Xin Để Lại Năm Nay Nữa

Chúa Nhật 3 Mùa Chay C

Lc 13,1-9

figtree

Từ sau biến cố Hiển dung được xem là giai đoạn khởi đầu, chuẩn bị cho cuộc Xuất hành của Chúa Giêsu, Tin mừng Luca tiếp tục gây hứng khởi cho độc giả bằng trình thuật “xuất hành” rất đặc trưng (x. 9,51-19,27). Trong cuộc xuất hành đó, như một thiên ký sự, thánh sử thâu tóm toàn bộ những sự việc xảy ra trên hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu. Những gì xảy ra trong Tin mừng Chúa nhật hôm nay nằm trong thiên ký sự đó.

Sự kiện Philatô cùng với binh lính bao vây, tàn sát những người Galilê, lấy máu của họ hoà lẫn với máu tế vật gây chấn động dư luận vùng Giêrusalem lúc bấy giờ. Cái chết đẫm máu của những người Galilê khiến cho dân chúng xôn xao bàn tán. Họ xôn xao không phải vì lo sợ sự đàn áp của Philatô mà lịch sử đã ghi nhận chính ông còn gây ra nhiều cuộc đẫm máu tương tự tại Giêrusalem, mà là đi tìm nguyên nhân vì sao những người ấy lại bị tàn sát như vậy. Con người thường hay áp dụng triệt để nguyên lý nhân quả nhằm lý giải những biến cố của thời đại. Họ đem sự việc đó kể cho Chúa Giêsu nghe thầm mong nhận được nơi Ngài một sự đồng cảm với cách suy xét về một biến cố mà họ đã được thụ hưởng từ trong truyền thống của cha ông. Thật vậy, truyền thống Dothái cho rằng những người bệnh hoạn, gặp tai ương hoặc chết chóc là do Giavê Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi của họ. Chính vì thế, với nguyên lý “gieo gió gặt bão”, họ cho rằng cái chết của những người Galilê kia là hoàn toàn xứng với những gì họ đã gây nên, đồng thời họ vui mừng vì thấy mình không rơi vào tình trạng của những người cùng khốn đó.

Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho những suy xét của họ. Nhắc đến sự kiện tháp Silôa bị sập đè chết 18 người, Chúa Giêsu muốn lên tiếng cảnh tỉnh họ đừng rơi vào tâm trạng của những người tự cho mình là công chính, là thánh thiện trước những biến cố của thời đại. Trái lại, hãy xem đó như là bài học báo trước những gì sẽ xảy đến với mình nếu không biết hối cải ăn năn. Thật vậy, chúng ta thường hay xét đoán và quy kết cho những người chẳng may bị bệnh hoạn hoặc tai nạn,v.v… là do hậu quả của một cuộc sống bê tha, trác táng, đầy tội lỗi, nay bị “trời phạt” chứ không bao giờ coi đó là bài học để cảnh báo cho chính mình. Mỗi một biến cố xảy đến trong cuộc sống phải chăng là tiếng chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta cần phải duyệt xét lại đời sống mình, nhằm uốn nắn, chỉnh sửa những gì lầm lỗi thiếu sót chứ không phải là dè bỉu, chê bai, lên án đồng loại khốn cùng.

Dụ ngôn cây vả không sinh trái mà người làm vườn xin chủ vườn đừng đốn vội luôn luôn là lời loan báo về thời hạn cuối cùng nhằm cho thấy lòng nhân hậu và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa…” Sở dĩ cây vả chưa bị đốn là vì người làm vườn còn hy vọng nó sẽ trổ sinh hoa trái. Người làm vườn luôn kỳ vọng nhờ sự chăm sóc và vun xới của mình, cây vả sẽ hấp thụ dưỡng chất, tức là nhận thức được rằng mình cần phải biến đổi, cần phải trổ sinh, để không trở nên cây vả vô dụng, chỉ làm hại đất.

Thiên Chúa chúng ta là thế. Người luôn nhân hậu và kiên nhẫn. Người luôn yêu thương chúng ta bất luận chúng ta là ai và tình trạng của chúng ta như thế nào. Như người cha, Thiên Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi chúng ta, mong ước chúng ta nhận ra những lầm lỗi để trở về với Người trong tình yêu. Vấn đề ở chỗ chúng ta có nhận thức được đây là thời hạn sau cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta trước khi Người ra tay “đốn” những cây vả vô dụng vì không biết sinh hoa trái.

Mùa Chay, hơn bao giờ hết, luôn là thời gian sau cùng, thời gian khẩn thiết mời gọi mỗi người chúng ta trở về với Thiên Chúa trong sám hối ăn năn. Hãy biết rằng Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi, phần chúng ta, đừng để thời gian này trở nên vô ích…

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb