Chúa Nhật 5 Thường Niên C
Lc 5,1-11
Trên hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu hầu như có mặt khắp nơi từ Nam chí Bắc của đất nước Paléttine. Ngày hôm nay, nơi Người dừng chân để rao giảng là bờ hồ Ghennêxarét và chính nơi đây, Người kêu gọi các môn đệ đầu tiên mà đặc biệt là vai trò của thánh Phêrô. Chúng ta có thể thấy, đây chính là địa điểm lý tưởng để Chúa Giêsu thi hành sứ vụ. Thật vậy, với những gì mà Luca miêu tả, chúng ta dễ hình dung đây là một bến thuyền mà mỗi khi thuyền cập bến, không ít những con người đến đây để trao đổi buôn bán. Sau một đêm miệt mài với công việc, Phêrô cùng các bạn chài giờ đây đang giặt lưới, khâu lại những chỗ lưới bị thủng để chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào ngày hôm sau. Ông đâu có biết rằng hôm nay ông sẽ dũ bỏ tất cả để theo Chúa trước mẻ cá lạ lùng Chúa thực hiện cho ông và các bạn chài quê ông.
Chỉ một câu ngắn gọn, thánh Luca cho chúng ta thấy trước hình ảnh thật sống động của cơ cấu giáo hội mà Chúa Giêsu sẽ lập sau này. Thật vậy, nếu chiếc thuyền mà ngày hôm nay Chúa ngồi trên đó để giảng dạy tượng trưng cho con thuyền Giáo hội, thì Chúa Giêsu chính là chủ của con thuyền và người lèo lái con thuyền không ai khác chính là người ngư phủ dày dạn kinh nghiệm Simon Phêrô.
Lời giảng dạy của Chúa Giêsu cùng với những gì người chỉ dạy đã khiến cho Phêrô – một ngư phủ nhiều kinh nghiệm- hoàn toàn phó thác, tin tưởng nơi Người. Nếu ở trong nghề, chúng ta mới thấy lòng can đảm của Phêrô khi nghe theo lời của một người mà ông biết chẳng biết tý gì về nghề biển là Chúa Giêsu- một dân quê đồi núi. Khi Chúa Giêsu đề nghị ông chèo ra chỗ sâu thả lưới, ông trả lời Chúa : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Thưa thánh Phêrô, ngài hoàn toàn xứng đáng lãnh nhận vai trò “đầu tầu” trước câu trả lời chất phác và hoàn toàn tin tưởng phó thác cho “ông chủ thuyền” là Chúa Giêsu.
Trước mẻ cá lạ lùng, Phêrô cũng giống như bao vị ngôn sứ khác như ngôn sứ Isaia hay thánh Phaolô sau này đều sợ hãi trước quyền năng của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngày xưa ngôn sứ Isaia vì trông thấy Giavê Thiên Chúa ngự trên cao, đã sợ hãi thốt lên : “Khốn thân tôi, tôi chết mất. Vì tôi là người môi miệng ô uế mà mắt lại xem thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6,5); thánh Phaolô sau này tự nhận mình là kẻ hèn mọn nhất trong số các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ vì đã bách hại đạo thánh Chúa thì Phêrô ngày hôm nay cũng sợ hãi và thốt lên vội vã: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
Không cứ gì Ngôn sứ Isaia, không cứ gì Phêrô hay Phaolô, mà hết thảy nhân loại đều bất xứng khi đứng trước quyền năng và lời mời gọi của Thiên Chúa. Và, cũng chính vì nhận thấy sự bất toàn yếu đuối nơi mình mà Isaia, Phêrô và Phaolô mới nhận ra điều mà thánh Phaolô sau này thú nhận, ngài có làm gì thì cũng là do ơn Thiên Chúa mà thôi để rồi trong suốt cuộc đời, các ngài hăng hái ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, lấy mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu và lòng trung thành với ơn Thiên Chúa kêu mời.
Ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, Chúa Giêsu cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta “ra khơi” để rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho hết mọi người. Hãy quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi và mau mắn ra đi rao giảng, làm chứng cho nước Chúa. Hãy tin tưởng phó thác tất cả trong tay Chúa. Bởi vì tất cả đều do Thiên Chúa ân ban, chúng ta chỉ là công cụ nhỏ bé mà Chúa dùng để đem về cho Chúa những mẻ cá ngập thuyền, một mùa lúa bội thu. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta có dám từ bỏ mọi sự, có dám “cá cược” với Chúa như Phêrô xưa : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”?
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb