Mt 13, 44-52
Chúa Giêsu trong ba năm cùng với các môn đệ đi khắp mọi nơi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã giới thiệu Nước Trời, loan báo Đấng Thiên Sai đã đến. Chúa đã làm nhiều phép lạ. Dân Do Thái đã thấy. Người Pharisêu và Kinh sư cũng đã thấy nhưng họ không tin,không chấp nhận Ngài. Nhưng, dù con người tin hay chối từ, Chúa vẫn nói về Nước Trời.” Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 42-45).
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có rất nhiều nghịch lý, chẳng hạn đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu trưng dẫn hai thí dụ có nội dung na ná giống nhau, Ngài muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Thiên Chúa, con người phải bán đi tất cả, phải mất mát, phải hy sinh. Cái trớ trêu của Nước Trời là gì hay Nước Trời là gì mà con người muốn đạt tới thì phải mất đi tất cả? Người thương gia chắc chắn hiểu rất rõ về giá trị của viên ngọc vô cùng quý giá, tuy nhiên, người bán thì không hề hay biết gì. Do đó, ông đã đánh đổi tất cả sản nghiệp của mình để mua cho bằng được viên ngọc quý giá ấy bởi vì gia tài ông đang có không là gì đối với viên ngọc quý ấy cả. Nước Trời quá giá trị, quá quý hóa, Chúa Giêsu không cần phải trình bầy dài dòng, biện luận với những lý thuyết khô khan. Ở thế gian này, có nhiều người xem tiền tài, của cải, danh vọng là viên ngọc quý, nên bỏ ra biết bao công sức nhưng cuối cùng cũng trở về tay không, không thể mang được bất cứ một thứ gì xuống suối vàng khi họ nhắm mắt xuôi tay, phải chăng họ chẳng khờ dại lắm sao? Có những người coi thú vui xác thịt, đam mê khoái lạc, họ coi trần gian này là kho báu, là viên ngọc quý, họ cố lòng, cố sức thụ hưởng để rồi suốt đời sau sẽ phải khóc lóc nghiến răng, họ không phải là những kẻ ngu si, đần độn lắm sao? Chúa Giêsu không nói vòng vo tam quốc, nhưng Ngài đã nói với các môn đệ như một lệnh truyền: “Hãy theo Ta” và các môn đệ đã bỏ mọi sự để theo Ngài, phó thác sinh mạng cho một mình Ngài. Đối với người thanh niên giầu có trong Tin Mừng, Chúa Giesu mời gọi: “Hãy về bán tất cả những gì anh có mà phân chia cho kẻ nghèo khó, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi anh hãy đến theo Tôi” (Mc 10, 21).
Người thanh niên giầu có đã không dám làm theo lời đề nghị của Chúa. Các môn đệ đã dám liều vì Chúa, nên họ đã được Chúa, đã có được Nước Trời. Chúa cũng mời gọi chúng ta và ra lệnh cho chúng ta: “Hãy đi theo Ngài”. Bởi vì Ngài là hiện thân của Nước Trời, Ngài là viên ngọc quý, là kho tàng quý giá nhất người Kitô hữu phải tìm kiếm. Chính Ngài là sự sống và là sự sung mãn của Thiên Chúa. “Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Người môn đệ, người tín hữu được kêu gọi để sống với Ngài. Được đi theo Chúa, sống với Chúa, và nhận Ngài làm gia nghiệp, đó là tư cách của người môn đệ Chúa.
Theo đạo Công giáo, có nghĩa là theo Đức Kitô vì Kitô hữu là thuộc về Chúa Giêsu, chọn Chúa làm sản nghiệp và sẵn sàng đánh đổi mọi sự để sống cho Ngài và chết cho Ngài như thánh Phaolô đã xác tín sâu xa: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. “Hãy mặc lấy Đức Kitô”. Vâng, một cuộc sống như thế chắc chắn sẽ đòi hỏi con người phải hy sinh, từ bỏ, mất mát rất nhiều.
Chúa cũng đã nói trước với các môn đệ: “Môn đệ không lớn hơn Thầy” hoặc “Vì danh Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ”. Chúa cũng nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình đi, vác Thập Giá của mình mà theo Thầy “ Hay “ Ai muốn cứu lấy mạng sống của mình thì sẽ mất, ai liều hy sinh mạng sống vì Ta thì sẽ lấy lại được nó”. Đó là cái nghịch lý xuyên suốt của Tin Mừng theo Đức Kitô. Theo Chúa Giêsu sẽ bị người đời chống đối và loại trừ. Cái trớ trêu của Tin Mừng là mất mát là được lại, cho đi là nhận lãnh, chết là được sống muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con dám: “Từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mà theo Chúa”. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
1.Viên ngọc quý Tin Mừng thánh Matthêu nói đến hôm nay ám chỉ gì?
2.Nước Trời là gì?
3.Nghịch lý của Tin Mừng là gì?
4.Người thanh niên giầu có trong Tin Mừng, tại sao đã không dám theo Chúa?
5.Thái độ của chúng ta đối với Nước Trời?
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT