Chúa Nhật Chúa chịu Phép Rửa
Có thể nói không sai rằng Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh kéo dài qua 3 Chúa Nhật. Hiển linh cho dân ngoại, mà các đạo sĩ là đại diện (Chúa Nhật lễ Ba Vua), hiển linh cho dân Do Thái qua biến cố Chúa chịu Phép Rửa tại sông Giođan (Chúa Nhật I TN), và Hiển Linh cho các môn đệ và gia quyến đôi tân hôn qua phép lạ hoá nước thành rượu tại tiệc cưới Cana (Chúa Nhật II TN C). Hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu hiển linh tại sông Giođan qua biến cố Gioan làm phép rửa. Vậy đâu là ý nghĩa của biến cố này?
– Trước hết, phép rửa tại sông Giođan là biến cố mà Chúa Giêsu muốn liên đới với dân.
Dẫu là Con Thiên Chúa, là Đấng vượt trên mọi ước lệ và định chế của loài người, nhưng một khi đã chấp nhận làm người và chấp nhận trở thành công dân của một nước trần thế, Chúa Giêsu vẫn phải tuân thủ mọi luật lệ và truyền thống của đất nước ấy. Khi sinh ra được 8 ngày, Ngài đã được cắt bì và làm lễ đặt tên như bao trẻ trai Do Thái khác. Được cắt bì và đặt tên để chính thức trở thành công dân của đất nước Do Thái. 40 ngày tuổi, Ngài lại được tiến dâng cho Thiên Chúa, theo qui định dành cho các con trai đầu lòng. Được tiến dâng để được thuộc về dân thánh, dân riêng của Chúa. Dẫu rằng Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, tự bản chất Ngài đã thuộc về Thiên Chúa, nên không cần phải được tiến dâng cho Thiên Chúa nữa. Khi đã tròn 12 tuổi, hàng năm Chúa Giêsu phải hành hương lên Giêrusalem, trung tâm của đời sống tâm linh, như luật đã qui định cho tất cả các công dân đã trưởng thành. Khi trạc 30 tuổi, cùng với công dân khác, Chúa Giêsu cũng hoà vào dòng người để lãnh nhận phép rửa của Gioan hầu đón nhận hồng ân tha thứ của thời đại Đấng Cứu Thế. Kỳ thực, Chúa Giêsu không cần lãnh nhận phép rửa của Gioan chút nào, đơn giản vì Ngài là Đấng không vương vấn một tì vết nào của tội luỵ. Khi bước xuống sông Giođan để lãnh phép rửa của Gioan, trước hết Ngài muốn liên đới với dân và liên đới với cả tội lỗi của dân.
Nói cách khác, qua biến cố nhập thể, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã thực hiện một bước thật dài, bước từ trời cao đến đất thấp, từ cõi vô hạn đến chốn hữu hạn. Và nay qua biến cố chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu lại bước tiếp một bước quan trọng nữa, bước liên đới với con người tội lỗi, cũng là bước quyết định ra khỏi giai đoạn ẩn dật để đi vào giai đoạn công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đây là một khác biệt lớn so với việc dân chúng đến lãnh nhận phép rửa của Gioan.
– Thứ đến, phép rửa tại sông Giođan còn là biến cố đặc biệt để Chúa Giêsu xuất hiện công khai trước toàn thể dân chúng.
Trước kia Chúa Giêsu chỉ xuất hiện một cách khiêm tốn, với một số ít người hiếm hoi, như với một số mục đồng trong đêm Giáng sinh, với 3 nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi, và sau đó là với cụ già Simêon và bà Anna. Rồi năm lên 12 tuổi là với một số kinh sư luật sĩ tại Đền thờ Giêrusalem. Chấm hết. Hơn nữa, hẳn lúc đó Chúa Giêsu còn bé nên chẳng mấy ai để ý nhiều đến Ngài.
Lần này Chúa Giêsu công khai xuất hiện trước nhiều người trong một khung cảnh trọng đại, khung cảnh toàn dân đến lãnh nhận Phép rửa thống hối của Gioan. Ngài xuất hiện trong tư cách là một người đã trưởng thành và chín chắn thực sự, một người đã bước vào tuổi “tam thập như lập”. Chúa Giêsu xuất hiện như chàng rể mới bên cạnh phù rể là Gioan, và Gioan đã có dịp giới thiệu trực tiếp Chúa Giêsu cho các môn đồ của mình và cho toàn thể dân chúng. Gioan chỉ làm phép rửa bằng nước không thôi còn Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Gioan đã long trọng giới thiệu như thế về Chúa Giêsu cho toàn dân. Đây là cơ hội để Gioan thể hiện vai trò MC của mình cho Chúa Giêsu.
– Sau nữa, phép rửa tại sông Giođan là biến cố quan trọng, qua đó Chúa Cha xác nhận tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.
Chúa Cha xác nhận tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu qua các hiện tượng thần linh kèm theo, như: trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim câu, và tiếng Chúa Cha từ trời phán.
Nếu Chúa Giêsu chỉ xuất hiện công khai trước mặt dân chúng mà không có các hiện tượng nào khác thường thì dân chúng cũng chỉ biết đến Chúa Giêsu như một thanh niên con bác thợ mộc miền Galilê quê mùa không hơn không kém, và rồi chẳng mấy chốc người ta sẽ lãng quên Ngài. Ở đây chúng ta thấy những sự lạ cả thể xác nhận Chúa Giêsu không phải là một con người tầm thường, hay khá hơn là một ngôn sứ như bao ngôn sứ khác, mà Chúa Giêsu phải là một người có nguồn gốc huyền siêu nào đó. Sứ mạng của Ngài là sứ mạng thần linh, sứ mạng đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại theo chương trình của Chúa Cha.
Căn tính của Ngài là con của trời cao, như tiếng vọng xuống từ trời: “Đây là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Chính Chúa Cha đã xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Một lời giới thiệu hùng hồn, trang trọng vọng vang từ trời xanh. Chắc chắn đây là lời giới thiệu có sức thuyết phục hơn bất cứ lời nào của con người, cho dẫu đó là lời của Gioan, vị Ngôn sứ lừng danh.
Sứ điệp của ngày lễ hôm nay mời gọi ta điều gì? Mời gọi chúng ta trước hết là nhìn nhận thân phận của chính mình để được Chúa liên đới và đồng hành. Thứ đến là tin nhận Đức Giêsu là Đấng xoá tội trần gian để được ban ơn tha thứ. Sau nữa là đón nhận Chúa Giêsu là Con Chí ái của Thiên Chúa để được chia sẻ chức vị làm con của Thiên Chúa là Cha. Và sau cùng là chấp nhận dấn thân làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Chúa trong chính môi trường mà ta đang sống. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long