta, như cùng một cách chúng ta hy vọng và đòi hỏi được chấp nhận và tôn trọng ở các nước theo truyền thống Hồi giáo.  Tôi khiêm tốn yêu cầu các nước Hồi giáo làm ơn đảm bảo sự tự do cho các Kitô hữu để họ có thể cử hành việc phụng tự của họ và sống đức tin của họ, bằng cách nghĩ đến sự tự do mà các tín đồ Hồi giáo được hưởng ở các nước Tây Phương!  Trước những cảnh bạo tàn do những người theo chủ nghĩa cơ bản gây ra làm chúng ta quan tâm, thiện cảm đối với các tín hữu Hồi giáo chân chính phải dẫn chúng ta đến việc tránh những hận thù khái quát, bởi vì Hồi giáo chân chính và việc giải thích đúng đắn kinh Koran chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào.

254. Những người ngoài Kitô giáo, nhờ sáng kiến ​​tự do của Thiên Chúa, và trung thành với lương tâm của họ, họ có thể sống một cuộc sống “được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa” [199] và do đó “được kết hợp với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Chúa Giêsu Kitô”. [200]  Tuy nhiên, vì chiều kích bí tích của ơn thánh sủng, hành động của Thiên Chúa trong họ có khuynh hướng tạo ra các dấu chỉ, các nghi lễ, biểu thức thiêng liêng, là những điều đem những người khác đến kinh nghiệm cộng đồng của cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa. [201]  Trong khi chúng không có ý nghĩa và hiệu quả của các Bí Tích do Đức Kitô thiết lập, nhưng cũng có thể là những cách thế mà cùng một Chúa Thánh Thần gợi ra để giải thoát những người ngoài Kitô giáo khỏi chủ nghĩa vô thần nội tại hoặc những kinh nghiệm tôn giáo thuần túy cá nhân.  Cùng một Chúa Thánh Thần linh hứng ở mọi nơi những hình thức khôn ngoan thực tế để giúp chúng ta chịu đựng những khó khăn của cuộc sống cùng sống an bình và hòa hợp hơn.  Là những Kitô hữu chúng ta có thể được ích lợi từ sự phong phú này được tích lũy qua nhiều kỷ nguyên, có thể giúp chúng ta sống những xác tín riêng của mình một cách tốt đẹp hơn.

Đối thoại xã hội trong bối cảnh tự do tôn giáo

255. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do tôn giáo, được coi như là một quyền cơ bản của con người. [202]  Nó bao gồm “quyền tự do lựa chọn một tôn giáo mà người ta coi là chân thật và công khai bày tỏ đức tin của họ”. [203]  Một chủ nghĩa đa nguyên lành mạnh, là chủ nghĩa thực sự tôn trọng những sự khác biệt và các giá trị như thế, không buộc phải tư nhân hóa các tôn giáo với ý định là bắt chúng phải im lặng và rút vào bóng tối của lương tâm mỗi cá nhân, hoặc bị nhốt trong hàng rào khóa kín của các nhà thờ, các hội đường Do Thái hoặc các đền thờ Hồi giáo.  Chung cuộc, nó sẽ là một hình thức mới của kỳ thị và chuyên chế.  Sự tôn trọng dành cho những nhóm thiểu số bất khả tri hay những kẻ vô tín ngưỡng không được áp đặt một cách tùy tiện để bịt kín xác tín của đa số những người có tín ngưỡng hoặc gạt đi sự phong phú của các truyền thống tôn giáo.  Điều này về lâu dài sẽ gây ra bất mãn thay vì khoan dung và hòa bình.

256. Khi kể đến ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống công cộng, chúng ta phải phân biệt những cách khác nhau mà tôn giáo được thực hành.  Cả giới trí thức và báo chí thường rơi vào tình trạng tổng quát hóa một cách thô thiển và hơi có chút tính chất thuật học khi nói về những thiếu sót của các tôn giáo, và thường không thể phân biệt được rằng không phải tất cả các tín hữu – cũng không phải tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo – đều bằng nhau.  Một số chính trị gia lạm dụng sự nhầm lẫn này để biện minh cho hành động kỳ thị của họ.  Những lần khác họ tỏ ra kinh rẻ những tác phẩm phát sinh trong bối cảnh của một tín hữu có xác tín, mà quên rằng những bản văn tôn giáo cổ điển có thể cung cấp một ý nghĩa cho mọi thời đại, luôn có một động lực mở ra những chân trời mới, kích thích tư tưởng, mở rộng trí khôn và tâm hồn.  Chúng bị coi thường vì sự hẹp hòi của nhãn quan duy lý.  Có hợp lý và thông minh không khi đẩy chúng vào trong bóng tối chỉ vì chúng đã được sinh ra trong bối cảnh của niềm tin tôn giáo?  Chúng mang theo mình những nguyên tắc nhân văn sâu sắc, có giá trị hợp lý mặc dù chúng được thấm nhuần với những biểu tượng và những học thuyết tôn giáo.

257. Như các tín hữu chúng ta cảm thấy gần gũi ngay cả những người, dù không nhận mình là phần tử của bất kỳ truyền thống tôn giáo nào, nhưng chân thành tìm kiếm chân thiện mỹ, mà đối với chúng ta là biểu hiện cao nhất và nguồn mạch của chúng được tìm thấy nơi Thiên Chúa.  Chúng ta coi họ như những đồng minh quý hóa trong việc dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, trong việc xây dựng một sự chung sống hoà bình giữa các dân tộc và bảo vệ tạo vật.  Một không gian đặc biệt của cái gọi là Aeropagus mới, là “Sân của dân ngoại”, trong đó “các tín hữu và những người không tin có thể bàn về những vấn đề cơ bản của luân lý, nghệ thuật, khoa học, và việc tìm kiếm sự siêu việt.” [204]  Đây cũng là một con đường hòa bình cho thế giới đang bị thương tích của chúng ta.

258. Bắt đầu từ một số vấn đề xã hội, là những vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại, tôi đã cố gắng một lần nữa giải thích các chiều kích xã hội không thể tránh được của việc rao giảng Tin Mừng, nhằm mục đích khuyến khích mọi Kitô hữu luôn luôn biểu lộ chúng bằng lời nói, thái độ và hành động của họ.

(còn tiếp)

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn/

———————————

Notes:

[140] PAUL VI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 17: AAS 68 (1976), 17.

[141] JOHN PAUL II, Message to the Handicapped, Angelus (16 November 1980): Insegnamenti, 3/2 (1980), 1232.

[142] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 52.

[143] JOHN PAUL II, Catechesis (24 April 1991): Insegnamenti, 14/1 (1991), 853.

[144] BENEDICT XVI, Motu Proprio Intima Ecclesiae Natura (11 November 2012): AAS 104 (2012), 996.

[145] Encyclical Letter Populorum Progressio (16 March 1967), 14: AAS 59 (1967), 264.

[146] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1075), 29: AAS 68 (1976), 25.

[147] FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 380.

[148] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 9.

[149] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in America (22 January 1999), 27: AAS 91 (1999), 762.

[150] BENEDICT XVI, Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 28: AAS 98 (2006), 239-240.

[151] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 12.

[152] Apostolic Letter Octogesima Adveniens (14 May 1971), 4: AAS 63 (1971), 403.

[153] CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Instruction Libertatis Nuntius (6 August 1984), XI, 1: AAS 76 (1984), 903.

[154] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 157.

[155] PAUL VI, Apostolic Letter Octogesima Adveniens (14 May 1971), 23: AAS 63 (1971), 418.

[156] PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 65: AAS 59 (1967), 289.

[157] Ibid., 15: AAS 59 (1967), 265.

[158] CONFERÊNCIA NACIONAL DOS BISPOS DO BRAZIL, Exigências evangélicas e éticas de superação da miséria e da fome” (April 2002), Introduction, 2.

[159]JOHN XIII, Encyclical Letter Mater et Magistra (15 May 1961), 3: AAS 53 (1961), 402.

[160] SAINT AUGUSTINE, De Catechizandis Rudibus, I, XIX, 22: PL 40, 327.

[161] CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Instruction Libertatis Nuntius (6 August 1984), XI, 18: AAS 76 (1984), 907-908.

[162] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Centesimus Annus (1 May 1991), 41: AAS 83 (1991), 844-845.

[163] JOHN PAUL II, Homily at Mass for the Evangelization of Peoples in Santo Domingo (11 October 1984), 5: AAS 77 (1985), 358.

[164] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 42: AAS 80 (1988), 572.

[165] Address at the Inaugural Session of the Fifth General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops (13 May 2007), 3: AAS 99 (2007), 450.

[166] SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th., II-II, q. 27, a. 2.

[167] Ibid., I-II, q. 110, a. 1.

[168] Ibid., I-II, q. 26, a. 3.

[169] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 50: AAS 93 (2001), 303.

[170] Ibid.

[171] Cf. Propositio 45.

[172] CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Instruction Libertatis Nuntius (6 August 1984), XI, 18: AAS 76 (1984), 908.

[173] This implies a commitment to “eliminate the structural causes of global economic dysfunction”: BENEDICT XVI, Address to the Diplomatic Corps (8 January 2007): AAS 99 (2007), 73.

[174] Cf. COMMISSION SOCIALE DE L’ÉPISCOPAT FRANÇAIS, Réhabiliter la politique (17 February 1999); cf. PIUS XI, Message of 18 December 1927.

[175] BENEDICT XVI, Encyclical Letter Caritas in Veritate (29 June 2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[176] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici (30 December 1988), 37: AAS 81 (1989), 461.

[177] Cf. Propositio 56.

[178] CATHOLIC BISHOPS CONFERENCE OF THE PHILIPPINES, Pastoral Letter What is Happening to our Beautiful Land? (29 January 1988).

[179] PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 76: AAS 59 (1967), 294-295.

[180] UNITED STATES CONFERENCE OF CATHOLIC BISHOPS, Pastoral Letter Forming Conscience for Faithful Citizenship (November 2007), 13.

[181] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 161.

[182] Das Ende der Neuzeit, Würzburg, 1965, 30-31.

[183] Cf. I. QUILES, S.J., Filosofía de la educación personalista, Buenos Aires, 1981, 46-53.

[184] COMITÉ PERMANENT DE LA CONFÉRENCE ÉPISCOPALE NATIONALE DU CONGO, Message sur la situation sécuritaire dans le pays (5 December 2012), 11.

[185] Cf. PLATO, Gorgias, 465.

[186] BENEDICT XVI, Address to the Roman Curia (21 December 2012): AAS 105 (2013), 51.

[187] Cf. Propositio 14.

[188] Cf. Catechism of the Catholic Church, 1910; PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 168.

[189] Cf. Propositio 54.

[190] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 88: AAS 91 (1999), 74.

[191] SAINT THOMAS AQUINAS, Summa contra Gentiles, I, 7; cf. JOHN PAUL II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 43: AAS 91 (1999), 39.

[192] SECOND VATICAN COUNCIL, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 4.

[193] Cf. Propositio 52.

[194] INDIAN BISHOPS’ CONFERENCE, Final Declaration of the XXX Assembly: The Role of the Church for a Better India (8 March 2013), 8.9.

[195] Cf. Propositio 53.

[196] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990), 56: AAS 83 (1991), 304.

[197] Cf. BENEDICT XVI, Address to the Roman Curia (21 December 2012): AAS 105 (2006), 51; SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Decree on the Missionary Activity of the Church Ad Gentes, 9; Catechism of the Catholic Church, 856.

[198] SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 16.

[199] INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION, Christianity and the World Religions (1996), 72: Enchiridion Vaticanum 15, No. 1061.

[200] Ibid.

[201] Cf. ibid., 81-87: Enchiridion Vaticanum 15, Nos. 1070-1076.

[202] Cf. Propositio 16.

[203] BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Medio Oriente (14 September 2012), 26: AAS 104 (2012), 762.

[204] Cf. Propositio 55.

Ephesians 1:10
View in: NAB
10In the dispensation of the fulness of times, to re-establish all things in Christ, that are in heaven and on earth, in him.
Galatians 5:22
View in: NAB
22But the fruit of the Spirit is, charity, joy, peace, patience, benignity, goodness, longanimity,
Ephesians 2:14
View in: NAB
14For he is our peace, who hath made both one, and breaking down the middle wall of partition, the enmities in his flesh:
Colossians 1:20
View in: NAB
20And through him to reconcile all things unto himself, making peace through the blood of his cross, both as to the things that are on earth, and the things that are in heaven.
Galatians 4:2
View in: NAB
2But is under tutors and governors until the time appointed by the father:
Ephesians 6:15
View in: NAB
15And your feet shod with the preparation of the gospel of peace:
Matthew 5:9
View in: NAB
9Blessed are the peacemakers: for they shall be called children of God.
Isaiah 2:4
View in: NAB
4And he shall judge the Gentiles, and rebuke many people: and they shall turn their swords into ploughshares, and their spears into sickles: nation shall not lift up sword against nation, neither shall they be exercised any more to war.