Vinh Quang Của Ngày Hiển Dung

Chúa Nhật 2 Mùa Chay C
Lc 9, 18-36

Transfiguration7Chúa nhật thứ hai mùa Chay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngưỡng trước vinh quang Chúa Giêsu tỏ hiện cho các môn đệ trên núi- điều mà Người sẽ lãnh nhận trọn vẹn sau khi Người trải qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh.

Trước những biến cố trọng đại, Chúa Giêsu thường lên núi hoặc đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện, trò chuyện với Chúa Cha. Hôm nay cũng vậy. Đem theo ba môn đệ là những người đã theo Chúa Giêsu từ những giây phút đầu tiên trong sứ vụ rao giảng. Các ông là những trụ cột của Giáo hội và vì thế, biến cố Hiển dung là một biến cố rất quan trọng cho đức tin của các ông mà Chúa Giêsu cách nào đó muốn tỏ hiện để củng cố niềm tin vốn còn yếu nơi con người các ông.

Điểm khác biệt quan trọng trong Tin mừng Luca so với Mátthêu và Máccô chính ở chỗ đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì dung mạo Người bỗng “đổi khác” chứ không phải “biến đổi” như hai tác giả Tin mừng trên. Sở dĩ Luca sử dụng từ ngữ như vậy là vì trong ngôn ngữ Hylạp và nhất là trong những câu truyện thần thoại, “biến đổi” vốn được hiểu là sự hoá thân, hoá kiếp của một nhân vật nào đó. Đang khi cầu nguyện, nghĩa là đang khi Chúa Giêsu trò chuyện, tâm tình với Chúa Cha, tiếp xúc với Chúa Cha thì chính con người nhân loại của Người đổi khác. Cho hay, cầu nguyện là việc rất quan trọng để có thể đổi mới tâm thần, biến cải con người và là nền tảng cho việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Không phải ngẫu nhiên mà Tin mừng Nhất lãm đều nói đến sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu ước là Môsê và Êlia. Chúng ta biết, Môsê và Êlia là hai nhân vật quan trọng của Cựu ước cũng như trong lịch sử dân Dothái. Môsê đại diện cho Lề luật dân Dothái. Thông qua ông, Giavê Thiên Chúa đã ban xuống cho dân Người những giới luật làm kim chỉ nam, hướng dẫn tinh thần cho dân tộc Dothái. Môsê chính là con người của Biển Đỏ, con người của núi Xinai và là con người của cuộc Xuất hành. Còn Êlia là một Ngôn sứ vĩ đại, ông đại diện các Ngôn sứ. Chính ông là người chịu nhiều đau khổ vì Giavê Thiên Chúa, vì dân tộc Israel để rồi sau đó được cất lên trong vinh quang. Cả hai ông đều có kinh nghiệm tiếp xúc với Giavê Thiên Chúa và được chiêm ngưỡng vinh quang của Người trên núi Sinai và Khôrếp. Đặc biệt hơn, khi nhắc đến tên hai ông, Tin mừng Nhất lãm không chỉ chỉ nhắc đến những công trạng của các ông mà còn nhắc đến toàn bộ Kinh thánh Cựu ước (Lề luật + Ngôn sứ = Kinh thánh) mà hai ông đại diện. Mà Kinh thánh Cựu ước là gì nếu không phải là lời loan báo về một Đấng Mêsia chịu nhiều đau khổ để đạt đến vinh quang?

Cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với hai nhân vật Cựu ước xoay quanh cuộc “Xuất hành” mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Như dân Dothái xưa đã trải qua cuộc xuất hành, nghĩa là ra khỏi Aicập, ra khỏi sự thống trị, sự đau khổ để vào miền Đất Thiên Chúa hứa ban, thì nay các ngài cũng bàn đến việc Chúa Giêsu sẽ đi qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh để bước vào vinh quang Thiên Chúa.

Về phần các môn đệ, chúng ta thấy trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì các ông vẫn ngủ mê mệt. Điều này cũng giống như khi ở núi Ôliu, đang khi Thầy các ông cầu nguyện và tâm hồn của Người đang trong trạng thái xao xuyến đến nổi “đổ mồ hôi máu” thì chính các ông vẫn thản nhiên ngủ ngon lành khiến cho Chúa Giêsu phải trách : “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (x. 22, 39-46). Điều đó cho thấy các môn đệ chưa được biến đổi, chưa hiểu gì nhiều về người Thầy của mình. Các ông chợt tỉnh và nhìn thấy vinh quang của Thầy mình thì cũng là lúc Môsê và Êlia đang rời xa Chúa. Dù cho Phêrô có nhanh nhảu xin Chúa dựng ba lều hay gì gì đi nữa, tất cả chỉ là những giây phút gây hứng khởi nhất thời mau qua, không đủ giúp các ông trung thành theo Chúa đến cùng. Các ông cần phải được biến đổi và chính Chúa Cha sẽ làm công việc này. Thật vậy, lời của Chúa Cha giới thiệu cho các môn đệ không chỉ chứng thực cho các ông biết người mà các ông đang theo, đang tôn là Thầy, chính là Môsê mới, các ông phải vâng theo mà đó còn là những ân ban của Chúa Cha nhằm củng cố niềm tin vốn đang còn non yếu đồng thời mời gọi các ông biết đón nhận những biến cố trong cuộc Khổ nạn – Phục sinh của Thầy để có thể trở nên những chứng nhân đích thực.

Chúa Giêsu Hiển dung, điều đó cho thấy Người sẵn sàng chấp nhận cuộc Khổ nạn, chấp nhận Thập giá để mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng cần được hiển dung, cần được biến đổi khi sẳn sàng chấp nhận một cuộc thanh tẩy tâm hồn, để cho những cạm bẫy tội lỗi, những thú vui chóng qua, những ích kỷ nhỏ nhen,.. ra khỏi con người mình hầu xứng đáng bước đi trên con đường của Thầy Chí Thánh.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb