Dưới đây là bản dịch Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi Triều Yết Chung tại Đại Sảnh Đường Phaolô VI vào Thứ Tư Lễ Tro, ngày 9 tháng 3 năn 2011.
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, được đánh dấu bời biểu tượng giản dị của tro, chúng ta bước vào Mùa Chay, khởi sự một cuộc hành trình thiêng liêng để chuẩn bị cho chúng ta mừng mầu nhiệm Phục Sinh một cách xứng đáng. Việc bỏ Tro đã được làm phép lên đầu chúng ta là một dấu hiệu nhắc nhở cho chúng ta về điều kiện của mình như những tạo vật, mời gọi chúng ta ăn năn đền tội và mãnh liệt quyết tâm hối cải trở về đề đi theo Chúa mỗi ngày một hơn.
Mùa Chay là một cuộc hành trình, là đi theo Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, là nơi mầu nhiệm sự thương khó, sự chết và sự phục sinh của Người được hoàn thành. Nó nhắc nhở chúng ta rằng đời Kitô hữu là một cuộc hành trình, không hệ tại mấy ở việc tuân theo lề luật, nhưng hệ tại ở chính con người Đức Kitô, là Đấng mà chúng ta phải gặp gỡ, đón tiếp và đi theo. Quả thật, câu nói của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy” (Lc 9:23) bảo chúng ta rằng nếu chúng ta muốn sống với Người trong ánh sáng và niềm vui cùa phục sinh, của chiến thắng, của tình yêu và điều thiện hảo, thì chúng ta phải vác thập giá mình hằng ngày, như Người mời gọi chúng ta trong một trang tuyệt vời của Sách Gương Chúa Giêsu: “cho nên, hãy vác thập giá của bạn mà theo Chúa Giêsu, để bạn có thể bước vào đời sống vĩnh cửu. Người đã đi trước bạn, vác Thập Giá của Người (Ga 19:17) và đã chết cho bạn ở trên đó, để bạn cũng có thể vác thập giá của bạn và cũng sẵn sáng chịu được đóng đinh trên đó. Thực ra nếu bạn chết với Người, thì bạn cũng sẽ được sống với Người. Nếu bạn chia sẻ đau khổ của Người thì bạn cũng sẽ được chia sẻ chiến thắng của Người” (Q 2, Ch. 12, số 2).
Trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, với việc cử hành Mùa Chay này, là dấu chỉ bí tích của việc hoán cải của chúng con, xin cho các tín hữu của Cha được hiểu biết hơn về mầu nhiệm của Đức Kitô và làm chứng cho mầu nhiệm ấy bằng một cách sống xứng đáng” (Kinh Đầu Lễ). Đó là một lời cầu khẩn hướng về Thiên Chúa vì chúng ta biết rằng chỉ có Ngài mới hoán cải được tâm hồn chúng ta; và chính trong Phụng Vụ, trong việc tham dự vào những mầu nhiệm thánh, mà chúng ta được đưa vào cuộc hành trình trên con đường này với Chúa; là tự đặt mình vào trường của Chúa Giêsu, suy niệm về những biến cố đưa chúng ta đến ơn cứu độ, nhưng không đơn thuần là sự tưởng nhớ, là hồi tưởng về những biến cố trong quá khứ. Trong cử hành phụng vụ, là nơi Đức Kitô là cho mình hiện diện qua quyền năng Chúa Thánh Thần, những biến cố cứu độ ấy được hiện tại hóa. Có một từ chính được lập đi lập lại trong Phụng Vụ để ám chỉ điều này: đó là từ “Hôm Nay”, và chúng ta phải hiểu nó không theo nghĩa ẩn dụ, nhưng theo nghĩa nguyên thủy và thật sự của nó. Hôm nay, Tin Mừng tỏ lộ cho chúng ta Luật của Người và cho chúng ta chọn giữa điều thiện và điều ác, giữa sự sống và sự chết hôm nay (x. Đnl 30:19); hôm nay Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy hối cải và tin vào Tin Mừng (Mc 1:15); hôm nay Đức Kitô đã chết trên đồi Canvê và đã sống lại từ cõi chết cùng lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha; hôm nay chúng ta được Thiên Chúa ban cho Chúa Thánh Thần và hôm nay là thời thuận tiện. Như thế việc tham dự vào Phụng Vụ có nghĩa là nhận chìm cuộc sống chúng ta vào mầu nhiệm của Đức Kitô, vào sự hiện diện thường trực của Người, để thực hiện một cuộc hành trình mà trong đó chúng ta đi vào cái chết và sự sống lại của Người để được sống.
Trong Chúa Nhật Mùa Chay, một cách rất đặc biệt trong chu kỳ Phụng Vụ Năm A, chúng ta được mời gọi để sống cuộc hành trình rửa tội, hầu như đi theo cuộc hành trình của những người dự tòng, những người đang chuẩn bị lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, để làm tái sinh trong chính mình hồng ân này và nhờ đó tái khám phá ra trong đời sống mình những đòi hỏi và những quyết tâm của Bí Tích này, là căn bản của đời Kitô hữu. Trong sứ điệp mà tôi đã gửi ra cho Mùa Chay này, tôi muốn nhắc lại mối liên hệ đặc biệt giữa Mùa Chay và Bí Tích Thánh Tẩy. Hội Thánh luôn luôn liên kết Lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành Bí Tích Thánh Tẩy: trong ấy thể hiện mầu nhiệm cao cả mà qua đó con người, đã chết đi cho tội lỗi, được thông phần vào đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh và lãnh nhận Thần Khí của Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Romans 8:11).
Các bài đọc của những Chúa Nhật sắp đến mà tôi mời gọi anh chị em đặc biệt chú ý đến, được rút ra từ một truyền thống cổ xưa, là những bài đi cùng những người dự tòng trong việc tìm hiểu Bí Tích Thánh Tẩy: chúng là những tin mừng công bố những gì Thiên Chúa thực hiện trong Bí Tích này, một bài giáo lý tuyệt vời dành cho mỗi người trong chúng ta.
Chúa Nhật thứ nhất trình bày việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, mời gọi chúng ta nhắc lại quyết định dứt khoát của chúng ta dành cho Thiên Chúa và can đảm đương đầu với cuộc chiến trước mặt để kiên trì trung tín với Người. Chúng ta luôn luôn cần phải nhắc lại quyết định này là tuyệt cự ma quỷ và đi theo Chúa Giêsu. Trong Chúa Nhật này Hội Thánh, sau khi nghe lời chứng của các cha mẹ đỡ đầu và các giáo lý viên, cử hành nghi thức tuyển chọn những người được lãnh nhận các bí tích trong Lễ Phục Sinh.
Chúa Nhật thứ hai nói về ông Abraham và cuộc Hiển Dung. Bí Tích Thánh Thẩy là Bí Tích của đức tin và của ơn được làm nghĩa tử Thiên Chúa. Như ông Abraham, cha của các tín hữu, chúng ta cũng được mời gọi để từ bỏ, để rời quê hương mình, bỏ lại sự an toàn mà chúng ta đã xây dựng, để tín thác vào Thiên Chúa; và mục tiêu được trình bày trong việc biến hình của Đức Kitô, Chúa Con Yêu Dấu, trong Người chúng ta cũng được trở thành con cái Thiên Chúa.
Những Chúa Nhật tiếp theo trình bày Bí Tích Thánh Tẩy trong những hình ảnh của nước, lửa và sự sống. Trong Chúa Nhật thứ ba, chúng ta gặp người phụ nữ Samari (x. Galatians 4:5-42). Như dân Israel trong cuộc Xuất Hành, trong Bí Tích Thánh Tẩy chúng ta cũng nhận được nước cứu độ. Như Chúa bảo người phụ nữ Samari rằng Người có nước trường sinh là nước làm thỏa mãn mọi sự đói khát, nước này là Thần Khí của Người. Trong Chúa Nhật này, Hội Thánh cừ hành nghi thức khảo hạch lần thứ nhất dành cho những người dự tòng và trong tuần này trao cho họ biểu hiệu: Bản Tuyên Xưng Đức Tin, Kinh Tin Kính.
Chúa Nhật thứ tư đưa chúng ta đến việc suy niệm về cảm ngiệm của “người mù từ thủa sơ sanh” (x. Ga 9:1-41). Trong Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được giải thoát khỏi bóng tối của ma quỷ và nhận ánh sáng của Đức Kitô để sống như con cái sự sáng. Chúng ta cũng phải học để nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong dung nhan Đức Kitô, và như thế chúng ta cũng nhìn thấy ánh sáng. Chúa nhật này cử hành nghi thức khảo hạch lần thứ nhì trong cuộc hành trình của những người dự tóng.
Sau cùng, Chúa Nhật thứ năm trình bày cho chúng ta việc Chúa cho ông Lagiarô sống lại (x. Ga 11:1-45). Trong Bí Tích Thánh Tẩy chúng ta đi từ cõi chết sang cõi sống và được ban ơn có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, để làm cho con người cũ chết đi và để sống trong Thần Khí của Đấng Phục Sinh. Cuộc khảo hạch lần thứ ba được tổ chức cho những người dự tòng, và trong tuần này họ được trao cho Kinh Nguyện của Chúa là Kinh Lạy Cha.
Cuộc hành trình Mùa Chay mà chúng ta được mời gọi đi theo, trong Truyền Thống của Hội Thánh, được biểu thị bằng một vài điều thực tiễn: ăn chay, làm phúc (bố thí) và cầu nguyện. Ăn chay có nghĩa là kiêng ăn, nhưng cũng bao gồm những hình thức hãm mình khác để sống cách điều độ hơn. Nhưng tất cả những điều ấy không tạo thành cách đầy đủ bản chất chính xác của việc ăn chay: Nó là dấu bề ngoài của một thực tại nội tâm, của quyết tâm xa lánh sự dữ và sống Tin Mừng của chúng ta, nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Người nào không biết nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa thì cũng không thực sự ăn chay.
Theo truyền thống Kitô giáo, ăn chay liên hệ chặt chẽ với việc làm phúc (bố thí). Trong một bài nói về Mùa Chay, Thánh Lêo Cả đã dạy: “Điều gì mà một Kitô hữu thường làm, thì giờ đây người ấy phải làm với một quyết tâm và lòng sùng kính lớn lao hơn, để thi hành luật giữ chay của Mùa Chay theo tông truyền không những hệ tại việc chỉ kiêng thức ăn, nhưng trên hết là xa lánh tội lỗi. Đối với việc ăn chay theo luật buộc và thánh thiện này, không có việc làm nào ích lợi hơn làm phúc, làm dưới danh nghĩa đặc biệt của ‘lòng thương xót’ bao gồm nhiều việc lành. Lãnh vực làm việc thương xót thì bao la. Không phải chỉ những người giàu có và sang trọng mới có thể làm ích cho người khác bằng việc từ thiện, mà cả những người ở hoàn cảnh trung bình hay nghèo túng cũng có thể làm được. Bằng cách này, mặc dầu không được bằng nhau về vật chất, mọi người đều có thể bằng nhau về cảm tình thương xót của linh hồn (Bài giảng số 6 về Mùa Chay, 2: Pl 54, 286). Trong Quy Luật Mục Vụ, Thánh Grêgôriô Cả đã nhắc rằng ăn chay là điều thánh thiện vì những nhân đức đi kèm theo nó, trên hết là đức bác ái, bởi vì mỗi cử chỉ đại lượng mà chúng ta dành cho người nghèo và người túng thiết là kết quả của việc hãm mình của chúng ta (x. 19, 10-11).
Hơn nữa Mùa Chay còn là thời gian đặc ân để cầu nguyện. Thánh Augustinô nói rằng ăn chay và làm phúc là “đôi cánh của cầu nguyện”, là điều đẩy mạnh chúng lên cùng Thiên Chúa. Ngài nói: “Bằng cách này, lời cầu nguyện của chúng ta, được thực hiện với lòng khiêm nhường và bác ái, trong ăn chay và làm phúc, trong tiết độ và tha thứ những lỗi lầm, trong việc cho đi những điều tốt mà không trả lại những điều xấu, tránh sự dữ và lám điều lành, tìm kiếm hoà bình và đạt được nó. Với đôi cánh của những nhân đức này, lời cầu nguyện của chúng ta bay cách an toàn và chắc chắn lên Thiên Đình, là nơi mà Đức Kitô, sự bình an của chúng ta, đã đến trước chúng ta” (Bài Giảng 206, 3 về Mùa Chay: PL 38, 1042)..
Hội Thánh biết rằng vì sự yếu đuối của chúng ta, chúng ta rất khó mà yên lặng và đặt mình trước nhan Thiên Chúa, cùng ý thức điều kiện của mình như loài thụ tạo lệ thuộc vào Ngài, và như kẻ tội lỗi cần đến tình thương của Ngài. Đó là lý do tại sao Mùa Chay mời gọi chúng ta cầu nguyện cách chân thành và tha thiết hơn, cùng suy niệm Lời Chúa lâu giờ. Thánh Gioan Kim Khẩu khuyên chúng ta: “Trang trí nhà cửa của anh em một cách giản dị và khiêm tốn qua việc thực hành cầu nguyện. Làm cho nhà anh em huy hoàng với ánh sáng công lý; trang hoàng những bức tường của nó bằng những việc lành như chúng là những lớp mạ bằng vàng ròng và đặt vào đó đức tin và những việc làm cao thượng siêu nhiên thay vì những bức tường và những đá quý, phủ trên mọi sự, trên trán tường cao, dùng cầu nguyện mà trang hoàng cả khu nhà. Bằng cách này anh em sẽ chuẩn bị một chỗ ở xứng đáng cho Chúa; bằng cách này anh em sẽ đón nhận Người ở một cung điện huy hoàng. Người sẽ giúp anh em biến đổi linh hồn mình thành Đền Thờ của sự hiện diện của Người” (Bài Giảng về Cầu Nguyện: PG 64, 466).
Các bạn thân mến, trong cuộc hành trình Mùa Chay, chúng ta hãy cẩn trọng chấp nhận lời mời của Đức Kitô để đi theo Người một cách cương quyết và vững chắc hơn, hãy làm mới lại ân sủng và lời hứa khi Rửa Tội của chúng ta, để từ bỏ con người cũ đang ở trong chúng ta và mặc lấy Đức Kitô, để khi được canh tân, chúng ta sẽ đạt đến Lễ Phục Sinh và có thể cùng Thánh Phaolô mà nói rằng: “Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Chúc các bạn một cuộc hành trình Mùa Chay tốt đẹp. Cám ơn các bạn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ