CHÚA NHẬT 30 A
Nhóm Pharisiêu liên minh với nhóm Hêrôđê gài bẫy Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Cêsarê. Họ đã thất bại. Nhóm Pharisiêu lại tiếp tục liên kết với nhóm Xađốc gài bẫy lần nữa; có bảy anh em trai cùng lấy một người vợ, ngày tận thế khi sống lại, người đàn bà đó là vợ của ai trong bảy anh em? Họ cũng thất bại. Chưa chịu thua. Lần này như bài Phúc Âm thuật lại, họ chọn ra một người thông luật để tranh luận với Chúa Giêsu. Thưa Thầy, trong lề luật giới răn nào trọng nhất? Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi vì đạo Do thái có rất nhiều khoản luật mà luật nào cũng đều quan trọng cả.Luật Do thái có tất cả 613 điều luật khác nhau, trong đó có 365 điều luật cấm và 248 luật phải giữ. Điều răn nào lớn nhất? Lớn nhất tức là quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Chúa Giêsu là vì một phần vì họ không nhất trí đựơc với nhau, phần vì muốn thử Chúa Giêsu để mong đặt Người vào thế bí không thể giải quyết được.
Chúa Giêsu đã trả lời rất xuất sắc: Ngươi phải yêu mến ĐứcChúa, Thiên Chúa ngươi hềt lòng hết linh hồn hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn này là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Như thế trong 613 điều luật, Chúa Giêsu đã chọn lọc ra hai điều luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người từ sách Đệ Nhị Luật (Dnl 6,5) và sách Lêvi (Lv 19,18). Người liên kết hai điều đó lại: mến Chúa thì phải yêu người, yêu người thì phải mến Chúa. Cả hai điều ấy có thể tóm lại thành một điều duy nhất là yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của tất cả mọi khoản luật khác.
Suốt cuộc đời, Chúa Giêsu đã làm chứng về sự quan trọng của hai luật đó. Người không chỉ làm chứng bằng lời giảng dạy mà còn bằng chính cuộc sống và cái chết của mình. Yêu Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn. Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan đến trái tim linh hồn và cả khối óc của con người.Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác. Chúa Giêsu đã yêu mến Chúa Cha, luôn sống đẹp lòng Cha, luôn dành thời giờ cầu nguyện tâm sự với Cha. Chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết thập giá bởi lòng yêu mến Cha và yêu thương nhân loại. Yêu người thân cận như chính mình, điều răn này cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa, vì lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như lòng mến Chúa vậy. Đọc Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu thể hiện lòng yêu mến đối với hết mọi người. -Với người ngoại giáo Samaria, trước đây người Do thái xa lánh khinh khi, nay Chúa gần gũi trân trọng. -Với người tội lỗi, trước đây người Do thái kết án loại trừ, nay Chúa liên kết tìm về. -Với người thù địch, trước đây người Do thái báo oán tiêu diệt, nay Chúa cầu nguyện làm ơn.
-Với người nghèo, trước đây người Do thái dửng dưng coi thường, nay Chúa chăm sóc tôn trọng. -Với người anh em, trước đây người Do thái vị kỷ nhỏ nhen, nay Chúa vị tha quãng đại.
Chúa Giêsu đã sống tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người thật tuyệt hảo. Người còn ban thêm điều răn mới: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Yêu thương nhau như Thầy đã yêu, yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa và yêu người có một động từ chung là yêu. Đối tượng của động từ yêu này có vẻ khác biệt nhưng lại không phân biệt. Hai điều răn ấy tuy hai mà một, giống như hai trang của cùng một tờ giấy, tuy hai mặt khác nhau nhưng cũng chỉ là một tờ giấy duy nhất. Yêu người là yêu Chúa và yêu Chúa là yêu người. Người Kitô hữu có đức tin sẽ nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày, yêu Chúa nơi họ.
Hai điều răn mến Chúa, yêu người không thể tách rời nhau.Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân.Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên Thiên Chúa.Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra nơi cuộc sống rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ.Ngoài cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em.Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.Thánh Gioan đã nói:Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy (1Ga 4,20). Do đó, “ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (Ga 4,21).
Có câu chuyện kể rằng: Một ông vua kia có một thư viện rất lớn, trong đó lưu trữ rất nhiều sách vở quý giá như một kho tàng trí thức của nhân loại. Nhà vua muốn đọc tất cả các sách, nhưng không sao đọc được như ý muốn. Một hôm vua cho triệu tập các nhà bác học, các thầy dạy đạo lại để yêu cầu họ tóm gọn lại tất cả các sách thánh hiền thành một ngàn quyển thôi. Nhưng sau đó, vua vẫn thấy số đó là nhiều, nên yêu cầu họ tóm lại thành một trăm. Nhưng rồi vẫn thấy còn nhiều, vua yêu cầu họ tóm lại các tư tưởng thánh hiền trong một quyển mà thôi. Các nhà thông thái đều bối rối, không biết phải tóm ra sao, vì tất cả các sách thánh hiền đều đã được thu gọn vào nhiều chủ điểm tinh hoa nhất trong một trăm cuốn, không thể tóm gọn hơn được nữa. Trong lúc đang bế tắc, thì một cụ già thông thái đã đứng lên phát biểu: “Thưa quý vị, phàm ở đời thì hai điều quan trọng nhất là tín và nghĩa. Đây là mục đích của tất cả các sách thánh hiền xưa cũng như nay. Tín là sự tin tưởng dành cho Ông Trời và
nghĩa là cách ăn ở có trước có sau dành cho người đời. Nói cách khác, đó là lòng mến Chúa và đức yêu người. Hai điều này là bản tóm lược toàn bộ Thánh Kinh. Như vậy Thánh Kinh là cuốn sách hay nhất và là bản tóm của tất cả các sách thánh hiền xưa nay”. Nghe vậy, toàn thể những người hiện diện đều đồng ý. Còn bạn, bạn có thấy Thánh Kinh là sách dạy chúng ta về lòng mến Chúa và yêu người đầy đủ và có giá trị nhất hay không? Bạn nên có thái độ nào đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh, để nhờ đó, chúng ta có thể sống được tình mến Chúa yêu người?
Đức Cha Giuse Võ Đức Minh là Đại diện HĐGM Việt Nam tại Thượng HĐGM thế giới lần thứ 13 về Lời Chúa. Trong bài tham luận sáng ngày 11-10-2008, ngài nói:
“Lời Chúa giúp khám phá chân dung đích thực của Chúa Giêsu Kitô, hiện thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, qua mầu nhiệm thập giá. Do kinh nghiệm đau thương mà Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam cảm nghiệm, mầu nhiệm Thánh Giá không những trở nên gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng còn là nhân tố thiết yếu qui tụ dân Chúa. Vốn thừa hưởng nền văn hóa ngàn năm về việc
”tôn kính tổ tiên” biểu lộ lòng hiếu thảo của dân tộc chúng tôi, các tín hữu Công Giáo, để cử hành lễ giỗ của người thân trong gia đình, thường lấy hứng từ Bữa Tiệc Ly, từ cuộc Thương Khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, gương của Chúa đánh động sâu xa tâm hồn người Việt Nam. Các trình thuật về những thử thách mà các Tổ Phụ và Ngôn Sứ, đặc biệt là ông thánh Gióp trong Cựu Ước, và
của Đức Mẹ Maria, thánh Giuse và các thánh tông đồ trong Tân Ước đã chịu đựng, tiếp tục nâng đỡ đức tin của các tín hữu Công Giáo.
Lời Chúa, sinh động trong dòng lịch sử Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam, đã trở thành nguồn hy vọng cho các tín hữu bị bách hại. Kinh nghiệm của các vị Tử Đạo và các thế hệ các vị chủ chăn, tu sĩ và giáo dân, là một bằng chứng hùng hồn. Để diễn tả chân lý đó, ĐTC Biển Đức 16, trong thông điệp Spe salvi, đã trích dẫn đích danh hai người Việt Nam, đó là thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, và ĐHY rất đáng thương tiếc Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận”.
Trong bài phát biểu sáng 14-10-2008 tại Thượng HĐGM thế giới, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, đã đề cao sự nâng đỡ của Lời Chúa cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giữa các cơn thử thách, bách hại.
Trước sự hiện diện của ĐTC và 241 nghị phụ, Đức cha nói:
Giáo Hội tại Việt Nam, một trong những Giáo Hội bị thử thách nặng nề nhất vì các cuộc bách hại đẫm máu và liên tục. Bị đẩy vào trong một lịch sử dệt bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và những hạn chế kỳ thị, các tín hữu Công Giáo chúng con ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có thể giữ chúng con ở lại trong tình thương, trong an vui, hiệp thông và bao dung.
Con cũng đau lòng mà thưa với ĐTC và các nghị phụ rằng cho đến nay Việt Nam chiếm hàng đầu về các vụ phá thai. Nhưng điều đáng nói là thảm trạng này đã khơi lên nơi các tín hữu Công Giáo phong trào ”bênh vực sự sống”: họ đi tìm các bào thai bị phá trong các nhà thương, rửa tội cho các bào thai ấy nếu còn sống thoi thóp, và thành lập các nghĩa trang để an táng. Ban đầu, hành động này bị chính quyền và các vị lãnh đạo nhà thương coi là tội ác, khiến cho các tín hữu Công Giáo phải hành động bí mật. Nhưng nay, tuy nhà chức trách chưa cho phép, nhưng họ để cho làm. Vài nhà làm điện ảnh đã quay thành những phim tài liệu và các ký giả ca ngợi việc làm ấy của các tín hữu Công Giáo trên các cơ quan truyền thông. Tại sao có sự tiến bộ như vậy? Thưa vì người ta nhận rõ hơn chứng tá của các tín hữu Công Giáo, những người sống Lời Chúa, và dưới ánh sáng của Lời ấy, họ tôn trọng sự sống.
Lời Chúa là sự sống cho con người mọi nơi và mọi thời. Xin dâng lên Chúa những tâm tình cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến dạy bảo loài người về hai giới răn quan trọng nhất là yêu Chúa và yêu người.
Xin dạy chúng con biết sống tâm tình biết ơn về những hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin dạy chúng con nhận ra hình ảnh Chúa nơi anh em để chúng con yêu Chúa và yêu người với tâm hồn rộng mở.
Lạy Chúa là Thần Khí sự sống và là tình yêu,
Xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống,
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp cao quý
và biết ghét những điều đê tiện xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống,
để mỗi giây phút sống,
con đều cảm nhận đựơc niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa sự sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho đời sống thêm giá trị.
Cuối cùng, xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một,
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An