Ý Nghĩa Phép Rửa

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Lc 3,15-16.21-22)
“Đông Ca-mê-lô” là tên một cuốn phim, trong đó nêu bật cuộc đối đầu liên tục giữa vị linh mục và ông thị trưởng. Xem ra hai bên lúc nào cũng hoạt động sát cánh bên nhau để phục vụ công ích, nhưng lúc nào cũng bảo vệ quan điểm của mình : một bên là niềm tin Công giáo, một bên là ý thức hệ vô thần. Một trong những cảnh trong đó dường như ông thị trưởng muốn thỏa hiệp với tôn giáo, đó là cảnh ông lén lút đưa đứa con mới sinh đến nhà thờ xin vị linh mục rửa tội. Nhưng đến khi đặt tên thánh cho con ông lại đưa ra một cái tên là Sta-lin.Cũng như ông thị trưởng trên đây, ngày nay có nhiều người Công giáo đưa con mới sinh đến nhà thờ xin linh mục cử hành bí tích rửa tội mà không hiểu ý nghĩa tôn giáo cũng như các cam kết mà bí tích này đòi hỏi. Nói khác đi, người ta trở thành Ki-tô hữu mà không sống cho đến cùng niềm tin tôn giáo của mình. Ông thị trưởng trên đây cũng có thể nhìn vào bí tích rửa tội như nhiều người ngoài Ki-tô giáo. Họ xem nghi thức này như một thứ ma thuật, bùa chú, có hiệu năng bảo vệ con người khỏi nghịch cảnh và bất hạnh trong cuộc sống. Nhiều người khác cũng có thể nhìn vào bí tích này như một thứ mê tín dị đoan cần phải loại bỏ. Vậy đâu là ý nghĩa đích thực của bí tích rửa tội ?

baptismo-de-CristoChúng ta hãy trở lại dòng sông Gio-đan bên Pa-lét-tin, nơi Chúa Giêsu đã đến dìm mình trong nước. Tại đây, Gio-an Tẩy Giả đã lôi kéo được đông đảo dân chúng đến nghe giảng và tỏ dấu sám hối bằng cách dìm mình trong nước. Chúa Giêsu cũng chen lẫn trong đám đông ấy để xin Gio-an thanh tẩy cho Ngài. Nhưng là một người không vương tội lỗi, Chúa Giêsu đến dìm mình trong nước không phải để thể hiện sự sám hối. Ngài muốn nói lên một ý nghĩa khác, đó là loan báo cái chết và phục sinh của Ngài : dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết. Trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.

Đây cũng là ý nghĩa bí tích rửa tội. Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức rửa tội, chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được sinh lại làm con cái Thiên Chúa và gia nhập vào Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội coi bí tích rửa tội như một cuộc tái sinh : người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Tôi thấy một số người không mừng sinh nhật ngày họ sinh ra vào đời, nhưng mừng ngày họ được chịu phép rửa tội. Thiết nghĩ điều này rất hay, rất đúng, vì đây mới là ngày trọng đại, cao quý, như Đức Giáo hoàng Pi-ô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nhân ngày kỷ niệm rửa tội của ngài : “Ngày cha chịu phép rửa tội là ngày cao quý nhất của đời cha. Cũng như ngày các con chịu phép rửa tội là ngày cao quý nhất của đời các con”.

Nhờ phép rửa tội, chúng ta được mang tước hiệu Ki-tô hữu. Ki-tô hữu là người có Đức Ki-tô. Mỗi Ki-tô hữu là một Đức Ki-tô thứ hai. Mỗi Ki-tô hữu là một nối dài của chính Đức Ki-tô. Đó là tước hiệu cao cả của chúng ta. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè mà phải luôn chiếu tỏa trong từng giây phút của cuộc sống.

Nhưng tôi xin phép hỏi : Phải chăng nhiều người trong chúng ta đã là Ki-tô hữu một cách miễn cưỡng ? Đức tin chưa phải là niềm vui sống mà chỉ là một mớ những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy nặng nề, khó khăn ? Ngoài những ràng buộc của luân lý Ki-tô giáo và gánh nặng của những sinh hoạt đạo giáo, biết đâu nhãn hiệu Ki-tô lại không là đầu mối của biết bao kỳ thị, thiệt thòi trong cuộc sống của chúng ta ? Chúa Ki-tô đã mang lại cho chúng ta cuộc sống mới của những người con Thiên Chúa, cho dầu cuộc sống ấy có thể tạo ra nhiều ràng buộc, có thể đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu, có thể gây nên những phiền toái, thua thiệt…nhưng đó là giá để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.

Có thể nói đó là một ước mơ của người Ki-tô. Bình thường có một ước mơ để theo đuổi, đó là sức mạnh giúp người ta có thể thành công và kiên trì trong cuộc sống. Thì trong đời sống đức tin cũng thế, xem ra người Ki-tô cũng theo đuổi một ước mơ. Chẳng hạn : ngay từ khi còn nhỏ, thánh Đông Bốt-cô đã ước mơ được chăm sóc và hướng dẫn các trẻ em lang thang nơi đầu đường xó chợ. Cả cuộc đời ngài đã cống hiến để ước mơ ngày trở thành hiện thực. Mục sư Lu-thơ Kinh cũng đã từng ước mơ một ngày nào đó con cái của những người nô lệ da đen sẽ ngồi đồng bàn với con cái của những chủ nhân da trắng. Cả cuộc đời ông là một cuộc tranh đấu cho đến khi ngã gục, để thực hiện ước mơ ấy. Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta cũng đã có lần ước mơ được lên tới cổng thiên đàng. Nhưng khi thấy thánh Phê-tô không cho những người khốn khổ cùng được vào thiên đàng, thì mẹ đã trở lại trần gian để tranh đấu cho tới khi nào những người cùng khổ cũng được vào thiên đàng.

Đâu là ước mơ của chúng ta ? Đâu là động lực khiến chúng ta tiêu hao tất cả cuộc sống ? Đâu là lẽ sống của đời chúng ta ? Đó là một cuộc sống đúng danh nghĩa người Ki-tô. Đó là hạnh phúc nước trời. Đây chính là ước mơ, là động lực, là lẽ sống của đời chúng ta.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
Trích Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm C