Mở đầu
Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói đến sự cần thiết việc ‘phúc âm hoá mới trong nhiệt thành, trong phương cách, trong cách diễn đạt’(Diễn từ trong Đại Hội XIX của HĐGM Mỹ Châu, 9/3/1983). Bài viết chỉ mong làm rõ khái niệm về việc tân phúc âm hoá, bằng cách tự giới hạn trong những phát biểu của huấn quyền. Sau khi làm rõ điều gì không phải là tân phúc âm hoá, sẽ nêu lên bản chất của công việc truyền giáo này bằng cách xem xét những phát biểu có ý nghĩa nhất trong triều của Đức Gioan Phaolô II.
1. Bối Cảnh của vấn đề
Công Đồng Vaticanô II trong sắc lệnh Ad Gentes, sau khi nêu lên mục đích đặc biệt của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, đã nhận xét sự kiện này như sau: ‘Ngoài ra, những nhóm người mà Giáo Hội đang chung sống, thường bị thay đổi tận gốc vì nhiều lý do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy Giáo Hội phải cân nhắc xem những hoàn cảnh đó có còn đòi phải hoạt động truyền giáo nữa không?’(Ad Gentes 6).
Như thế minh chứng cho thấy biểu thức ‘giáo hội truyền giáo’, không chỉ cần một việc tân phúc âm hoá, nhưng còn trong một vài trường hợp, cần đến việc phúc âm hoá lần đầu nữa.
Ngày nay chúng ta đang sống trong tình trạng cần thiết việc ‘gieo tin mừng’ mới ngay trong một quốc gia như là nước Ý (HĐGM Ý, Giáo Hội tại Ý hậu Loreto, số 29). Với các Giám Mục vùng Toscana dịp triều yết, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: ‘Ngay cả vùng đất Toscana của các Ngài cũng là vùng truyền giáo’ (Osserv. Romano, số 11-12, 03/1991, trang 4).
10 năm sau sắc lệnh Ad Gentes, ĐGH Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), khi đề cập đến các đối tượng của việc phúc âm hoá, ngay sau việc loan báo cho những người ở xa (EN 51), đã nhấn mạnh đến việc phúc âm hoá cho thế giới kitô, cho ‘số đông những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội nhưng lại sống hoàn toàn xa lạ với đời sống kitô’ (EN 52); đối với những người này ‘công việc phúc âm hoá cần phải liên lỉ tìm ra những phương cách và ngôn ngữ thích hợp để giới thiệu hoặc tái giới thiệu mạc khải của Thiên Chúa, và niềm tin vào Đức Giêsu Kitô’ (EN 56). Như ta thấy, dù không xử dụng thuật ngữ ‘tân phúc âm hoá’ Công Đồng Vat II và huấn quyền hậu công đồng nhắc đến bản chất đó khi các ngài quả quyết đòi hỏi tái giới thiệu tin mừng cho những người, dù đã rửa tội rồi, nhưng thực tế sống xa lạ với đời sống kitô, nên cần có việc tái phúc âm hoá (ri-evangelizzazione).
2. Điều gì không phải là tân phúc âm hoá
Đức Gioan Phaolô II giải thích rõ trong tông huấn Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, Redemptoris Missio, (RM) trong sứ mạng duy nhất của Hội Thánh, ngài phân biệt 3 loại hoạt động truyền giáo riêng biệt: trước hết là sứ vụ truyền giáo cho những ai chưa nhận biết Đức Kitô và tin mừng của Ngài (ad gentes); rồi đến việc chăm sóc mục vụ dành cho những tín hữu trong các cộng đoàn kitô (pastorale); và sau cùng là việc tân phúc âm hoá trong những quốc gia có nguồn gốc kitô giáo lâu đời nhưng đã đánh mất ý nghĩa sống động của đức tin (nuova evangelizzazione) (RM 34).
Với thuật ngữ ‘tân phúc âm hoá’ không có ý đưa ra một phán xét về hoạt động truyền giáo trước đây, cho rằng ngày nay cần một việc phúc âm hoá hoàn toàn khác, xét rằng việc làm trước đây đã lỗi thời hoặc sai lạc.
Cho dẫu ‘trong hành trình phúc âm hoá xuyên suốt lịch sử Hội Thánh…không thiếu những yếu đuối và tội lỗi của con người’ là điều đúng (GP II), dầu vậy toàn thể Hội Thánh ngày nay không nhằm đưa ra những phán xét về những phương pháp truyền giáo trước đây, cũng không phê phán những vị truyền giáo qua các thời đại.
3. Khái Niệm về ‘tân phúc âm hoá’
Trong tông huấn về Ơn Gọi Và Sứ Mệnh Của Người Tín Hữu Giáo Dân,Christifideles Laici, Đức Gioan Phaolô II đã viết rằng Hội Thánh ngày nay đang sống trong ‘một thời điểm vừa rực rỡ vừa bi thảm của lịch sử, trước thềm ngàn năm thứ ba’ (ChL 3). Và trong tông huấn RM chúng ta còn đọc thấy: ‘Thời đại chúng ta vừa bi thảm vừa hấp dẫn’ (RM 38) cho dù các hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hoá tạo nên những vấn nạn và những khó khăn nghiêm trọng hơn những điều mà Công Đồng diễn tả trong Hiến Chế Gaudium et Spes (ChL 3).
‘Làm sao chúng ta không nghĩ đến tình trạng lãnh đạm đối với tôn giáo đang không ngừng phổ biến và thuyết vô thần dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là dưới hình thức rất phổ thông là phong trào tục hoá’ (ChL 4).
Hiện tượng này có liên quan không chỉ đến những cá nhân, nhưng còn cả đến những cộng đoàn, cách thật nghiêm trọng: ‘Cả những quốc gia trước đây đã có thời tôn giáo và đời sống kitô nở rộ và làm phát sinh những cộng đoàn đức tin sống động và hiệu quả, thì nay đang đứng trước thách đố cay nghiệt…do thuyết dửng dưng tôn giáo, do thuyết tục hoá và thuyết vô thần…Cách đặc biệt nói đến những quốc gia được gọi là Thế giới Thứ Nhất, nơi đó lợi ích kinh tế và chủ nghĩa tiêu thụ khơi gợi và vun đắp cho một lối sống trong đó vắng bóng Thiên Chúa (ChL 34).
‘Trong các nước kitô giáo lâu đời, nhiều nhóm người đã được rửa tội, đã đánh mất ý nghĩa đời sống đức tin, hoặc đúng ra họ không còn nhận mình là thành viên của Hội Thánh nữa, sống cuộc sống xa Đức kitô và tin mừng của Ngài’ (RM 33).
Đối diện với hiện tượng đáng lo ngại của việc giải trừ kitô nơi các dân tộc có truyền thống kitô lâu đời, thật sự cần thiết một việc tân phúc âm hoá: ‘Chỉ có việc tân phúc âm hoá mới có thể bảo đảm cho việc triển nở một đức tin trong sáng và sâu xa, có khả năng làm cho các truyền thống ấy trở nên một sức mạnh giải thoát đích thực’ (ChL 34).
Cộng thêm vào những hiện tượng kể trên còn có việc nảy nở nhanh chóng đủ các loại trào lưu tôn giáo hoặc tôn giáo giả hiệu. Hiện tượng này cũng xem như là một vấn nạn nghiêm trọng và đáng báo động.
Có những đáp án nào cho hiện tượng xem chừng đang ‘thịnh hành’ này ngay giữa những người kitô hữu? Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến ‘nhiệm vụ phúc âm hoá, việc dạy giáo lý, việc giáo dục và đào tạo thường xuyên đức tin – trên bình diện thánh kinh, thần học, đại kết – của các tín hữu, theo trình độ của các cộng đoàn địa phương, của hàng giáo sĩ và của những ai mang trọng trách đào tạo. Cần phải dấn thân vào việc tân phúc âm hoá và việc canh tân giáo lý, nhằm củng cố đức tin’ (27/10/1989). Thời đại ta đang sống cũng là thời đại tuyệt vời, thời đại mở ra cho sứ điệp tin mừng, thời đại hấp dẫn ghi dấu bằng những sụp đổ của các ý thức hệ và những hệ thống chính trị đàn áp.
‘Thiên Chúa mở ra cho Hội Thánh những chân trời của một nhân loại được chuẩn bị kỹ càng hơn cho việc gieo tin mừng. Tôi thấy đã đến lúc Hội Thánh cần dấn thân hết sức mình cho việc tân phúc âm hoá và cho việc loan báo tin mừng cho muôn dân’ (RM 3).
Trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, toàn thể Hội Thánh, chủ chăn và tín hữu, cần ý thức cách mạnh mẽ trách nhiệm vâng theo lệnh truyền của Đức Kitô: ‘Hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật’ (Mc 16,15), canh tân nhiệt huyết truyền giáo. Nhiệm vụ cao cả, thách đố và vinh dự được trao phó cho Hội Thánh: đó là việc tân phúc âm hoá, điều thế giới đang cần đến’ (ChL 64).
Xét những nguyên do của việc tân phúc âm hoá, ta có thể nói rằng tân phúc âm hoá được hiểu như là ‘bảo đảm việc tăng triển đức tin trong sáng và sâu xa…tạo nên những cộng đoàn giáo hội trưởng thành…tái tạo lại ‘chất mô kitô’ của chính những cộng đoàn giáo hội ấy’ (ChL 34).
Tân phúc âm hoá cũng có nghĩa là tái suy tư cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề truyền giáo bằng cách khởi động công trình vĩ đại phúc âm hoá thế giới hiện nay, đang tiến đến một giao điểm mới của lịch sử nhân loại: ‘Ít lâu trước đây, sự đua nở các ơn gọi truyền giáo đã tạo nên một chiều kích quan trọng cho việc phúc âm hoá Âu Châu. Ngày nay, trong mức độ nào đó, chiều kích ấy đang yếu dần đi, cho dẫu người ta vẫn còn thấy những hiệu quả của nó. Chúng ta cần ý thức rằng tái phát động một công trình phúc âm hoá có hiệu quả là việc bất khả thi nếu không tái phát động hứng khởi truyền giáo cho các cộng đoàn kitô chúng ta’ (GPII, diễn từ tại Hội Nghi lần VI các Giám Mục Âu Châu, Roma, 7-11/10/1985); việc tân phúc âm hoá cần thiết để nêu lên một tổng hợp sáng tạo mới giữa tin mừng và cuộc sống
Tân phúc âm hoá đối với Hội Thánh là ‘bước một bước tiến quan trọng trong việc loan báo tin mừng…đi vào một giai đoạn lịch sử mới của năng động truyền giáo’ (ChL 35) ‘tái thiết lập việc mục vụ của chúng ta trong xã hội hiện đại công nghiệp trên nền tảng truyền giáo’ (GP II, diễn từ cho HĐGM Bắc Âu, 1/6/1989).
Đã đến lúc phục hồi lại những nền tảng bị lãng quên của đức tin bằng những nỗ lực chung, canh tân và củng cố. Đó là bổn phận phải luôn luôn thực hiện cách khẩn trương và phổ quát. Tôi định nghĩa nó bằng thuật ngữ ‘tân phúc âm hoá’, điều không những xã hội hiện đại đang cần, mà ngay cả những môi trong rộng lớn của chính Hội Thánh chúng ta nữa. Nên phải nghĩ đến việc lưu truyền trung thành và không ngừng đào sâu chân lý đức tin’ (cùng diễn từ trên).
Những chỉ dẫn trên như ‘tái tạo chất mô kitô’, ‘tái phát động hứng khởi truyền giáo cho các cộng đoàn kitô’, ‘tìm lại hơi thở của Thánh Thần ngày lễ Hiện Xuống’, ‘phục hồi những nền tảng bị lãng quên của đức tin’, sẽ cho chúng ta hiểu thế nào là ‘tân phúc âm hoá’.
Việc phúc âm hoá sẽ ‘mới trong nhiệt huyết, mới trong những phương cách, mới trong sự diễn đạt’ (GP II, 9/5/1988)
a) Phúc âm hoá mới trong nhiệt huyết
Việc phúc âm hoá sẽ mới trong nhiệt huyết nếu luôn được củng cố mỗi ngày một hơn trong sự liên kết với Đức Kitô, Vị Rao Giảng Tin Mừng tiên khởi. Thời điểm mới của việc loan báo tin mừng khởi đầu bằng việc hoán cải con tim. Cần tái khám phá rằng ơn gọi kitô cũng chính là ơn gọi nên thánh. Và tội lỗi làm trì hoãn việc phúc âm hoá!
Thế nên chỉ những ai biết dâng hiến cho cộng đoàn nhân loại một phẩm chất đời sống kitô cao thượng mới có thể là những nhà rao giảng chân chính.
Đó là chìa khoá của việc canh tân nhiệt huyết của tân phúc âm hoá: nếu xuất phát từ một hành vi canh tân tín thác vào Đức Giêsu Kitô; nếu hướng đến đỉnh cao là việc thực hành bí tích; nếu khao khát lưu truyền cho người khác niềm vui của cuộc sống lòng tin; nếu không che giấu đức tin của riêng mình, cũng không đặt đức tin sang một bên trong khi tiếp cận và giải quyết những vấn nạn mà cuộc sống chung giữa con người với nhau mang lại. Nhiệt huyết tông đồ không phải là chủ nghĩa quá khích, nhưng là thống nhất cuộc sống kitô giữa điều mình tin và điều mình sống.
Sự thiếu nhiệt huyết này thể hiện trong sự chán chường, trong ảo tưởng, trong sự thờ ơ và nhất là trong sự thiếu niềm vui và hy vọng. Đức Gioan Phaolô II nhắc đến ‘một sự tục hoá ơn cứu độ ngày càng gia tăng’ (RM 11). Nghĩa là một ơn cứu độ chỉ được hiểu theo chiều ngang, con người bị chia đôi.
Thêm vào đó còn những viện cớ giả tạo mà ai đó tìm ra để làm rỗng tuếch đi ý nghĩa của việc loan báo tin mừng: ‘Việc truyền giáo giữa những người tín hữu kitô có còn hiện thực không? Không phải là nó đã được thay thế bằng việc đối thoại liên tôn sao? Không phải là nó chỉ nhằm đến việc thăng tiến con người sao?…Không phải là con người có thể được cứu rỗi trong bất cứ tôn giáo nào đó sao?’ (RM 4); một ‘não trạng dửng dưng…xem tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào’ (RM 36); kiêng kị nói đến việc hoán cải vì sợ người ta tố cáo là ‘chiêu dụ đạo’ (RM 46). Một nhiệt huyết canh tân trong việc loan báo tin mừng giúp ta đào sâu suy nghĩ này: ‘Con người có thể được cứu ngay cả bằng những đường lối khác nhau, nhờ lòng nhân từ của Chúa, cho dù chúng ta không rao giảng cho họ tin mừng; nhưng chúng ta có thể được cứu sao nếu vì chểnh mãng, vì sợ hãi, vì xấu hổ -điều mà thánh Phaolô đã gọi là ‘hổ thẹn vì tin mừng’ (Rm 1,16) – hoặc do hậu quả của những tư tưởng sai lạc, chúng ta không loan báo tin mừng? Bởi vì như thế là phản bội lời mời gọi của Thiên Chúa, đấng nhờ môi miệng các thừa tác viên tin mừng, muốn gieo hạt mầm tin mừng; việc hạt mầm ấy lớn thành cây và sinh hoa kết trái là tuỳ thuộc vào chúng ta. Hãy gìn giữ nhiệt huyết ấy’ (EN 80).
Không có bất cứ sự cân nhắc nào được phép làm suy giảm năng lực truyền giáo hoặc làm nhẹ sự cần thiết hoặc tính khẩn trương của việc loan báo tin mừng.
Đức Gioan Phaolô II lấy làm tiếc rằng ‘sứ mạng chuyên biệt loan báo cho muôn dân hình như đang chậm lại, không đi theo những chỉ dẫn của Công đồng và của huấn quyền. Những khó khăn nội tại cũng như ngoại tại làm suy yếu sức mạnh truyền giáo của Hội Thánh dành cho những người ngoài kitô giáo… (RM 2). Dĩ nhiên sự suy yếu sức mạnh truyền giáo là ‘dấu chỉ của sự khủng hoảng đức tin’ (RM 2).
‘Việc phúc âm hoá mới trong nhiệt huyết là dịch vụ ưu tiên mà Hội Thánh có thể phục vụ cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại. Ngày nay cần đến một việc phúc âm hoá mang nhiệt huyết của lễ hiện xuống. Truyền giáo là vấn đề của niềm tin’ (RM 11).
‘Một nhà truyền giáo đích thực là một vị thánh’ (RM 90; ChL 17; LG 1).
Khi ngõ lời với các Giám Mục Âu Châu, Đức Gioan Phaolô II đã vẽ ra hình ảnh những nhà truyền giáo mới mà Hội Thánh ngày nay đang cần: ‘Cần có những nhà loan báo tin mừng thành thạo về mặt nhân bản, thấu đáo tâm tư con người thời nay, chia sẻ với họ niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và âu lo, đồng thời là những người chiêm niệm thiết thân của Thiên Chúa. Do đó cần có những vị thánh mới: những nhà loan báo tin mừng vĩ đại của Âu Châu đã là những vị thánh. Ta cần xin Chúa gia tăng sự thánh thiện cho Hội Thánh và gởi đến cho ta những vị thánh mới để loan báo tin mừng cho Âu Châu’.
‘Phúc âm hoá sẽ mới mẽ trong nhiệt huyết nếu biết cùng nhau suy tư lại về vấn đề truyền giáo’ (CEI, Giáo Hội Ý hậu Loreto, số 30,50,52) để các cộng đoàn kitô không còn co cụm lại trên chính mình, hoặc tệ hơn nữa, trên những việc tranh chấp chi li nội bộ, mà biết thực sự là những nhà truyền giáo cho chính môi trường mình đang sống. ĐGH nói: ‘Hội Thánh hoặc là truyền giáo hoặc là không bao giờ còn mang tính tin mừng nữa’ (GP II, Diễn từ cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 13/5/1986).
b) Việc phúc âm hoá mới trong phương cách
‘Việc phúc âm hoá sẽ mới trong các phương cách nếu mỗi thành viên trong Hội Thánh trở thành nhân vật chính trong việc loan truyền sứ điệp của Đức Kitô. Loan báo tin mừng là bổn phận của mọi thành phần trong Hội Thánh’ (GPII, 9/5/1988). Cần khẳng định một ý thức mới: nghĩa là ‘việc truyền giáo có liên quan đến mọi kitô hữu, mọi giáo phận và giáo xứ, mọi tổ chức và hội đoàn của Hội Thánh’ (RM 2).
Việc loan báo tin mừng sẽ mới trong các phương cách chính vì những môi trường mới mà việc loan báo hướng đến. Số 37 RM nói đến những vùng đất, đến những thế giới và những hiện tượng xã hội mới, đến những vùng văn hoá hoặc những ‘sân chơi’ hiện đại, cần phải được loan báo tin mừng.
Về những vùng đất phải hiểu là vượt lên trên những tiêu chuẩn địa lý; ngay cả trong những cộng đoàn kitô cổ kính vẫn còn tồn tại những vùng chưa được thấm nhuần tin mừng, vì thế nơi những vùng đó cũng cần không chỉ là việc tân phúc âm hoá mà đôi khi cả việc loan báo lần đầu nữa.
Về những thế giới và hiện tượng xã hội mới, chúng ta đang tham gia vào một sự thay đổi nhanh chóng và sâu xa những môi trường nhân văn: chỉ cần nghĩ đến việc đô thị hoá, đến những cuộc di dân từ nhiều miền khác nhau, đến những người tạm cư…tất cả điều đó ảnh hưởng trên phương pháp truyền giáo đang khẩn trương đòi phải phù hợp với những hoàn cảnh mới ấy.
Những nơi ưu tiên cho việc truyền giáo trở nên những đô thị lớn, nơi đó đang ẩn giấu những phong tục và lối sống mới, những hình thái văn hoá và truyền thông mới.
Sau hết, cần phúc âm hoá mới trong các phương cách ngay cả cho những sân chơi hiện đại mà RM 37 nói đến: thế giới truyền thông cùng với những loại hình ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và những thái độ tâm lý mới; dấn thân cho hoà bình; thăng tiến phụ nữ; thế giới lao động; thế giới chính trị; việc bảo vệ môi trường; văn hoá và việc nghiên cứu khoa học.
Tất cả những ‘sân chơi’ này cần được rao giảng tin mừng bằng cách mang đến cho chúng ý nghĩa kitô của cuộc sống như phương thuốc giải quyết việc phi nhân hoá và việc đánh mất giá trị (RM 37,38,86).
Chúng ta đang sống nơi ngã rẽ quan trọng của lịch sử nhân loại: Hội Thánh được mời gọi mang lại câu trả lời quảng đại và có tầm nhìn xa cho những vấn đề mà việc truyền giáo đặt ra; cần đối mặt với thách đố này bằng cách đưa ra việc tân phúc âm hoá trong các phương cách giúp hướng đến những chân trời mới với lòng can đảm ngày xưa đã thúc đẩy các vị truyền giáo và với khả năng sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần (RM 30).
c) Việc phúc âm hoá mới trong những cách diễn đạt
Loan báo tin mừng sẽ mới ngay trong cách diễn đạt ‘nếu các bạn loan báo tin mừng bằng thứ ngôn ngữ mà mọi người đều có thể hiểu được’ (GPII).
Cũng như đức tin, việc phúc âm hoá không thể nói được là đã thực hiện nếu không được diễn tả bằng những hình thức đặc thù của nó; rượu mới phải đổ vào bầu da mới (Mt 9,17); nên cần lưu tâm đến sự trung thành với nội dung (hiểu biết đúng đắn chân lý của Đức Kitô, và trung thành đến ngôn ngữ diễn đạt (mọi người có thể hiểu được).
Về nội dung cần làm phát triển và trưởng thành nơi các tín hữu sự hiểu biết chân lý, nghĩa là nhận thức mình là những người mang chân lý cứu độ, điều này quyết định cho việc dấn thân truyền giáo.
Não trạng tương đối chủ nghĩa phổ biến ngay cả nơi các tín hữu ảnh hưởng không nhỏ đến những xác tín và thái độ sống của họ. Vì thế ‘điều kiện tiên quyết của việc phúc âm hoá là củng cố lại chất mô kitô của chính cộng đoàn hội thánh’ (GPII, Hội Nghị tại Loreto, 9-13/4/1985). Có nghĩa là đào tạo cho cộng đoàn hội thánh trưởng thành từ đó đức tin có thể phát triển và thực hiện đầy đủ ý nghĩa đích thực của nó là kết hiệp với Đức kitô và tin mừng của Ngài (ChL 34).
Trong một hoàn cảnh cụ thể hầu như cần việc ‘cấy tin mừng’ mới, có nghĩa là hoạt động cách hệ thống việc dạy giáo lý cho người trẻ và người trưởng thành, làm cho các kitô hữu ý thức gia tài phong phú của chân lý mà họ là những người đang mang và ý thức sự cần thiết luôn sống chứng tá trung thành với căn tính kitô của mình.
Về ngôn ngữ và về sư phạm đức tin, chúng ta biết rằng việc sử dụng ngôn ngữ của thời đại để trình bày những điều vĩnh cửu, thật quan trọng. Theo cách nói ngày nay, người ta nói đến việc ‘hội nhập đức tin’ được hiểu như là nỗ lực mà Hội Thánh cần chu toàn để làm cho sứ điệp của Đức Kitô thấm vào những môi trường văn hoá xã hội khác nhau, mời gọi mọi người tin Ngài theo nền văn hoá của riêng họ và theo những giá trị lành mạnh của cộng đoàn họ miễn là chúng phù hợp với tin mừng.
Kết luận
Với thuật ngữ ‘tân phúc âm hoá’, không muốn nói đến những xét đoán về người, hay về phương pháp của việc phúc âm hoá trước đây, nhưng đúng hơn là để đưa ra một giải đáp thiết yếu cho những hoàn cảnh hiện nay mà nhiều giáo hội kitô giáo kỳ cựu đang gặp phải, nơi đó đức tin hầu như không còn sức sống nữa.
Tất cả những điều đó đòi chúng ta phải ‘tái lập lại việc mục vụ của chúng ta cho xã hội hiện đại và kỹ nghệ trên những nền tảng truyền giáo’ (Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đức Tin và hội nhập văn hoá, 1988) trong những quốc gia từ lâu đã được rao giảng tin mừng.
Khẩn trương thực hiện bước nhảy về phẩm chất cho việc phúc âm hoá ngày nay. Một phúc âm hoá mới cần phải tìm lại hơi thở của Thánh Thần ngày lễ hiện xuống. Nghĩa là bảo đảm việc tăng triển đức tin trong sáng và sâu xa, tái tạo lại chất mô kitô cho những cộng đoàn hội thánh và dấn thân quyết liệt cho một mùa vọng mới của việc loan báo tin mừng.
Việc làm đó cần phải mới trong những phương cách làm sao thúc đẩy đại đa số giáo dân và những người thiện chí. Cuối cùng việc loan báo tin mừng sẽ mới trong những cách diễn đạt để cho con người ngày nay có thể hiểu được.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê