Chúa nhật 8 Quanh Năm A
(Is 49, 14-15; 1Cor 4, 1-5; Mt 6, 24-34).
Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh liên hệ mẹ con nối liền ruột thịt để diễn tả một tình yêu gắn bó khó rời. Đúng thế, chẳng người mẹ nào có thể quên con mình đã cưu mang và sanh nở. Vì con cái chính là thịt máu của mẹ. Mỗi người đều khởi đầu sự sống trong cung lòng mẹ. Dạ nào cũng êm ấm, bảo đảm và an toàn. Cung lòng mẹ là cái nôi cho con bước vào đời. Thiên Chúa đã an bài để thai nhi được phát triển một cách nhiệm mầu trong cung lòng mẹ. Sau khi thụ thai, người mẹ lãnh nhận một món qùa vô giá là sự sống của một người con. Mẹ cứ việc sinh hoạt bình thường, đi lại, làm lụng, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí và dưỡng thai. Biết có thai nhi trong cung lòng, mẹ cảm nhận mọi biến chuyển của thân xác nhưng không nhìn biết sự phát triển của con. Mỗi ngày sự sống trong con phát triển để thay đổi hình hài và mỗi giây phút con đều nhận hởi thở và của nuôi dưỡng qua thân xác mẹ.
Mẹ con gắn liền sự sống bên nhau. Khi con còn ở trong lòng mẹ, mẹ con cùng chia sẻ sự sống. Nhưng mỗi thụ tạo dù bé nhỏ đều có một kết cấu hình thành riêng biệt. Với tình mẫu tử, các người mẹ đều yêu thương con cái mình. Qua sự quan phòng, Thiên Chúa còn yêu thương mỗi loài thụ tạo hơn nữa. Tiên tri Isaia diễn tả tình yêu: Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu (Is 49, 15). Thực tế cuộc sống, chúng ta biết không thiếu những trường hợp cha mẹ ruồng bỏ con, hủy diệt mạng sống non nớt của con và từ chối đón nhận con. Chúng ta không xét đoán những bà mẹ đáng thương này. Mỗi bà mẹ bỏ con đều có những uẩn khúc và lý do riêng. Chúng ta được biết mỗi ngày có biết bao nhiêu bào thai bị phá, trẻ sơ sinh bỏ rơi cho chết và trẻ em bị bán đi làm nô lệ tình dục và lao động. Cha mẹ thương con, nhưng nhiều khi cha mẹ rơi vào những trạng huống thật khó khăn. Tuy nhiên không có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc chối bỏ, quên lãng hay hủy diệt con cái mình. Chỉ vì nhiều cha mẹ đã chọn sai ông chủ.
Thánh Matthêô đã vạch rõ con đường theo Chúa: Không ai có thể làm tô hai chủ: Vì hoặc nó sẽ ghét người này và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được (Mt 6, 24). Có nhiều cha mẹ đã phá thai bỏ con. Họ coi con cái như của nợ và như gánh nặng cuộc đời. Có rất nhiều trường hợp và lý do đưa đến sự từ bỏ con cái, khi còn là thai nhi. Các trường hợp có thể: Khi cha mẹ tuổi đời còn qúa trẻ, chưa hoàn tất việc học hành, lỡ lầm, chưa có tương lai, chưa có nghề nghiệp, kinh tế khó khăn, danh giá gia đình, sợ mang tiếng tăm, sợ gánh nặng, sợ tương lai, bạn trai trốn chạy, sợ trách nhiệm và có những liên hệ bất chính… Cha mẹ từ bỏ con cái mình vì đã tự chọn danh giá, quyền lợi, thú vui và tiền của để làm chủ cuộc đời. Cuộc sống luân lý bị ảnh hưởng của trào lưu xã hội tục hóa và hưởng thụ. Tiền bạc của cải đã chi phối toàn diện đời sống con người. Của cải là đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu.
Truyện kể: Một người giầu có thường đến xưng tội với thánh Philiphê Neri, nhưng không thấy tiến bộ trên đường nhân đức, nên ông đã chán nản thất vọng đến nỗi bỏ luôn việc xưng tội. Thánh nhân tìm đến nhà ông, sau một lúc truyện trò thân mật, ngài nhìn lên cây thánh giá treo trên trường và cân nhắc độ cao của thánh giá, rồi đề nghị với người giầu có rằng: Ông thử với tay xem có chạm tới thánh giá được không? Người đàn ông vươn cánh tay dài của mình ra nhưng không thể nào chạm tới thánh giá được. Bấy giờ thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái tủ đựng tiền của ông đến bên cạnh, ngài bảo ông hãy đứng lên cái tủ ấy để với tới thánh giá. Qủa thật, ông đã sờ chạm được Chúa Giêsu trên thánh giá. Lúc đó thánh nhân mới nói: Để có thể chạm được Chúa Giêsu và để tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải ‘đứng trên tiền bạc’.
Có một sự giằng co mãnh liệt trong đời sống luân lý đạo đức ngày nay. Hằng ngày chúng ta phải đối diện với sự tranh đấu sống còn về cơm áo gạo tiền. Những đòi hỏi nhu cầu cuộc sống càng ngày càng tăng. Chúng ta phải lăn xả và chìm đắm trong công ăn việc làm, tiền bạc của cải và đời sống bon chen từng ngày. Chúa Giêsu nhắc nhở tỉnh thức: Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con (Mt 6, 33). Chúng ta tự nhủ rằng phải lợi dụng mọi thời giờ, cơ hội và sức lực để thu bón của cải làm giầu. Và cứ thế, chúng ta mải mê ngày này qua ngày khác vun xới cho kho tàng tạm bợ này. Chúng ta quên rằng: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước, mọi sự Chúa sẽ ban cho.
Chúa không khuyên dạy chúng ta ăn không ngồi rồi. Nhưng cần có lòng tin tưởng và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa: Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy (Mt 6, 34). Chúng ta quan sát sự vận hành trong vũ trụ, mỗi ngày là một ngày mới có nhiều thay đổi. Thế giới, môi trường và đời sống đổi thay từng giây phút. Không có gì tồn tại mãi ở đời. Khí hậu mỗi ngày mỗi khác và mưa nắng mỗi mùa mỗi thay đổi. Chúng ta không nắm chắc được điều gì trong tương lai. Chúng ta thường lo lắng tính toán nhiều cho ngày mai. Sự lo lắng của chúng ta là chính đáng, đó là sự khôn ngoan biết dự liệu trước sau. Nhưng sự thành bại còn tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh và môi trường chung quanh. Mỗi ngày luôn có những sự cố mới bất ngờ xảy ra không ai lường trước.
Mỗi ngày có biết bao nhiêu sự lạ xuất hiện. Vũ trụ tự nhiên thì cứ tiếp tục vận hành theo sự an bài của Đấng Tạo Hóa. Xã hội con người cũng tiến bước trong các ngành nghề và mọi khía cạnh cuộc sống. Kỹ thuật khoa học không ngừng phát triển. Đời sống tâm linh của con người không thể nhắm mắt đưa chân theo những đòi hỏi của bản năng hay trào lưu tục hóa. Sự chọn lựa thái độ sống của con người rất quan trọng. Đời sống con người có cùng đích và có hướng để tiến tới. Bước tiến đồng hành cả về trí, đức và dục. Chúng ta không thể tách biệt sứ mệnh của con người trong cuộc lữ hành dưới thế. Vì con người khởi đi từ đất nhưng kết thúc trên cõi cao. Chúng ta không thể chỉ bám víu vào tiền bạc, của cải, danh vọng và thỏa mãn các thú tính. Ơn gọi của chúng ta thật cao cả. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và chọn Chúa làm chủ đời mình. Chúng ta sẽ được bước đi trên con đường tình yêu rộng mở.
Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy tự vấn lương tâm: Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hóa. Đấng xét đoán tôi chính là Chúa (1Cor 4, 4). Đôi khi chúng ta quá hài lòng về chính mình và tưởng rằng mình tốt lành, thánh thiện đủ rồi. Đôi khi chúng ta qúa tự tin vào khả năng hiểu biết, ý chí và sức mạnh phấn đấu của mình. Hãy nhớ lời thánh Phaolô nhắc nhở rằng đừng tưởng mình đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng xét đoán sau cùng. Thiên Chúa thấu tỏ mọi tâm tư, uẩn khúc và khát vọng của con người. Chúng ta đừng để của cải thế gian lôi cuốn vào những thực tại phù hoa thế trần. Hãy tỉnh thức chọn Chúa làm gia nghiệp cuộc đời, chúng ta sẽ có tất cả.
Lạy Chúa, Chúa yêu thương hết mọi loài. Chúa yêu chúng con hơn cả cha mẹ yêu chúng con. Chúng con yêu Chúa với hết tâm tình, linh hồn và thân xác. Chúa là nơi chúng con nương tựa và cậy trông. Chúa có lời ban sự sống đời đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng