Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm B
Theo các nhà chuyên môn về y khoa, rất hiếm khi thấy có người câm mà không điếc. Câm với điếc thường đi đôi với nhau. Xét theo yếu tố tâm lý, nếu câm mà không điếc thì sẽ vô cùng đau khổ, vì nghe được, hiểu được mà không thể phản ứng khi không đồng tình với điều mình nghe.
Thánh Mác-cô ghi lại phép lạ Đức Giêsu đã làm để chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Xem ra người này còn may mắn là có thể nói được, nhưng gặp khó khăn để diễn tả rõ ràng ý nghĩ của mình. Trong Tin Mừng, Mác-cô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành rất nhiều bệnh nhân, đủ mọi chứng bệnh khác nhau. Tuy vậy, ông muốn dừng lại ở sự kiện này, như để chứng minh Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu thế. Vì các Ngôn sứ loan báo, khi Đấng Thiên Sai đến thì “mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Bài đọc I).
Quả vậy, từ 20 thế kỷ nay, nhờ tin vào Đức Giêsu mà có biết bao người được nghe Lời Chân Lý, được nhìn thấy những điều kỳ diệu Chúa làm kể cả trong những biến cố đau thương. Biết bao người nhờ Đức Giêsu mà đi được bằng chính đôi chân của mình. Thay vì lệ thuộc chán nản và bi quan, họ đã can đảm vượt lên những khó khăn của cuộc đời. Đức Giêsu đã mở mắt cho con người để họ nhận thấy Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em. Người soi sáng cho chúng ta để chúng ta còn nhìn sâu, nhìn rộng hơn những gì chỉ thấy bằng con mắt giác quan. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, nay là Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-to XVI đã viết: “Ai chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù”. Vâng, đó là một thứ mù thiêng liêng, khi người ta chỉ hạn chế mình vào một khoảng chân trời hạn hẹp, rồi do thành kiến, họ không muốn công nhận những gì là tốt lành nơi người khác. Nếu không có cái nhìn siêu nhiên, chúng ta không phóng tầm nhìn vượt lên trên những cảm nhận của giác quan, mà giác quan thì nhiều khi sai lầm. Một khi có cái nhìn siêu nhiên, chúng ta có thể nhận ra những điều kỳ diệu mà Chúa đang thực hiện, có thể xuyên qua những biến cố, sự kiện xem ra là đau thương hoặc thiệt thòi theo quan niệm đời thường.
-Xin Chúa mở đôi mắt con để nhìn thấy tha nhân, với những ưu điểm nơi họ.
-Xin mở cho con đôi tai để biết lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe tiếng nói của anh chị em.
-Xin mở môi miệng con để con biết nói những lời tốt đẹp, những lời xây dựng tình bằng hữu và hướng người lỗi lầm trở về với Chúa.
-Xin mở cho con cánh tay để con giang rộng trong tư thế cầu nguyện, đồng thời biết giang rộng để đón nhận anh chị em, với tất cả những yếu đuối và khác biệt.
-Xin cho đôi chân con nhanh nhẹn để lên đườn, đến với người khác thay vì ngồi chờ họ đến với con, nhờ đó con có thể loan báo cho họ Tin Mừng tình yêu.
-Xin mở trái tim con để con biết yêu Chúa, yêu người, nhất là cho con biết sống quảng đại tha thứ đối với tha nhân.
Vâng, nếu khi nào những người tin Chúa chưa thao thức ước mong thực hiện những điều trên, thì họ còn là những người què không đến được với tha nhân; họ là những người mù không nhận ra thế giới tốt đẹp xung quanh mình; họ còn là người điếc không có khả năng đón nhận Lời Chúa, họ còn là người có trái tim băng giá trước anh chị em thân thương của mình. Thánh Gia-cô-bê đã rất cụ thể những điều nói trên, khi ngài đưa ra hình ảnh của một cộng đoàn đức tin mà mọi người dựa trên tiêu chuẩn vật chất, sự giàu sang để phân biệt đối xử. Quả vậy, những người hành xử như vậy cần được Chúa mở mắt, mở tai và mở tâm hồn để họ nên hoàn hảo hơn.
Giáo phận Hải Phòng
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên