Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C
(xem Tin Mừng lễ Chúa Ba Ngôi Gioan 16, 12-15)
Mầu nhiệm Ba Ngôi tuy rất cao siêu nhưng không phải là xa vời viển vông, trái lại đây là một mầu nhiệm rất thiết thực, rất gắn bó với đời sống người con cái Chúa và giúp cho đời sống con người trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngắm ‘Gia Đình’ Ba Ngôi (xin tạm dùng cụm từ ‘Gia Đình’ để diễn tả sự hiệp thông rất mật thiết giữa Ba Ngôi). Nói một cách bình dân thì ‘Gia Đình’ nầy có ba nhân khẩu. Còn nói theo giáo lý và thần học thì ‘Gia Đình’ nầy có ba Vị hay ba Ngôi riêng biệt (nhất thể tam vị). Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con, Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Ba Vị yêu thương nhau vô hạn và thông hiệp nên một với nhau trong tình yêu vô biên.
Chính Chúa Giê-su khẳng định điều nầy khi Ngài phán: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, “ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha” và trong kinh tin kính, Giáo Hội dạy cho biết Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su còn nói rõ hơn cho chúng ta biết tình hiệp thông khắng khít giữa Ngài với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: “Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy”(Ga 16,15).
Ngoài ra, Chúa Giê-su còn dạy cho chúng ta biết: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. (Ga 3,35). Rồi “Con yêu Cha nên Con làm mọi sự đúng như Chúa Cha đã truyền dạy” (Ga 14, 31) cho dù phải “vâng lời Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và chết trên thập giá”(Phi 2,8).
Như thế, trong ‘Gia Đình’ nầy, tình yêu thương đã liên kết ba Vị nên một với nhau. Thế nên Hội Thánh dạy rằng chỉ có một Chúa mà có ba Ngôi.
Thế rồi, ba Ngôi Thiên Chúa đã lấy ‘Gia Đình’ Ngài làm mẫu để dựng nên gia đình thứ hai, đó là gia đình Ađam-Evà. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) và đôi vợ chồng đầu tiên nầy tuy là hai nhưng cũng là một. Để diễn tả tính cách hai nên một nầy, kinh thánh đã trình bày cách thi vị và hình tượng như sau: Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa khiến cho ông ngủ say rồi rút xương sườn của ông mà làm nên E-và rồi dẫn đến với ông. Ađam nói: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Bởi đó, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”(St 2, 18-23).
Vì được dựng nên theo đúng khuôn mẫu ‘Gia Đình’ Thiên Chúa nên gia đình Ađam- Evà nói riêng cũng như gia đình tín hữu nói chung cũng mang những đặc tính giống như ‘Gia Đình’ của Thiên Chúa là hiệp thông nên một trong yêu thương. Trong gia đình, người cha và người mẹ không còn là hai mà là một. Rồi hoa trái của tình yêu vợ chồng là con cái cũng có cùng chung huyết nhục với cha mẹ và được cha mẹ yêu thương như chính bản thân mình. Từ đây, cha, mẹ và con không còn là ba nhưng chỉ là một. Do đó, gia đình nhân loại đúng là họa ảnh của ‘Gia Đình’ ba Ngôi Thiên Chúa.
Tiếp theo, Thiên Chúa cũng lấy ‘Gia Đình’ Ba Ngôi làm mẫu để dựng nên gia đình thứ ba, rộng lớn hơn nhiều. Ta gọi đây là đại Gia Đình Hội Thánh.
Để thực hiện dự án nầy, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích rửa tội để tháp nhập mọi tín hữu vào thân mình Ngài như những cành nho được tháp vào thân nho, như bàn tay được tháp vào cơ thể. Thánh Phao-lô dạy:”Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. (Ga 3, 27-28). Thế là cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giê-su Ki-tô không còn là nhiều nhưng đã hiệp thông nên một: nhiệm thể Chúa Ki-tô.
Chúa Giê-su lại còn dùng bí tích thánh thể để tăng cường sự hiệp thông nầy nên mật thiết hơn. Nhờ hiệp thông với Mình Máu thánh Chúa Giê-su trong thánh lễ, chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giê-su và nên một với nhau. “Bánh mà chúng ta bẻ ra cho nhau không phải là hiệp thông với Thân Mình Chúa sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể” (1Cr 10, 16-17)
Chúa Giê-su muốn rằng sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa phải keo sơn như sự hiệp thông giữa ba Ngôi. Thế nên, trước khi lìa xa các môn đệ, Ngài thành khẩn cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha”.(Ga 17, 21)
***
Trong ngày lễ Chúa ba Ngôi hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta luôn nhìn ngắm và nhận ‘Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa’ làm kiểu mẫu lý tưởng để xây dựng gia đình chúng ta, xây dựng giáo xứ chúng ta luôn sống trong yêu thương và hiệp nhất bền chặt như ‘Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi’, nhờ đó mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta sẽ là một hình ảnh sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa năm 2002 (số 6):
“Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa”
LM Ignatiô Trần Ngà