“Không ai có thể làm tôi hai chủ… làm tôi tiền của”. Chẳng ai dám tuyên bố thẳng thừng rằng mình ‘làm tôi’ hay ‘là đầy tớ’ tiền của đâu; nhưng hầu hết chúng ta đều sẵn sàng nhìn nhận: mình dành phần lớn thời giờ và công sức để lo kiếm tiền. Điều này thật tự nhiên và chẳng có gì sai trái hết. Đó là qui luật sống bất thành văn áp dụng chung cho hết thảy mọi người, nhất là trong cái xã hội đầy cạnh tranh được gọi là văn minh tiến bộ ngày nay. Chính vì thế mà ít ai bị sốc vì câu nói ‘không được làm tôi tiền của’ vì nghĩ rằng mình có bao giờ rơi vào trường hợp đó đâu; nhưng nhiều người lại thấy rất khó chịu vì đức Giê-su khuyên nhủ và cảnh cáo: “tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… đừng lo lắng vì ngày mai!”
Đã sinh ra trên đời, ngoại trừ một thiểu số những người được may mắn thừa hưởng gia tài kếch sù nào đó, ai ai cũng phải lo kiếm sống. ‘Lo cho ngày mai’ là điều không những cần làm, mà còn phải dạy cho con cái biết để chúng sinh tồn. Thiên hạ đã chẳng luôn ca ngợi những người biết phòng thân, biết lo xa… biết làm ăn là gì? Thậm chí người ta còn coi đó là dấu hiệu của trưởng thành. Khi một đứa trẻ còn nhỏ tuổi, nó sống vô tư bao lâu còn có cha có mẹ chăm lo cho nó. Quả thực nó hạnh phúc vì không phải lo cho ngày mai. Tuy nhiên cha mẹ nào cũng tìm mọi cách cho nó ăn học, chỉ vẽ nó kinh nghiệm này nọ… vì biết chắc rằng một ngày kia nó sẽ phải tự lập. Khi phải xa lìa hoặc mất cha mất mẹ, tức là khi chỉ có một mình trên đời, không nơi nương tựa, thì biết phòng thân lo xa là điều thiết yếu nhất.
Khi đức Giê-su yêu cầu các thính giả ngài “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…”, ngài chỉ nại tới một lý do duy nhất – và đó là cốt lõi của Tin Mừng ngài – là anh em còn có Thiên Chúa là Cha trên trời, đấng không những toàn năng vô song, mà còn đầy nhân ái yêu thương. Ngài muốn những ai tin vào ngài thì cũng chia sẻ tâm tình phụ tử thâm sâu nhất mà ngài đã xuống trần để mạc khải cho con người về một Thiên Chúa: “Abba… Cha ơi!” Ngài đã từng tuyên bố rằng tâm tình phó thác trẻ thơ là điều quí giá nhất cần lưu giữ. “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại và nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng dược vào Nước Trời” (Mt 18,3). Như thế , xem như ngài tuyên bố: riêng đối với các Ki-tô hữu, những kẻ tin vào ngài và cũng là tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng đầy từ nhân, thì thái độ lo lắng thái quá cho ngày mai và chạy theo tiền của là một phản bội, chối bỏ chính niềm tin của mình. Đó không đơn thuần chỉ là một lời khuyên mang tính luân lý để ngăn chặn lòng tham, nhưng là một cảnh báo liên quan trực tiếp tới đức tin. Đối với tín hữu, càng lo lắng cho ngày mai thì càng tố cáo niềm tin của họ vào Cha nhân ái đã ra phai nhạt.
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho!” Nếu Nước Thiên Chúa chính là mạc khải của đức Giê-su về một Thiên Chúa-Abba đầy nhân ái, thì tìm kiếm Nước đó phải được hiểu là trước hết hãy đón nhận và củng cố niềm tin vào Thiên Chúa là Cha. Còn nếu đức công chính của Thiên Chúa là tình yêu thứ tha của ơn cứu độ mà Chúa Cha thực hiện nơi thập giá đức Ki-tô Giê-su, thì tìm kiếm đức công chính đó phải là nỗ lực sống bác ái yêu thương và tha thứ cho cả thù địch (xem Mt 5, 38-48 của CN 7 thường niên năm A). Đối với mọi tín hữu, trong nhận thức đức tin của họ, thì mối quan tâm này phải được ưu tiên đặt lển hàng đầu. Kinh nguyện ‘Lạy Cha’ mà đức Giê-su dạy cho các tông đồ, đúng là diễn tả tâm tình sâu lắng nhất của mọi Ki-tô hữu trong tư thế con thảo đối với Cha trên trời, họ tha thiết tìm kiếm (nguyện xin) Nước Thiên Chúa (phần một), và sự công chính của Người (phần hai). Thản hoặc còn chút lo lắng ‘sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây…’ thì cũng phải gói trọn trong tình con thảo với người Cha nhân ái trên trời (câu giữa).
Lạy Cha từ nhân, xin ban cho con hồng ân biết trọn vẹn tin tưởng phó thác trong vòng tay nhân ái của Cha. Như thánh Tê-rê-xa Hài Đồng, con thà mất tất cả mọi ân huệ khác chứ không muốn mất niềm tin yêu phó thác này, là kho tàng quí báu nhất mà Thánh Tử Giê-su cất công mạc khải. Xin cho con biết thốt lên như đức Giê-su trên thập giá, khi gặp lo toan: “Con phó mình con trong tay Cha nhân ái”. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB