Chúa Nhật 3 Mùa Chay (Lc 13, 1-9)
Sáng hôm ấy, Thầy giáo cho các em học sinh một trò chơi luyện trí: Thầy chia học sinh thành hai nhóm. Mỗi nhóm phải lần lượt đưa ra đáp án cho câu hỏi của thầy. Nhóm nào bí, xem như thua cuộc. Câu hỏi được ghi lên bảng như sau: Em hãy cho biết công dụng của viên gạch.
Hai nhóm lần lượt đưa ra các câu đáp như sau: gạch được dùng trong xây dựng – để kê chân bàn, tủ, giường – chặn cửa – chận bánh xe – chặn giấy – kê thành bếp nấu ăn (khi đi trại) – kê ngồi tạm thay ghế – làm gối kê đầu khi dã ngoại – giã lương thực (hạt điều) thay cho chày – dùng thay búa trong một số trường hợp – tự vệ khi bị đe dọa – tấn công đối thủ, ném chó – làm xiếc – làm thớt – vân vân…
Không ngờ viên gạch xem ra quá đỗi tầm thường mà có thể mang lại nhiều công dụng như thế.
Tiếp đến, Thầy giáo đề nghị nêu lên công dụng của cây xương rồng bà, loại cây nầy có nhiều gai tua tủa trên hai mặt lá, thân cao từ một đến hai mét, mọc dày trên những phần đất khô cằn tại những vùng đồi núi ở Phan Rang-Ninh Thuận.
Hai nhóm lại lần lượt nêu lên những công dụng sau: trồng làm hàng rào bảo vệ nương rẫy – thức ăn cho dê cừu (sau khi dùng rơm rạ đốt cho cháy xém) – che chắn gió – phủ xanh đồi trọc – chống xói mòn – cung cấp trái cho chim chóc (người cũng ăn được) – lấy mủ làm thuốc – ủ làm phân xanh, vân vân…
Cũng không ai ngờ cái thứ xương rồng đầy gai góc, tưởng là vô tích sự đáng chặt bỏ kia lại cống hiến cho đời nhiều công dụng tốt lành như thế.
Sau cùng, Thầy giáo nêu lên câu hỏi thứ ba: Em hãy cho biết lợi ích mà những kẻ chây lười chỉ lo hưởng thụ (tỉ như những tay rượu chè be bét, bài bạc tối ngày…) mang lại cho đời.
Đến đây, nhiều khuôn mặt hồn nhiên trở nên đăm chiêu tư lự, một số em vò đầu, nhiều em cắn bút suy nghĩ hồi lâu mà không ai tìm được bất kỳ một cống hiến nào của nhóm người nầy cho nhân quần xã hội.
Thế là những người thuộc diện nầy, vốn chẳng sinh được hoa trái vật chất hay tinh thần để cống hiến cho đời, thật đáng tủi thẹn với những viên gạch vô tri cũng như với cả những cụm cây xương rồng mọc hoang ở những nơi cằn cỗi!
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hãy sám hối và một trong những lý do khiến người ta phải sám hối là vì đã không dùng thời giờ và năng lực Chúa ban để sinh nhiều “hoa trái” vật chất hay tinh thần.
Chúa Giê-su ví những người thuộc diện nầy như cây vả không sinh trái mà Chủ Vườn muốn chặt bỏ đi. Người nói:
“Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13, 6-9)
Trổ sinh những loại hoa trái nào đây?
Cây nào phải sinh trái đó. Chúa trao cho mỗi người một nhiệm vụ khác nhau nên cũng phải trổ sinh những hoa trái khác nhau.
Nâng cao phẩm chất của mình, làm gương sáng, làm tròn bổn phận đối với Chúa, chu toàn bổn phận đối với cha mẹ vợ chồng anh chị em trong gia đình, tham gia xây dựng phúc lợi cộng đồng, chăm lo phục vụ những người gặp khó khăn bệnh tật túng thiếu đang sống chung quanh ta… là những hoa trái tốt lành mà mọi người có thể cống hiến, mà nếu ta không cống hiến được thì thực đáng buồn.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa như người làm vườn nhân hậu đã nài xin Chúa Cha hoãn lại cho chúng con thêm một thời gian nữa để Chúa chăm sóc thêm cho chúng con, hầu mong chúng con sinh hoa trái tốt.
Xin đừng để chúng con làm cho Chúa thất vọng vì không sinh trái mà lại sinh toàn gai góc.
Xin cho chúng con biết tận dụng thời giờ còn lại để lập thêm công đức, để sinh nhiều hoa trái tốt, hoa trái vật chất cũng như hoa trái thiêng liêng, nhờ đó cuộc đời chúng con thêm tươi đẹp và chúng con sẽ làm vinh danh Chúa bằng đời sống cao đẹp của mình.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà