Chúa Nhật 5 Phục Sinh C
Ga 13, 31-35
Trong bữa ăn cuối cùng, sau khi rửa chân cho các môn đệ và sau khi Giuđa ra đi để thực hiện ý định bán Thầy, khi còn lại các môn đệ yêu dấu, Chúa Giêsu khai mở diễn từ cáo biệt để chuẩn bị bước vào cuộc Khổ nạn. Tin mừng hôm nay là phần dẫn nhập trong diễn từ đó.
Từ sau khi Giuđa ra khỏi phòng Tiệc ly thì cũng chính là lúc cuộc Thương khó của Chúa Giêsu bắt đầu, giờ Con Người tôn vinh được khởi sự. Tiếng hô lớn “Giờ đây” làm cho chúng ta cảm nhận một điều gì đó xảy đến với Chúa rất quan trọng và, dường như đó cũng là cách Chúa Giêsu biểu lộ trước sự vui mừng cuộc vinh thắng trong tương lai mà Người sẽ được Chúa Cha tôn vinh sau khi hoàn tất chương trình cứu rỗi nhân loại. Chính vì sắp bước vào cuộc Thương khó và như thế sắp phải rời xa các môn đệ dấu yêu, trong hoàn cảnh đó, chúng ta có thể xem diễn từ cáo biệt của Chúa là những lời trối trăn gửi đến các môn đệ và lời trăn trối quan trọng nhất Chúa muốn để lại chính là lời yêu thương- một điều răn mới.
Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Điều răn mới Chúa Giêsu muốn gửi trao cho các môn đệ xoay quanh hai tiếng “yêu thương”. Lời yêu thương đó rất chân tình, rất cụ thể và dễ hiểu. Bởi Chúa Giêsu không cần viện dẫn một tình yêu nào khác ngoài tình yêu mà Chúa Cha đã yêu thương Người cũng như tình yêu mà chính Người đã trao ban cho nhân loại.
Yêu như Thầy đã yêu là gì? Thật ra liên từ “như” ở đây không chỉ là sự so sánh mà đó còn là sự thể hiện cội nguồn của tình yêu xuất phát từ chính Chúa. Chúa Giêsu muốn các môn đệ yêu thương nhau không phải bằng một tình yêu “đầu môi chót lưỡi”, “trên mây trên gió”, lãng mạn, xa rời thực tế mà là một tình yêu được kín múc trong tình yêu của Chúa. Chính Chúa đã đi bước trước để thể hiện tình yêu đối với nhân loại và Người muốn các môn đệ hãy làm phát sinh hoa trái tình yêu đó nơi anh em mình. Tình yêu của Người được diễn tả cách sống động và cụ thể. Chúng ta có thể thấy cuộc đời của Chúa Giêsu chính là một cuộc hành trình ra khơi, đi đến với người nghèo khó, bệnh hoạn và tội lỗi.
Từng bước chân trên hành trình ra khơi đó chính là để mày mò, kiếm tìm “con chiên lạc”, “đồng bạc bị mất” hầu quy tụ tất cả trong một tình yêu duy nhất. Đối với các môn đệ, tình yêu đó còn được thể hiện trong cử chỉ rửa chân – một cử chỉ độc nhất vô nhị mà Chúa đã thực hiện để các ông noi theo. Chưa dừng lại ở đó, đỉnh cao của tình yêu đó chính là thập giá, là sự hy sinh tính mạng của Người để cứu rỗi nhân loại. Yêu thương nhân loại đến độ phải tự huỷ chính mình, chấp nhận những đắng cay, khổ nhục, những gièm pha, phỉ báng, nhạo cười của đồng loại mà không một lời ca thán thì chắn chắc đó phải là một tình yêu không từ dưới đất mọc lên mà chính là từ trời đưa xuống. Chúa Giêsu chính là tình yêu, là quà tặng của Chúa Cha trao ban cho nhân loại và giờ đây, Người cũng muốn các môn đệ Người lưu truyền cho nhau tình yêu và quà tặng ấy cho hết mọi người.
Đối với Chúa Giêsu, tình yêu vô vị lợi chính là bí quyết, là chìa khoá để mở rộng tâm hồn đến với mọi người. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” phải được xem là kim ngôn cho hết thảy chúng ta. Hơn lúc nào hết, thế giới này đang cần đến những chứng nhân tình yêu của chúng ta biết chứng nào. Bổn phận của chúng ta – những Kytô hữu, là biến thế giới này trở nên hoà bình hơn, an vui và dạt dào tình thân hơn. Xin Chúa cho chúng ta biết thể hiện tình yêu đó nơi đồng loại và không ngừng lôi kéo tình yêu từ trời xuống cho hết mọi người.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb