Bài 3 – Ý Nghĩa Tâm Linh vàThực Dụng của Bí Tích Thánh Thể

Trong bài trước chúng ta đã bàn về ý nghĩa thần học của Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể là một Bữa Tiệc Thánh, một Hy Lễ và một Lễ Tưởng Niệm mà trong đó Đức Kitô Phục Sinh thực sự hiện diện giữa chúng ta trong Mình, Máu, linh hồn và thiên tính của Người dưới hình bánh và rượu. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa tâm linh và thực dụng của Bí Tích Thánh Thể.

Dâng Hy Lễ Thánh Thể trong Tâm Tình Tạ Ơn và Chúc Tụng

Khi chúng ta hợp nhau lại để cử hành Thánh Lễ, chúng ta phải nhớ rằng Bí Tích Thánh Thể còn hơn một bữa tiệc, một hy lễ hay một cuộc tưởng niệm theo nghĩa thông thường.  Trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta gặp gỡ chính con người Đức Kitô.  Mầu Nhiệm Thánh Thể cũng là Mầu Nhiệm Hội Thánh.  Chúng ta kết hợp với nhau như những phần tử của Nhiệm Thể Người, và càng tham dự nhiều thì chúng ta càng kết hợp với nhau nhiều hơn. “Chúng ta là Nhiệm Thể Đức Kitô” phải được bổ túc bằng “Chúng ta là Nhiệm Thể Đức Kitô”.  Đây không phải là một bữa ăn thông thường, và bản tính siêu việt của việc chúng ta làm không thể bị mất đi trong việc chúng ta tìm cách làm quen với cộng đồng tín hữu, là anh chị em của mình.  Chúa Giêsu ngự đến giữa chúng ta cách bí tích.  Hiến Chương về Phụng Vụ Thánh của CĐ Vaticanô II nhìn nhận những cách hiện diện khác nhau và bổ túc cho nhau của Đức Kitô trong Thánh Lễ: trong các tín hữu nhân danh Người mà họp nhau lại, trong việc công bố Lời Chúa, trong thừa tác viên là linh mục và đặc biệt là hiện diện cách bí tích trong Thánh Thể (SC ch 1, số 7).

Tình bằng hữu với nhau của chúng ta trong Bữa Tiệc Thánh Thể cũng là một hy lễ.  Nhiều Kitô hữu biết rằng yếu tố cần thiết này của Bí Tích Thánh Thể là một trở ngại lớn vì hy lễ làm cho chúng ta liên tưởng đến ý niệm tiền Kitô giáo về Thiên Chúa, là Đấng đòi chúng ta phải thiêu hủy những gì quý giá nhất của mình. Nhưng trong Thánh Lễ, những gì chúng ta dâng hiến, không phải chỉ là những ý chỉ và những nhu cầu của mình, nhưng là toàn thể con người của mình và tất cả những gì mình có.  Trong Thánh Lễ, Thiên Chúa thay vì cất những điều ấy khỏi chúng ta thì Ngài lại phục hồi chúng trong Đức Kitô.  Chúng ta dâng mình trên bàn thờ cùng với các của lễ, và vì chúng ta được kết hợp trong một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, chúng ta cũng được Người dâng cho Chúa Cha làm một với Hy Lễ duy nhất của Người.  Tâm tình thích hợp của chúng ta là dâng hiến chính mình trong cuộc tự hiến của Chúa Giêsu.

Hiệp Thông với Đức Kitô trong việc Rước Lễ

Khi chúng ta làm việc này, Người ở với chúng ta!  Bất cứ điều gì chúng ta mang đến với mình như một cộng đoàn – căn tính của chúng ta, đời sống cầu nguyện mà chúng ta chia sẻ với nhau – giờ đây chúng ta mang đến dâng cho Người.  Nhưng như những cá nhân, chúng ta không những đón nhận Người trong sự hợp nhất với những người khác như những phần tử của Nhiệm Thể Người, mà trong sự hiệp thông với họ chúng ta còn gặp gỡ Người cách riêng.  Những giây phút im lặng trong Thánh Lễ cho chúng ta những dịp để kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong cuộc gặp gỡ riêng tư này để hiệp thông với Người.  Việc chúng ta rước Người là mời Người “vào dưới mái nhà chúng ta”.  Chúng ta có thể tâm sự với Người về bất cứ điều gì mình nghĩ đến, những hy vọng và lo âu, những nhu cầu và ước muốn của mình.  Chúng ta còn có thể tâm sự với Người những điều mà chúng ta không thể tâm sự với những người khác.

Chúng ta cảm thấy thấp hèn khi Người đến với chúng ta vì nhận thấy mình bất xứng như một cộng đồng, nhưng còn vì ý thức được sự bất xứng của cá nhân mình.  Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta ăn năn thống hối thay vì chỉ cảm thấy mình tội lỗi. Tôi là ai mà Con Thiên Chúa đến với tôi, để cho tôi đón Người vào nhà tôi?  Cách tự nhận mình này có thể quá đáng đối với chúng ta, và chúng ta vô tình tìm cách tránh né nó.  Cho nên thường trong những buổi cử hàng phụng vụ Thánh Thể hiện nay, người ta hát, đọc, nói, giải thích và diễn tả quá nhiều, làm cho thời giờ im lặng để kết hợp mật thiết với Chúa bị mất đi.  Nhiều khi chúng ta hình như muốn tránh sự mật thiết này.

Đôi khi ngồi im lặng để thật sự gặp Chúa trong Thánh Thể xem ra quá khó đối với nhiều người Công Giáo hôm nay; nhưng việc gây tình thân hữu với những người có mặt chung quanh có vẻ dễ dàng hơn.  Nếu chúng ta không thấy bài giảng hay ho hoặc xúc động vì bài hát thì chúng ta không còn biết phải làm gì.

Trong quá khứ, nhiều người Công Giáo đến nhà thờ trước Thánh Lễ nửa tiếng đồng hồ để cầu nguyện và dọn mình rước Mình Máu Thánh Chúa. Sau Thánh Lễ họ ở lại nhà thờ lâu giờ để cảm tạ và kết hợp với Chúa trong cầu nguyện.  Ngày nay hầu hết trong chúng ta vội vàng đến nhà thờ, nhiều khi còn chậm trễ, và vội vàng ra về, đôi khi ngay sau khi rước lễ.  Chúng ta hầu như không dành một giây phút nào để kết hợp với Chúa và bỏ mất dịp đào sâu mối liên hệ mật thiết của mình với Đức Kitô.  Và việc vội vàng đến và rời nhà thờ biến việc gây tình thân hữu giữa chúng ta với người khác thành vô nghĩa.

Việc Chầu Thánh Thể

Trong vòng 50 năm vừa qua, nói chung thì những việc tôn sùng Thánh Thể khác nhau ngoài Thánh Lễ bị suy giảm ở Hoa Kỳ.  Nhưng trong những thập niên gần đây việc sùng kính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể lại được phục hồi.  Vì sự suy giảm như nói trên mà nhiều người khao khát có những giây phút thầm lặng riêng tư để kết hợp với Chúa.  Có những người muốn kéo dài sự gần gũi với Chúa sau Thánh Lễ bằng cách đến cùng Chúa trong Nhà Tạm.  Từ đó việc tôn sùng Thánh Thể được dần dần phục hồi.  Việc tôn sùng này bổ túc và kéo dài việc cử hành Thánh lễ cùng rước Lễ và phải được coi là bắt nguồn từ Thánh Lễ.  Hội Thánh luôn luôn dạy rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể, dù sau Thánh Lễ, vì Mình Thánh Chúa được cất trong Nhà Tạm. Chính Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết về sự cần thiết của việc cầu nguyện lâu giờ này.  Tân Ước cho thấy nhiều lần Người đã cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha.  Gần đây Hội Thánh đã gia tăng việc khuyến khích những buổi cầu nguyện thâu đêm như thế cho mọi người Công Giáo.

Một số người cho rằng chúng ta thờ ngẫu tượng vì tôn thờ Bánh Thánh hay cầu nguyện trước Nhà Tạm.  Cần phải nhớ rằng Thánh Thể không phải là một vật cho chúng ta nhìn ngắm, nhưng là một người, một liên hệ, là chính Đức Kitô Phục Sinh.  Khi chúng ta rước Chúa hay quỳ im lặng trước Nhà Tạm, chúng ta có thể liên hệ với Thánh Thể như Chúa Giêsu đang hiện diện và đang hiến Mình Người cho chúng ta.  Mối liên hệ này cũng như tất cả những liên hệ khác đòi hỏi phải có Đức Tin, một Đức Tin sinh hoa trái.  Tôn thờ Chúa trong Bí Tích Thánh Thể làm cho những hoa trái mà chúng ta nhận được từ Người chín mùi, và lắng sâu vào sự hiệp thông, cùng vào sự sung mãn của Đức Ái, là điều được tràn ra trong đời sống thường nhật của chúng ta.

Kết Luận

Bí Tích Thánh Thể là trọng tâm và tột đỉnh của đời sống từng Kitô hữu và của toàn thể dân Thiên Chúa (Lumen Gentium, số 11), trong đó tất cả mọi Bí Tích khác đều liên kết với và hướng về (GLHTCG, 1324).  Bí Tích Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn, và là sự hoàn thành của tất cà những điều mà Chúa Giêsu hứa khi Người nói, “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời;… ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời, và … sẽ ở lại trong Ta và Ta ở trong người ấy (Ga 6:51, 54, 56). Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta hợp với Đức Kitô dâng chính mình làm của lễ cho Chúa Cha như một phần tử của Nhiệm Thể Người.  Khi chúng ta rước Người vào lòng mình, chúng ta được kết hợp với Người trong tình yêu và Người sẽ biến đổi chúng ta mỗi ngày một thêm giống Người.  Không những thế, Người còn ở với chúng ta luôn mãi trong các Nhà Tạm khắp nơi để chúng ta có thể đến thờ kính và tâm sự với Người bất cứ lúc nào.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết phỏng theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011 của HĐGMHK